Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật quy định thế nào?

* Bạn đọc Lê Phương Ly ở thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật quy định thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 38, Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể như sau:

1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

* Bạn đọc Đinh Trọng Tấn ở xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, nguyên tắc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước được quy định thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 4, Nghị định số 61/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể như sau:

1. Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật.

2. Xuất phát từ nhu cầu tự quản của người dân, trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận, thống nhất, công khai, minh bạch trong cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân và trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng.

3. Tôn trọng tính tự chủ, tính đa dạng văn hóa và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng dân cư.

4. Phù hợp với đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới, quy tắc ứng xử văn minh, phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư.

QĐND

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/quyen-ve-doi-song-rieng-tu-bi-mat-ca-nhan-bi-mat-gia-dinh-duoc-phap-luat-quy-dinh-the-nao-739819