Quyền tự chủ của trường đại học càng lớn thì trách nhiệm xã hội càng cao

Đó là khẳng định của PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM tại lễ kỹ niệm 55 ngày thành lập trường ngày 5/10.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga (phải) tặng Bằng khen kỷ niệm 55 ngày thành lập trường cho PGS- TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM.

Theo ông Dũng, kỷ nguyên số đang đòi hỏi chúng ta thay đổi để phù hợp với văn hóa làm việc mới của con người, vai trò của các thầy cô trong thời đại mới là hướng dẫn, huấn luyện. Đây là trách nhiệm, thách thức lớn lao và gánh nặng trên vai các thầy với việc chuyển đổi chương trình đào tạo theo hướng mới. Các thầy cô phải là các tấm gương tự học, tấm gương về NCKH, tấm gương về rèn luyện ngoại ngữ cho các em noi theo.

Vị hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM còn cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa là thách thức nhưng cũng là chính là cơ hội để chúng ta bước nhanh hơn trong việc phát triển nhà trường và tiếp cận khu vực.

Ở góc độ nhà trường, theo ông Dũng, Trường được thí điểm tự chủ từ 30/6/2017 là cột mốc trường sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực, phản ứng tốt trước các tác động của thị trường luôn thay đổi và những yêu cầu mới thời đại.

“Tuy nhiên, quyền tự chủ của trường đại học càng lớn thì đi kèm trách nhiệm xã hội càng cao. Trách nhiệm không chỉ trong chất lượng đào tạo mà còn với cả sinh viên, người sử dụng lao động mà còn với công chúng, với Nhà nước”, ông Dũng nói.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, Nhà trường cần mạnh dạn sắp xếp lại các khoa, ngành, thiết kế lại chương trình đào tạo trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm đổi mới chương trình các trường đại học thế giới, xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp với khung trình độ quốc gia để sinh viên có tốt nghiệp có tính cạnh tranh cao trong thời kỳ hội nhập”, ông Ga nói.

Được biết, tiền thân của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM là Ban cao đẳng Sư phạm kỹ thuật thuộc Trường Bách khoa Phú Thọ ra đời trong chế độ cũ ở miền Nam.  Đến năm 1984, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức hợp nhất với Trường trung học công nghiệp Thủ Đức và đổi tên thành Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM.

Tính đến nay, nhà trường đã có hàng trăm ngàn học sinh, sinh viên, học viên tốt nghiệp, đặc biệt từ 2007- 2017, trường đã đào tạo ra 2.204 thạc sĩ; 38.676 kỹ sư, cử nhân; 4.090 cử nhân cao đẳng. Theo thống kê năm học 2016-2017, 95% sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 6 tháng, trong đó có 49% sinh viên có việc làm trước khi tốt nghiệp. Hiện có bốn chương trình đào tạo được kiểm định quốc tế và là một trong 40 trường đại học đầu tiên đạt chuẩn kiểm định quốc gia.

Nguyễn Dũng

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/giao-duc/quyen-tu-chu-cua-truong-dai-hoc-cang-lon-thi-trach-nhiem-xa-hoi-cang-cao-1194892.tpo