Quyền bình đẳng trong một thế giới đa dạng

Có lẽ Ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3) tại Việt Nam dần dà được đón mừng theo cái cách lễ hội hóa, thương mại hóa.

Thế hệ trẻ biết đến ngày này như một dịp thể hiện tình cảm với phụ nữ. Ngày 8.3 đã bị gán cho khái niệm “hạnh phúc gia đình” với những người chồng tặng hoa cho vợ, con tặng quà cho mẹ, chàng trai hối hả mời bạn gái đi ăn tối, xi-nê... Dù ở cấp độ biểu trưng, trên báo đài cũng ít hẳn việc truyền tải câu chuyện về phong trào phụ nữ toàn cầu đã đấu tranh như thế nào để giành được những quyền cơ bản.

Dĩ nhiên, đâu đó vẫn có những nỗ lực nhắc nhớ ý nghĩa lịch sử đấu tranh dân sự cho bình đẳng giới trong ngày kỷ niệm, nhưng cuộc cách mạng lẽ ra không thể ngừng nghỉ ấy giờ đây chỉ còn là những “diễn ngôn” trong các hội thảo, tọa đàm, hội nghị. Việc khu trú nữ quyền vào khái niệm “hạnh phúc gia đình” vốn là một “vùng không gian” mà luật pháp khó điều chỉnh, quyền và khả năng pháp lý của phụ nữ do vậy chưa được đảm bảo.

Xu thế đó cũng làm cho đấu tranh bình quyền không còn là những chất vấn cần kiến giải trong cuộc sống, nhất là trong môi trường làm việc hằng ngày. Phụ nữ phải gánh vác cả hai kỳ vọng, vừa đảm đang chăm sóc gia đình, vừa giỏi giang trong công việc.

Những người phụ nữ mua ve chai đứng nghỉ chân sau chợ Kim Biên. Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Tranh của Họa sĩ Phạm Công Tâm trong tập sách Cảnh sắc phố thị Sài Gòn - Chợ Lớn (Phương Nam và NXB Thế Giới).

Trên thực tế, các đòi hỏi “ngày làm việc 8 giờ, “bảo vệ bà mẹ và trẻ em”, “cơ hội việc làm ngang nhau”… của phong trào nữ quyền cách đây hơn một thế kỷ vẫn còn nguyên thời sự bởi còn đó những tồn tại. Theo Tổng Cục Thống kê Việt Nam, các số liệu về cơ cấu lao động trong nền kinh tế theo vị thế việc làm cho thấy bất lợi đáng kể đối với nữ. Chỉ 43% phụ nữ có việc làm theo hình thức làm công ăn lương. Trong khi số phụ nữ phải làm các công việc gia đình không lương chiếm 19,4%, cao gấp đôi ở nam giới.

Dù mục tiêu của Chiến lược bình đẳng giới quốc gia giai đoạn 2021-2030 tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên 50-60% là khả thi, nhưng thu nhập bình quân của phụ nữ luôn thấp hơn nam giới. Nếu như mức thu nhập bình quân của một lao động có việc làm năm 2019 là 5,6 triệu đồng/tháng thì lao động nam là 6,5 triệu đồng còn lao động nữ chỉ 4,6 triệu đồng.

Đặc biệt, thu nhập bình quân của lao động nữ tại khu vực nông thôn khá thấp, chỉ có 3,7 triệu đồng. Khoảng cách giới về tiền lương theo tháng tính trung bình toàn quốc cho thấy thu nhập về lương của lao động nữ bình quân thấp hơn lao động nam gần 30%. Khoảng cách này rất cao ở nhóm lao động lớn tuổi và khu vực kinh tế nông nghiệp.

Bình đẳng giới càng trở nên cấp bách hơn trong bối cảnh chuyển đổi. “Việc nâng cao nhận thức về các cơ hội giáo dục và xóa bỏ khuôn mẫu giới trong chương trình giảng dạy, định hướng nghề nghiệp, đặc biệt là trong đào tạo các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) được xem là chìa khóa để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào chuyển đổi số”, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà khẳng định hôm 3.3.

Với Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 3.6.2020, Việt Nam đã xem đổi mới và công nghệ là một ưu tiên bao trùm lên tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Điều này phù hợp với thông điệp của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres cho Ngày Quốc tế Phụ nữ 2023 khi nhấn mạnh sự cần thiết của công nghệ và đổi mới nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.

Tuy nhiên, đổi mới và công nghệ ở Việt Nam vẫn được coi là ưu thế của nam giới. Dù Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, nữ chiếm khoảng 37% lực lượng lao động công nghệ tại Việt Nam, cao hơn tỷ lệ 25% của thế giới và sự đa dạng giới tính cũng là yếu tố được các hãng công nghệ quan tâm nhằm tạo ra những sản phẩm tốt, an toàn và phù hợp với đại đa số người dùng. Thế nhưng, đa phần phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ vẫn chủ yếu đảm nhiệm các “vị trí phụ” như thử nghiệm, marketing, bán hàng, hành chính và nhân sự, hơn là vai trò kỹ thuật viên phát triển phần mềm.

Theo Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, có nhiều lý do dẫn đến việc tỷ lệ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực trên còn hạn chế, như còn thiếu các chính sách, chương trình thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ, nhưng cơ bản vẫn là định kiến giới. Đó vẫn là rào cản lớn trong việc trao quyền cho phụ nữ một cách toàn diện và cũng là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong mọi lĩnh vực.

Khảo sát của Doanh nghiệp xã hội ECUE tại Việt Nam cho thấy, các công ty quốc tế đang không chỉ xác định vấn đề giới, mà còn bao gồm các trụ cột khác nhằm hướng đến sự đa dạng, như người LGBTQ+, vấn đề thế hệ, quốc tịch, dân tộc, sắc tộc, khuyết tật. Tất cả là những cấu trúc xã hội trải dài trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Thật không may, lịch sử phân biệt đối xử, bất bình đẳng một mặt vẫn đang lặp lại với phụ nữ, mặt khác lại cũng đang rất gay gắt với các nhóm cộng đồng tạo nên sự đa dạng cho xã hội.

Khởi đi từ nhận thức về quyền của “giới tính thứ hai”, Ngày Quốc tế Phụ nữ xem bình đẳng giới đóng vai trò trung tâm đối với phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề toàn cầu như sức khỏe, công bằng chủng tộc, biến đổi khí hậu... Tinh thần đó cũng đang bắt đầu mở rộng trọng tâm cho sự “đa dạng của muôn loài”.

Trong bài viết Sự tiến hóa giới dạy chúng ta điều gì về bình đẳng năm 2022, bà Hilary Pennington, Phó chủ tịch điều hành chương trình Quỹ Ford (Mỹ), cho rằng thúc đẩy bình đẳng giới đang được ủng hộ nhiều lần như một phần của tư duy đa dạng, giúp tạo ra những câu chuyện bình đẳng không còn mang tính “đối kháng”. “Tương lai của xã hội chúng ta phụ thuộc vào việc chấp nhận mọi bản sắc. Và giới tính mà chúng ta được chỉ định khi sinh ra không quyết định cuộc đời chúng ta. Đã đến lúc không chỉ mở rộng định nghĩa về giới tính mà còn viết nên một chương mới trong đó tất cả chúng ta đều phát triển bất kể chúng ta xác định hay thể hiện bản thân như thế nào”, bà viết.

Quốc Ngọc

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/quyen-binh-dang-trong-mot-the-gioi-da-dang-38646.html