Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng hướng đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững

Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến mục tiêu kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có thông cáo báo chí về Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh năm 2024; và một số nội dung trọng tâm của Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi chung là Quy hoạch tỉnh).

Theo nội dung được công bố, Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo.

Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao.

Một góc TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, hiện đại, hiệu quả cao, hữu cơ, hướng đến hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn; trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế.

Phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, logistics dựa trên nền tảng số, chất lượng cao và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ.

Ưu tiên phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm và các sản phẩm từ nhôm; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản.

Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn; phát triển không gian đô thị hiệu quả, bền vững, hình thành các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, phát triển đô thị mới gắn với động lực, tiềm năng, thế mạnh từng vùng với tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững; bảo đảm tính tầng bậc, liên tục, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch.

Phát triển mạnh giáo dục, y tế và khoa học công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, theo hướng hiện đại; nâng cao vai trò văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội.

Tầm nhìn đến năm 2050: Tỉnh Lâm Đồng sẽ đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đưa ra những phương hướng phát triển các ngành quan trọng thuộc 3 lĩnh vực: Nông, lâm, thủy sản, dịch vụ và công nghiệp - xây dựng. Bên cạnh đó là tập trung hoàn thiện mô hình tổ chức không gian lãnh thổ tỉnh đến năm 2050, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngoài ra, thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng cũng sẽ ưu tiên các dự án đầu tư trong lĩnh vực: Giao thông vận tải (36 dự án); công nghiệp (11 dự án); văn hóa, thể thao và du lịch (34 dự án); y tế (36 dự án), giáo dục và đào tạo (6 dự án); thương mại, dịch vụ (20 dự án); khu dân cư, khu đô thị (62 dự án); phát triển nông nghiệp (12 dự án); bảo vệ môi trường (3 dự án); khai thác khoáng sản (4 dự án); khối hành chính (3 dự án).

Thanh Tùng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/quy-hoach-tinh-lam-dong-huong-den-kinh-te-tuan-hoan-phat-trien-ben-vung-87779.html