Quyền sử dụng đất cấp cho người anh, tòa án tuyên thuộc người em

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân (sinh năm 1965) và em chồng là ông Trần Văn Lớn (sinh năm 1960), cùng ngụ ấp Xẻo Nhàu A, xã Tân Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang) tranh chấp 1.472,1 mét vuông đất do cha mẹ để lại, đất nằm trong 'sổ đỏ' của bà Ngân. Tòa sơ thẩm và phúc thẩm cùng tuyên phần đất trên thuộc quyền sử dụng của ông Lớn nhưng viện kiểm sát cùng cấp cho rằng thuộc về bà Ngân.

HỒ SƠ ĐẤT THẤT LẠC

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân gửi đơn đến Báo Kiên Giang liên quan đến vụ việc. Bà Ngân nói: “Hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chồng tôi hiện nay đã thất lạc làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tôi”.

Bà Ngân cho biết ở hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bà và ông Trần Văn Lớn đều cho biết nguồn gốc đất do cha mẹ chồng của bà (đồng thời là cha mẹ ruột ông Lớn) khai phá.

Ông Lớn cho biết ông cất nhà và sử dụng đất trên vào năm 1984 là được cha mẹ cho. Bà Ngân thì cho rằng vợ chồng bà cho ông Lớn ở một nền nhà, phần còn lại ông Lớn lấn chiếm thêm và phần đất đã được UBND huyện An Minh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Trần Văn Kiến (chồng bà Ngân) đứng tên vào năm 1995, đến năm 2002 đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bìa đỏ.

Năm 2000, ông Kiến mất; đến năm 2007 bà Ngân đã lập thủ tục thừa kế và đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Để hiểu rõ nội dung vụ việc, phóng viên liên hệ ông Trần Văn Lớn nhưng ông từ chối cung cấp thông tin.

Trong quá trình xét xử sơ thẩm vụ án, UBND huyện An Minh (Kiên Giang) có Công văn 175/UBND, ngày 18-5-2021 cho biết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Trần Văn Kiến vào năm 1995 là cấp theo trình tự công nhận quyền sử dụng đất lần đầu.

Tuy nhiên, đến nay hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Kiến vào năm 1995 đã thất lạc. Hiện chỉ còn sơ đồ 14 thể hiện thửa đất do ông Kiến sử dụng và đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phù hợp với thửa đất, diện tích, loại đất và chủ sử dụng.

Qua đối chiếu sơ đồ 14 và tờ trích đo địa chính năm 2020, hai dữ liệu này được lập vào thời gian khác nhau, kích thước có thay đổi, chủ sử dụng giáp ranh không đồng nhất với nhau nên không có cơ sở khẳng định vị trí tranh chấp có nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Kiến hay không.

Phóng viên liên hệ đồng chí Nguyễn Văn Phỉ - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện An Minh xác minh thông tin liên quan. Đồng chí Nguyễn Văn Phỉ cử đồng chí Phan Quốc Hùng - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cung cấp thông tin cho phóng viên và trả lời các vấn đề được đặt ra.

Đồng chí Phan Quốc Hùng cho biết nội dung Công văn 175/UBND của UBND huyện An Minh là đúng. Hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Kiến vào năm 1995 đã thất lạc.

Đồng chí Phan Quốc Hùng thông tin thêm thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Kiến, các xã, thị trấn thành lập hội đồng xét duyệt, có mời lãnh đạo ấp và những người có uy tín cùng xét duyệt nguồn gốc đất cho các hộ dân. Sau đó, xã thống nhất đề nghị UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. UBND huyện tiếp tục thành lập hội đồng xét duyệt, sau đó mới chính thức cấp cho người dân.

AI SỬ DỤNG ỔN ĐỊNH LÂU DÀI?

Phóng viên liên hệ đồng chí Lê Chí Công - Huyện ủy viên, Chánh án Tòa án nhân dân huyện An Minh (Kiên Giang), thẩm phán xét xử sơ thẩm vụ án trên để nắm thông tin. Đồng chí Lê Chí Công cho biết tất cả nội dung vụ án đã có trong hồ sơ và đã được cấp phúc thẩm tuyên án nên đồng chí không cung cấp thêm thông tin.

Theo Viện Kiểm sát nhân dân huyện An Minh (Kiên Giang), nguồn gốc đất là cha mẹ khai phá nhưng ông Trần Văn Kiến là người quản lý, sử dụng đầu tiên, đăng ký kê khai và đứng tên trên sơ đồ 14, đến năm 1995 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bản án của Tòa án nhân dân huyện An Minh thể hiện ông Lớn và ông Kiến sử dụng diện tích đất nằm trong diện tích mà cha mẹ khai phá và phân chia cho anh, em mỗi người một phần là phù hợp thực tế, điều này được chứng minh bởi những người làm chứng, những anh, chị, em ruột trong gia đình.

Tuy nhiên, tại phiên tòa, ông Trần Văn Lớn xác định phần diện tích cha mẹ khai phá có chiều ngang 36m, theo sơ đồ 14 là 32,3m, theo đo đạc thực tế là 25,14m. Ông Lớn thừa nhận cha, mẹ phân chia cho anh, em mỗi người một phần nhưng bản án quyết định toàn bộ phần diện tích này thuộc quyền sử dụng của ông Lớn, không có phần của ông Kiến là chưa phù hợp với thực tế theo nhận định của bản án.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân bức xúc trước mảnh đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chồng bà, nay lại được tòa án tuyên thuộc về người em chồng.

Bản án của Tòa án nhân dân huyện An Minh cho rằng ông Trần Văn Lớn nhận và sử dụng đất từ năm 1984. Quá trình sử dụng đất, ông Lớn sử dụng một phần diện tích để xây nhà ở và công trình phụ. Đồng thời ông Lớn có đào 2 cái đìa. Việc ông Lớn đào đìa có nhiều người biết. Do đó có đủ cơ sở xác định gia đình ông Lớn trực tiếp quản lý, sử dụng đất liên tục từ năm 1984 đến nay.

Tuy nhiên, Viện Kiểm sát nhân dân huyện An Minh cho rằng Tòa án nhân dân huyện An Minh không nhận định quá trình sử dụng đất của ông Trần Văn Kiến từ năm 1982, trước thời điểm ông Lớn về sử dụng, không xác định được vị trí căn nhà của ông Kiến trước đây. Ông Kiến quản lý, sử dụng đất từ năm 1982 cho đến khi mất năm 2000 và được chôn trên phần đất này, đến năm 2005 Nhà nước xây dựng đường tỉnh 968, gia đình bà Ngân mới di dời ngôi mộ và được Nhà nước bồi thường.

Như vậy, xét quá trình sử dụng, ông Kiến sử dụng trước ông Lớn và ổn định lâu dài nhưng bản án căn cứ vào việc ông Trần Văn Lớn sử dụng một phần diện tích từ năm 1984 để tuyên toàn bộ diện tích đó thuộc quyền sử dụng của ông Lớn là chưa phù hợp thực tế và chưa đúng quy định của pháp luật.

CHƯA KHẲNG ĐỊNH CẤP ĐÚNG HAY SAI

Bản án của Tòa án nhân dân huyện An Minh cho rằng tại Công văn 175/UBND của UBND huyện An Minh (Kiên Giang) xác định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1995 cho ông Trần Văn Kiến là công nhận quyền sử dụng đất. Hiện hồ sơ cấp đất đã thất lạc nên không có cơ sở khẳng định việc cấp giấy đó có phù hợp pháp luật hay không.

Theo Viện Kiểm sát nhân dân huyện An Minh, bản án nêu như vậy là chưa đúng theo tinh thần, nội dung Công văn 175/UBND. Hơn nữa, tại phiên tòa, phía ông Lớn cho rằng không hay biết việc ông Kiến kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, qua đối chiếu sơ đồ 14, ông Lớn có đăng ký kê khai và đứng tên trên sơ đồ 14 thửa số liền kề với thửa đất của ông Kiến. Viện Kiểm sát nhân dân huyện An Minh cho rằng đã đủ cơ sở khẳng định khi ông Kiến đăng ký kê khai và đứng tên sơ đồ 14, ông Lớn biết nhưng không có ý kiến.

Tòa án nhân dân huyện An Minh cho rằng khi ông Kiến lập thủ tục kê khai đăng ký quyền sử dụng đất có cả phần đất của ông Lớn đang quản lý, sử dụng nhưng cơ quan có thẩm quyền không kiểm tra nên thủ tục cấp giấy chưa phù hợp đối tượng nên năm 1995, ông Trần Văn Lớn được cấp giấy chứng nhận mới phù hợp quy định đất đai năm 1993.

Đối chiếu quy định Luật Đất đai năm 2013, ông Lớn vẫn thuộc trường hợp được xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Viện Kiểm sát nhân dân huyện An Minh cho rằng nhận định này chưa đúng quy định của pháp luật, bởi lẽ từ năm 1995 đến khi phát sinh tranh chấp, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Kiến được cấp, đổi và chỉnh lý 3 lần, hiện nay không có văn bản của cơ quan quản lý đất đai xác định việc cấp giấy cho ông Kiến là trái quy định pháp luật.

Cùng thời điểm này, ông Kiến cũng là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, thuộc đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1993. Bản án cho rằng ông Lớn sử dụng ổn định, lâu dài, không tranh chấp là đủ điều kiện xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chưa đúng quy định về điều kiện cấp giấy vì ngoài điều kiện đất sử dụng ổn định, lâu dài, không tranh chấp thì còn điều kiện là phần đất đó chưa cấp cho ai. Trong trường hợp này, ông Lớn sử dụng ổn định, lâu dài cho đến khi tranh chấp nhưng phần đất đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận cho ông Trần Văn Kiến vào năm 1995.

Ngày 13-9-2022, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện An Minh đã kháng nghị toàn bộ bản án của Tòa án nhân dân huyện An Minh. Trong hai ngày 3 và 22-3-2023, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang giữ quan điểm đề nghị tòa chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện An Minh, chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

Tuy nhiên, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang vẫn tuyên án giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện An Minh. “Tôi rất bức xúc trước bản án của Tòa án nhân dân tỉnh. Hiện tôi tiếp tục có đơn gửi đề nghị giám đốc thẩm vụ án”, bà Ngân cho biết.

Theo Viện Kiểm sát nhân dân huyện An Minh, bản án của Tòa án nhân dân huyện An Minh đã tuyên có nhiều vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ thiếu khách quan, dẫn đến vi phạm nghiêm trọng về mặt nội dung, làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự nên bản án không thể có hiệu lực thi hành.

Bài và ảnh: TÂY HỒ

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/ban-doc/quyen-su-dung-dat-cap-cho-nguoi-anh-toa-an-tuyen-thuoc-nguoi-em-16391.html