Quyền phủ quyết của chủ công trình hàng hải là bất hợp lý

Trả lời Công văn số 7585/BGTVT-KCHT của Bộ Giao thông vận tải về việc góp ý dự thảo Nghị định quy định bảo vệ công trình hàng hải, VCCI cho rằng việc dự thảo quy định trao quyền phủ quyết cho chủ công trình hàng hải trong mọi trường hợp như hiện nay là không công bằng và thiếu căn cứ.

Ảnh minh hoạ (nguồn Internet).

Tại điểm d khoản 3 của dự thảo, hồ sơ trong thủ tục xin chấp thuận phải có biên bản thống nhất với chủ công trình hàng hải nơi công trình thiết yếu sẽ xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình hàng hải.

Theo VCCI, quy định này được hiểu là: sự đồng ý của chủ công trình hàng hải là một trong những căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xem xét có chấp thuận cho xây dựng công trình thiết yếu hay không?

Về bản chất, chủ đầu tư công trình xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình hàng hải phải xin ý kiến cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xây dựng là nhằm đảm bảo các công trình được xây dựng trong phạm vi bảo vệ vừa có thể đảm bảo an toàn vừa phòng tránh rủi ro cho các công trình hàng hải. Theo đó, VCCI cho rằng biên bản thống nhất với chủ công trình hàng hải nơi công trình thiết yếu sẽ xây dựng theo quy định trong dự thảo thể hiện ý chí chủ quan của chủ công trình hàng hải, hoàn toàn không phải là yếu tố khách quan để xác định được tính an toàn của các công trình khi xây dựng trong phạm vi này.

Theo VCCI, các công trình thiết yếu được xem là những công trình quan trọng phục vụ cho các lợi ích công cộng, do đó trong nhiều trường hợp phải nhất thiết xây dựng. Nếu vì lý do không thống nhất được với chủ công trình hàng hải - điều này hoàn toàn có thể xảy ra, chủ đầu tư không xây dựng được các công trình này thì không chỉ lợi ích của chủ đầu tư bị ảnh hưởng mà các lợi ích công cộng cũng sẽ chịu tác động. Do đó, theo VCCI, yêu cầu chủ đầu tư phải có biên bản thống nhất chủ công trình hàng hải khi xin ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền là chưa hợp lý.

Trên thực tế, do khả năng ảnh hưởng của công trình thiết yếu tới hoạt động của công trình hàng hải liên quan, việc xem xét ý kiến của chủ công trình hàng hải có thể là cần thiết, hợp lý. Tuy nhiên, theo VCCI, trong mọi trường hợp, việc quy định về quyền phủ quyết của chủ công trình hàng hải như trong dự thảo là bất hợp lý, trao quyền lực cho chủ công trình hàng hải một cách không công bằng và thiếu căn cứ.

Từ các phân tích trên, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét việc bỏ quy định: “Biên bản thống nhất với chủ công trình hàng hải nơi công trình thiết yếu sẽ xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình hàng hải”, tức là bỏ điểm d khoản 3 Điều 8 của Dự thảo.

Ngoài ra, VCCI cũng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về việc cơ quan có thẩm quyền phải tham vấn ý kiến của chủ công trình hàng hải trong quá trình xem xét chấp thuận việc xây dựng công trình thiết yếu.

Ngọc Hà

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/quyen-phu-quyet-cua-chu-cong-trinh-hang-hai-la-bat-hop-ly-118432.html