Quyên góp 18 triệu USD rồi ăn chia: Quỹ từ thiện bị kiện vì 'lạm dụng lòng hảo tâm'

Quỹ Phụ nữ Ung thư của đã quyên góp được 18,3 triệu USD bằng cách cam kết giúp đỡ các bệnh nhân ung thư, tuy nhiên, quỹ này đã bị Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và 10 tiểu bang cáo buộc rằng phần lớn số tiền được dùng để trả cho chủ tịch tổ chức từ thiện và những người gây quỹ vì lợi nhuận.

Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đệ đơn kiện một quỹ từ thiện vì "ăn chặn" tiền từ thiện.

Theo hồ sơ vụ kiện được đệ trình vào ngày 11/3 lên tòa án liên bang Mỹ, Quỹ Phụ nữ Ung thư bị cáo buộc đã quyên tiền từ năm 2017 đến năm 2022 bằng cách đưa ra những tuyên bố lừa đảo và gây hiểu lầm.

Trên thực tế, phần lớn số tiền quyên góp được chi cho mức lương 775.139 USD của chủ tịch tổ chức từ thiện, Gregory Anderson, và trả cho những người gây quỹ vì lợi nhuận 15,55 triệu USD, cũng như các chi phí chung.

"Trong số 18,25 triệu USD được quyên góp cho Quỹ Phụ nữ Ung thư, chỉ có 194.809 USD - khoảng 1% - được chi trực tiếp để giúp đỡ những phụ nữ mắc bệnh ung thư", đơn kiện của FTC tuyên bố. Điều này có nghĩa là, cứ 1 USD được quyên góp, thì những người nhận quyên góp chỉ có được 1 cent.

Vụ kiện cũng tuyên bố rằng ông Anderson đã ký hợp đồng hứa rằng những người gây quỹ sẽ nhận được 85-95% tổng số tiền quyên góp được. Ngoài ra, ban giám đốc của Quỹ Phụ nữ Ung thư được cho là bao gồm các thành viên đều do ông Anderson lựa chọn kỹ càng và “gần như không giám sát các hoạt động của quỹ”.

FTC gọi Quỹ Phụ nữ Ung thư là một “tổ chức từ thiện giả tạo”.

Thông thường, các tổ chức từ thiện vẫn phải trích quỹ quyên góp cho các chi phí hoạt động, nhưng số tiền này thường được hạn chế hết mức. Các tổ chức chi tiêu dưới 25% số tiền gây quỹ cho chi phí hoạt động thường được đánh giá là "hiệu quả cao".

Tuy nhiên, trường hợp Quỹ Phụ nữ Ung thư chi tới 99% số tiền quyên góp cho "chi phí hoạt động" là "lừa đảo".

Quỹ Phụ nữ Ung thư hiện không trả lời yêu cầu bình luận của CBS MoneyWatch.

Ông Samuel Levine, giám đốc Cục Bảo vệ người tiêu dùng của FTC, cho biết trong một tuyên bố hồi đầu tháng này: “Tổ chức Phục hồi Ung thư Quốc tế đã lạm dụng lòng hảo tâm của các nhà tài trợ Mỹ theo cách nghiêm trọng nhất”.

"FTC cam kết tích cực theo đuổi hành vi bất hợp pháp như vậy, gây tổn hại cho các nhà tài trợ và tước đi nguồn tài trợ cần thiết của các tổ chức từ thiện hợp pháp. Chúng tôi rất biết ơn các đối tác nhà nước đã tham gia vào nỗ lực bảo vệ công chúng này", ông Levine khẳng định.

Ngoài FTC, các bang cũng tham gia vụ kiện bao gồm California, Florida, Massachusetts, Maryland, North Carolina, Oklahoma, Oregon, Texas, Virginia và Wisconsin.

Số tiền người tiêu dùng bị mất do gian lận đang gia tăng. Theo FTC, vào năm 2022, người Mỹ đã mất 8,8 tỷ USD do gian lận, tăng 30% so với năm 2021. Gian lận hàng đầu là lừa đảo mạo danh, bao gồm các tổ chức từ thiện giả mạo và khiến người tiêu dùng thiệt hại tổng cộng 2,6 tỷ USD.

Thủy Bình

Theo CBS, The Street

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/quyen-gop-18-trieu-usd-roi-an-chia-quy-tu-thien-bi-kien-vi-lam-dung-long-hao-tam-20180504224296712.htm