'Quyền năng của chúa' đã trục xuất Djokovic

Bộ trưởng Di trú Australia có quyền lực lớn trong việc hủy bỏ visa của công dân nước ngoài. Vụ việc của Djokovic không phải là lần đầu tiên thẩm quyền này gây ra tranh cãi.

Ngày 16/1, vụ lùm xùm của Djokovic khép lại với phán quyết của Chánh án Tòa án Liên bang Australia James Allsop. Theo đó, tay vợt nam số một thế giới không kháng cáo thành công. Anh phải rời Australia vì visa bị hủy bỏ.

Dù ông Allsop là người đưa ra phán quyết cuối cùng, nhân vật trung tâm của vụ việc trong những ngày qua là Bộ trưởng Di trú Alex Hawke. Ông là người sử dụng thẩm quyền cá nhân để hủy bỏ visa của Djokovic hôm 14/1.

Việc một quan chức nắm trong tay “quyền sinh quyền sát” lớn như vậy là điều khá kỳ lạ đối với nhiều người dân ở các quốc gia khác. Tuy vậy, tại Australia, đây là thẩm quyền đã có lịch sử hơn 120 năm và từng gây ra không ít tranh cãi.

“Quyền năng của chúa”

Quyền lực trong việc cấp và hủy bỏ visa của bộ trưởng Di trú Australia là khá lớn. Một báo cáo được công bố năm 2017 tại Australia chỉ ra bộ trưởng Di trú có nhiều quyền lực cá nhân “hơn hẳn” các bộ trưởng khác.

Ông Chris Evans, người từng giữ chức vụ này trong giai đoạn 2007-2010, ví đây như “quyền năng của chúa”, theo The Conversation.

Đây không phải là mối quan ngại mới mẻ với người dân xứ sở chuột túi. Năm 1989, ông Robert Ray, Bộ trưởng Di trú lúc bấy giờ, đề xuất sửa đổi Đạo luật Di trú Australia để hủy bỏ toàn bộ quyền cá nhân của vị trí bộ trưởng đối với các vấn đề về di trú.

 Bộ trưởng Di trú Australia có quyền lực cá nhân rộng lớn trong vấn đề visa. Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Di trú Australia có quyền lực cá nhân rộng lớn trong vấn đề visa. Ảnh: Reuters.

“Quyền lực cá nhân rộng lớn - được đưa ra bởi Đạo luật Di trú - là mục tiêu chỉ trích của dư luận từ lâu. Hướng dẫn ra quyết sách bị coi là không rõ ràng, có thể thay đổi và áp dụng một cách tùy ý, cũng như có thể bị can thiệp trong từng trường hợp”, ông Ray tuyên bố.

Tuy vậy, lời đề nghị này không được chấp thuận. Ông và những người kế nhiệm vẫn được - hoặc phải - giữ lại thẩm quyền này. Không những thế, thẩm quyền của họ còn được mở rộng khi Đạo luật Di trú được điều chỉnh.

Quyền lực cá nhân của bộ trưởng Di trú Australia có nguồn gốc từ Đạo luật Hạn chế Nhập cư năm 1901. Sau đề xuất bất thành của ông Ray năm 1989, hệ thống cấp, hủy và từ chối visa tại Australia đã được cải cách. Tuy vậy, bộ trưởng Di trú vẫn có quyền can thiệp vì “lợi ích công”, vốn được đưa ra vì mục đích nhân đạo.

Thẩm quyền can thiệp là quyền đương nhiên của bộ trưởng. Ông không cần tòa án phê duyệt để thực thi thẩm quyền này. Bên cạnh đó, nếu thực hiện đúng quy trình, quyết định của ông khó có thể bị thay đổi bởi tòa án.

Đây là nguyên nhân khiến Djokovic không thành công trong lần thứ hai kháng cáo về vấn đề visa. Tòa án Liên bang - cơ quan xét xử vụ việc - tuyên bố công việc của họ đơn giản chỉ là xem liệu quyết định của Bộ trưởng Di trú Alex Hawke có hợp pháp hay không.

Ông Hawke có tới gần một tuần để đưa ra quyết định. Do đó, khó có khả năng ông gặp bất cứ vấn đề nào về mặt quy trình. Kết quả của phiên tòa không mấy bất ngờ với người Australia: Djokovic phải về nước.

 Ông Hawke dường như đã tính toán kỹ khi ra quyết định hủy visa của Djokovic. Ảnh: Herald Sun.

Ông Hawke dường như đã tính toán kỹ khi ra quyết định hủy visa của Djokovic. Ảnh: Herald Sun.

Lịch sử tranh cãi

Vụ việc của Djokovic cũng không phải là lần đầu tiên thẩm quyền cá nhân của bộ trưởng Di trú gây tranh cãi. Trên thực tế, đây là chủ đề không hiếm gặp trong các cuộc điều tra của Quốc hội Australia.

Năm 2015, Bộ trưởng Di trú Peter Dutton can thiệp để cấp visa cho hai người giúp việc có quốc tịch nước ngoài. Hai người này tới Australia bằng visa du lịch, do đó bị giữ lại ở sân bay. Một cuộc điều tra ở Thượng viện cho thấy ông Dutton lừa dối Quốc hội khi không nói rõ quan hệ cá nhân của ông với những người được cấp visa.

Năm 2014, Bộ trưởng Philip Ruddock cũng vướng phải bê bối liên quan tới thẩm quyền này. Ông Ruddock bị cáo buộc ưu tiên cấp visa cho những đại lý du lịch quyên góp tiền cho đảng Tự do. Sau cuộc điều tra, mọi cáo buộc nhằm vào ông Ruddock bị hủy bỏ.

Ngoài ra, thẩm quyền của bộ trưởng Di trú đối với người tị nạn cũng trở thành chủ đề gây tranh cãi trong xã hội Australia. Với chính sách nhập cư nghiêm ngặt, Australia từng giam giữ nhiều người nhập cư trái phép ở các khách sạn và trung tâm giam giữ, bao gồm khách sạn Park - nơi Djokovic từng phải trú ngụ.

Bộ Nội vụ Australia công khai thông tin về số lần bộ trưởng Di trú sử dụng thẩm quyền theo điều 195A của Đạo luật Nhập cư để cấp visa tạm thời cho những người bị giam giữ, qua đó giúp họ được thả. Tuy vậy, cơ quan trên không tiết lộ số người tị nạn được cấp visa thường trú bởi sắc lệnh của bộ trưởng.

Một cuộc điều tra của Quốc hội Australia năm 2018 cho thấy nhiều trường hợp “hoàn toàn xứng đáng” được tị nạn nhưng ít được bộ trưởng chú ý để can thiệp.

 Khách sạn Park tại thành phố Melbourne, Australia, nơi Novak Djokovic từng phải trú ngụ. Ảnh: New York Times.

Khách sạn Park tại thành phố Melbourne, Australia, nơi Novak Djokovic từng phải trú ngụ. Ảnh: New York Times.

Trường hợp nổi tiếng nhất là một gia đình người Sri Lanka từng sống ở thị trấn Biloela, bang Queensland. Visa của họ hết hạn năm 2018, buộc cả gia đình bị giam giữ trong hai năm với nguy cơ bị trục xuất.

Dưới áp lực dư luận, ông Hawke phải sử dụng quyền lực cá nhân để thả họ. Tuy vậy, gia đình trên vẫn chưa rõ liệu họ có thể ở lại Australia lâu dài hay không.

Sau các vụ lùm xùm trên, nhiều người Australia nhận định cuộc sống của những người tị nạn không nên chỉ phụ thuộc vào quyền lực cá nhân của một bộ trưởng.

“Thẩm quyền lớn của bộ trưởng cho phép các quyết định không công bằng được đưa ra nhanh chóng - và ít khi được xem xét lại một cách khách quan”, cựu Bộ trưởng Di trú Ian Macphee tuyên bố. “Đây là điều bất công, cả về mặt pháp luật lẫn thực tiễn. Đây là điều trái với tinh thần Australia”.

Việt Hà

Theo The Conversation

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quyen-nang-cua-chua-da-truc-xuat-djokovic-post1290133.html