Quy trình giải quyết sự cố cháy nổ người dân cần nắm rõ để giảm thiểu thiệt hại

Học cách xử lý đám cháy sẽ giảm thiểu tối đa được thiệt hại về người và tài sản. Dưới đây là quy trình giải quyết khi có sự cố cháy xảy ra.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cháy nổ?

+ Do nấu nướng, vì khu vực nấu nướng nhiệt độ cao và nhiều dầu mỡ nên dầu mỡ cũng khá dễ bắt lửa do nhiệt độ cao gây cháy.

+ Do sử dụng đồ tạo nhiệt như đèn, máy phát điện mini, lò sưởi, hàn điện… những vật dụng này khi gặp những đồ dễ cháy như vải, nệm, bông, giấy… khiến chúng cháy và lan ra.

+ Do điện: Khi dòng điện xảy ra quá tải và nóng lên cũng khiến cho dây điện bị nóng chảy và cháy lên. Từ đó bắt ra những đồ vật xung quanh.

+ Do thuốc lá, những người hút thuốc khi vứt tàn thuốc vẫn còn đỏ thì dễ bắt lửa với đồ vật dễ cháy hơn.

+ Do hóa chất, trường hợp này thường xảy ra ở các nhà kho hoặc nhà máy, công trình...

Vì vậy, nguyên nhân cháy lớn nhất là từ những vật tạo nhiệt lớn như gas, bếp, thuốc lá, máy sưởi, chập điện… khi những khu vực để đồ này có vật dễ cháy thì đám cháy dễ lan nhanh.

Các bước cần thực hiện khi phát hiện cháy xảy ra

Bước 1. Khi xảy ra cháy nổ thì phải báo động gấp

Khi phát hiện sự cố cháy, hãy hô hoán bằng lời hoặc sử dụng các phương tiện báo động khác như: kẻng, loa, phát thanh, nhấn nút chuông báo cháy… để thông báo cho mọi người sinh sống trong khu vực đang xảy ra cháy biết để cùng phối hợp dập tắt đám cháy hoặc cùng thoát nạn an toàn khỏi đám cháy.

Bước 2. Cúp cầu dao điện khi gặp cháy nổ

Phải cắt điện khu vực xảy ra cháy nhằm ngăn ngừa đám cháy lan truyền đến các khu vực khác, đồng thời đảm bảo cho những người tham gia chữa cháy phun chất chữa cháy vào đám cháy không bị điện giật, không gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của đội lính cứu hỏa.

Bước 3. Dùng bình chữa cháy, cát, nước để dập lửa

- Khi phát hiện đám cháy, cần nhanh chóng di chuyển đến khu vực để các phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy xách tay, chăn dập cháy… sử dụng chúng để dập tắt đám cháy. Bên cạnh đó, có thể triển khai các phương tiện chữa cháy cố định đó là các họng nước chữa cháy vách tường hoặc các phương tiện tương tự sẵn có để dập tắt đám cháy.

Nếu xét thấy đám cháy có nguy cơ phát triển lớn mà các phương tiện hiện tại không thể dập tắt được đám cháy thì phải tìm mọi cách thoát ra bên ngoài và lập tức gọi điện báo cháy cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy theo số điện thoại 114.

Bước 4. Gọi điện 114 đến đội phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp

Nhanh chóng gọi điện đến số 114 để báo cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ biết khu vực đang có đám cháy. Khi gọi điện báo cháy, cần chú ý như sau:

- Cách bấm số: Có thể sử dụng điện thoại di động hoặc điện thoại cố định để gọi báo cháy, bấm điện thoại (mã vùng + 114) hoặc bấm trực tiếp 114.

- Nội dung gọi: Thông báo cụ thể, rõ ràng địa chỉ nơi xảy ra đám cháy, loại công trình đang xảy ra cháy (nhà cao tầng hay nhà chung cư…) và sơ bộ về quy mô của đám cháy. Bên cạnh đó, cũng cần phải cung cấp thông tin có người bị nạn trong đám cháy hay không.

Các bước cần thực hiện khi có cháy xảy ra.

Các bước cần thực hiện khi có cháy xảy ra.

Những điều cần lưu ý thoát hiểm khi cháy nổ xảy ra

- Không nên cố mang theo những đồ có giá trị, những vật nặng chiếm diện tích, ảnh hưởng đến quá trình thoát hiểm.

- Hầu hết mọi người đều do hít phải khói độc của vụ cháy, không có oxy để thở dẫn đến ngạt. Hãy bò trên sàn nhà nếu có khói vì đây là nơi mà không khí sẽ thoáng và sạch nhất. Nên để mũi càng thấp càng tốt, khói rất độc và có thể gây nguy hại lập tức để thể trạng.

- Khi ra ngoài, chỉ mở cảnh cửa mà bạn cần và đóng tất cả các cửa đang mở để ngăn đám cháy lan rộng. Tuy nhiên, trước khi mở cửa, hãy đặt mu bàn tay lên cánh cửa, nếu thấy ấm, đừng mở vì rất có khả năng mặt kia của cánh cửa đang cháy. Thay vì dùng lòng bàn tay, bạn hãy dùng mu bàn tay để thử. Đó là vì lòng bàn tay bị bỏng sẽ gây khó khăn trong việc thoát thân hoặc khi bạn bò hay xuống thang cứu hỏa.

- Nếu đang chạy thoát cùng những người khác hãy đi cùng nhau nếu có thể.

- Rất có thể lối thoát bị cháy hoặc có nhiều khói, vì vậy cần phải biết những lối thoát khác ở chỗ nào. Ngoài ra, nếu sinh sống trong chung cư cao tầng thì cần phải biết cách tốt nhất đến cầu thang hay các lối thoát hiểm.

Nên để cơ thể ở vị trí thấp nhất gần sàn nhà khi tìm đường thoát hiểm để phòng khói độc.

Nên để cơ thể ở vị trí thấp nhất gần sàn nhà khi tìm đường thoát hiểm để phòng khói độc.

- Nếu thấy có khói trong nhà, hãy giữ cơ thể mình ở vị trí thấp nhất gần sàn khi tìm đường thoát hiểm. Trong một đám cháy, khói và khí độc làm nhiều người bị hại hơn là lửa. Nếu cơ thể ở gần sát nền nhà sẽ hít ít khói độc hơn vì khói sẽ bay lên cao. Do đó, nếu có khói khi bạn đang trên đường thoát hiểm thì ở vị trí thấp bằng cách cúi sát xuống sàn nhà, bò bằng bàn tay và đầu gối dưới đám khói để bảo vệ tính mạng của mình.

- Thoát hiểm qua cửa dẫn ra ngoài là lựa chọn của nhiều người nhưng trước hết cần phải kiểm tra xem cửa sổ có thể là lối chạy thoát được không. Thậm chí cửa sổ trên tầng cao cũng đem lại lợi ích khi cần sự giúp đỡ từ lính cứu hỏa.

- Khi có đám cháy nên bỏ tại tất cả những đồ có giá trị theo người. Cũng cần lưu ý không nên ở lại trong nhà lâu hơn thời gian mà bạn bắt buộc phải ở trong đó. Khi đã ra ngoài, đừng quay lại để lấy bất cứ thứ gì.

- Khi có sự cố cháy, không nên dùng thang máy để thoát hiểm. Bởi khi phát hiện có cháy, các cầu dao và hệ thống điện công trình sẽ bị ngắt toàn bộ. Khi cắt điện khiến thang máy ngừng hoạt động và hành khách bị mắc kẹt trong thang. Điều này khiến vô tình bạn bị kẹt trong thang gây khó khăn khi nhận sự hỗ trợ từ đội cứu hỏa.

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/quy-trinh-giai-quyet-su-co-chay-no-nguoi-dan-can-nam-ro-de-giam-thieu-thiet-hai-172230922235301148.htm