Quý I tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, xuất khẩu cả năm 2024 kì vọng đột phá

Phát biểu tại Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương diễn ra ngày 29/3/2024, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, quý 1/2024 đang có mức tăng trưởng tốt nhất từ trước đến nay, như vậy tình hình sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam đã có sự phục hồi khá tích cực.

Thông tin tại Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý 1/2024, ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính cho biết, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong Quý I/2024 đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2024 ước đạt 65,09 tỷ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 34 tỷ USD, tăng tới 37,8% so với tháng trước và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 14,3%); nhập khẩu ước đạt 31,08 tỷ USD, tăng 33,4% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 13,1%).

Tính chung quý I/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 11,6%); nhập khẩu ước đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 15,4%).

Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý 1/2024 diễn ra ngày 29/3/2024

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nguyên nhân tháng 3/2024 có được sự tăng trưởng đến 37,8% so với tháng 2 là do, tháng 2 ngắn hơn so với các tháng trong năm, cũng là tháng có Tết Nguyên đán nên nhịp độ xuất khẩu có chậm lại. So với tháng 2, tháng 3/2024 đã có sự tăng trưởng xuất nhập khẩu tốt hơn. Còn nếu so với năm 2023 - năm có nhiều khó khăn và kim ngạch xuất nhập khẩu sụt giảm tương đối lớn, thì đến thời điểm hiện tại, sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam đã có sự phục hồi khá tốt do thời điểm này tình hình xuất nhập khẩu đã tăng trưởng cao.

Quý 1/2024 đang có mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, đây là một thành tích nói lên sự phục hồi của sản xuất cũng như nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam.” - ông Trần Thanh Hải nhận định.

Lý giải về khả năng phục hồi này, ông Trần Thanh Hải cho biết, trước hết là bối cảnh thị trường ngoài nước đang có những tín hiệu tích cực. Tại thị trường Hoa Kỳ đang có những động thái về cắt giảm lãi suất, qua đó kích cầu tiêu dùng trở lại, mở rộng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khu vực EU cũng đã vượt qua giai đoạn suy thoái, lượng tồn kho của giai đoạn trước đây đã hết, khu vực này cũng bắt đầu tăng nhập khẩu trở lại.

Các giải pháp của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các giải pháp liên quan đến cắt giảm thuế hoặc các nỗ lực về cải cách hành chính cũng đã giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng sản xuất tốt hơn. Giai đoạn vừa qua, Việt Nam cũng đã tích cực thu hút đầu tư để đón được làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang, Việt Nam cũng đã tiếp nhận được một phần, từ đó đã tạo ra nền tảng sản xuất tốt hơn, phát triển hơn.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) giải đáp về tình hình xuất nhập khẩu tháng 3/2024 tại Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương

Ngoài ra, theo ông Trần Thanh Hải, việc ký và đưa vào thực thi 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang phát huy hiệu quả rất tốt trong thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Bộ Công Thương cũng đang nỗ lực tìm kiếm khả năng để ký kết các FTA với các khu vực chưa có các Hiệp định thương mại tự do như châu Mỹ La-tinh, Trung Đông - Nam Á hay châu Phi nhằm tiếp tục cải thiện và nâng cao hiệu quả xuất khẩu.

Ngoài 16 FTA đã kết và đang thực hiện, Bộ Công Thương đang đàm phán 3 Hiệp định khác, cụ thể (i) Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với khu vực thương mại tự do châu Âu (EFTA) gồm 4 quốc gia ở châu Âu là Thụy Sỹ, Na Uy, Liechtenstein và Iceland; (ii) Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN - Canada; và (iii) Hiệp định Đối tác Thương mại Toàn diện giữa Việt Nam và các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE).

Đề xuất các giải pháp nhằm giữ vững phong độ xuất khẩu trong những tháng tiếp theo và đạt mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm nay, ông Trần Thanh Hải thông tin, Bộ Công Thương đã đặt ra nhiều giải pháp trong đó có nỗ lực để tiếp tục mở rộng đàm phán các Hiệp định thương mại tự do và tiếp tục phổ biến những lợi ích, những ưu đãi của các Hiệp định đã ký để doanh nghiệp có thể thực hiện được tốt hơn.

Bên cạnh đó, đổi mới các hoạt động về xúc tiến thương mại và tập trung ở những chương trình chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử giúp doanh nghiệp có những kênh khơi thông cho việc xuất khẩu hàng hóa. Đồng thời, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đơn giản hóa và cắt giảm những điều kiện kinh doanh để giúp cho doanh nghiệp xuất khẩu có nhiều dư địa để phát triển.

Bộ Công Thương cũng đang nỗ lực tìm kiếm khả năng để ký kết các FTA với các khu vực chưa có các Hiệp định thương mại tự do như châu Mỹ La-tinh, Trung Đông - Nam Á hay châu Phi nhằm tiếp tục cải thiện và nâng cao hiệu quả xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ thêm, ngoài những FTA đã có, đang thực hiện và những FTA đang nỗ lực đàm phán, việc nâng cấp các FTA để mở rộng phạm vi, mức độ tiếp cận thị trường cũng cần chú trọng hơn, trong đó không chỉ tận dụng hiệu quả những ưu đãi để duy trì thị trường truyền thống mà còn mở rộng khai phá thêm các thị trường tiềm năng khác.

Huyền My

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/quy-i-tang-truong-cao-nhat-tu-truoc-den-nay-xuat-khau-ca-nam-2024-ki-vong-dot-pha-118866.htm