Quy hoạch và điều chỉnh dự án phải công khai, minh bạch

Vừa qua, dư luận quan tâm việc quy hoạch tuyến đường nối từ đường Nguyễn Văn Cừ đến tả ngạn sông Hồng tại phường Bồ Ðề, quận Long Biên, Hà Nội và trước đó là đường vành đai II, đoạn từ phố Vương Thừa Vũ tới Ngã Tư Vọng, đường Trường Chinh. Ðiểm chung của những dự án (DA) này là đều có những 'đường cong' khó hiểu.

Ðối với DA tuyến đường nối tại quận Long Biên, quy hoạch có từ năm 1998, được đề cập trong quy hoạch quận Long Biên năm 2000 và quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, mới chỉ quy hoạch vị trí và hướng tuyến đường theo tỷ lệ 1/25.000, chưa thể hiện thành đường vẽ trên bản đồ quy hoạch, do vậy, việc điều chỉnh mở rộng là hợp lý. Tuy nhiên, do quá trình triển khai DA kéo dài, quy hoạch qua nhiều lần điều chỉnh, nhưng người dân lại không nắm được thông tin, dẫn đến bức xúc, khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng tiến độ, chất lượng DA. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở một vài DA, mà phổ biến ở nhiều địa phương, cho thấy các cấp chính quyền, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan cần kịp thời phổ biến, công khai và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về điều chỉnh quy hoạch.

Lý giải nguyên nhân khiến người dân bức xúc, các chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch thường qua ba giai đoạn: Lập DA tuyến đường trước chỉ giới đường đỏ, tổng hợp báo cáo của chính quyền địa phương trước khi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải có ý kiến của người dân trong vùng DA. Vướng mắc lớn nhất là trình tự lấy ý kiến của người dân. Thực tế, nhiều DA đều vấp phải vấn đề này do chủ đầu tư mới chỉ "gõ cửa" đến tổ trưởng dân phố, chứ chưa tiếp xúc, đối thoại các hộ dân, giải đáp các băn khoăn, thắc mắc của họ, nhất là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ việc điều chỉnh DA, chưa phát huy được quyền làm chủ của người dân.

Bài học lắng nghe ý kiến của người dân và phản biện xã hội đã phát huy hiệu quả tại nhiều công trình trên địa bàn thành phố, đem lại những lợi ích to lớn trong phát triển đô thị. Như DA đường Kim Liên kéo dài, trước đây dự kiến mở rộng đường, lấy thêm nhiều phần đất hai bên đường, nhưng sau khi được người dân góp ý, TP Hà Nội quyết định chỉ mở đường mà không "lấn" thêm phần đất hai bên nhằm bảo vệ di sản văn hóa đình Kim Liên. Hay DA vườn hoa trước Nhà hát thành phố Hà Nội, khách sạn trong công viên Thống Nhất, dù đã có quy hoạch từ trước, nhưng sau khi lắng nghe ý kiến phản biện từ cộng đồng xã hội, các chuyên gia, thành phố đã quyết định dừng DA xây dựng, đền bù chi phí cho nhà đầu tư để xây dựng vườn hoa hoặc giữ nguyên trạng, tạo không gian và cảnh quan sạch sẽ, thông thoáng,...

Hiện nay, quy hoạch phát triển đô thị đã từng bước đi vào nền nếp, theo quy hoạch và kế hoạch, tuy nhiên, rất cần một quy hoạch phát triển tổng thể thống nhất, nhằm hạn chế sự chồng chéo giữa các loại quy hoạch, nhất là quy hoạch ngành. Tuân thủ quy hoạch chung đã được phê duyệt là cần thiết, nhưng linh hoạt trong cách thức triển khai cũng rất quan trọng. Việc điều chỉnh quy hoạch dù ít hay nhiều, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng cuộc sống, sinh hoạt của người dân và xã hội, vì vậy, ngay từ đầu, cách thức triển khai việc điều chỉnh cần được xem xét thận trọng. Trình tự lấy ý kiến cộng đồng phải được triển khai hợp lý, đúng thời điểm, DA triển khai khi nào phải tiến hành lấy ý kiến người dân khi đó. Ðồng thời, cần công khai, minh bạch việc điều chỉnh quy hoạch, tuyên truyền giải thích rõ cho người dân, đi kèm với những phản biện xác đáng về tính khả thi khi phải điều chỉnh, tránh để người dân hiểu lầm. Bên cạnh đó, các bên liên quan cần chủ động vận động, thuyết phục để đông đảo người dân đồng thuận, chấp nhận những điều chỉnh để DA không gặp vướng mắc, khiếu kiện, góp phần đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng công trình.

MINH THÀNH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/24848902-quy-hoach-va-dieu-chinh-du-an-phai-cong-khai-minh-bach.html