Quy hoạch tỉnh Kon Tum để phát triển đột phá

Quy hoạch tỉnh Kon Tum vừa được phê duyệt sẽ là cơ sở để tỉnh này thu hút đầu tư, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Chiều 16-1, UBND Kon Tum tổ chức Hội nghị công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, phát biểu tại hội nghị

Tỉnh Kon Tum có diện tích tự nhiên trên 9.600 km2, có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố. Trong giai đoạn này, việc phát triển tỉnh Kon Tum phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của các quy hoạch cấp quốc gia và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên.

Dựa vào kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc dân tộc, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Kon Tum trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững. Tỉnh Kon Tum sẽ thành tỉnh trung bình khá của cả nước.

Quy hoạch mới được phê duyệt sẽ giúp tỉnh Kon Tum thu hút đầu tư, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của địa phương

Phấn đấu đến năm 2050, tỉnh Kon Tum sẽ là một cực phát triển quan trọng của kinh tế vùng Tây Nguyên; hành lang kinh tế Đông – Tây với các nước tiểu vùng sông Mê Kông; là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc – Nam, Đông – Tây.

Để thực hiện được những điều trên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện là xây dựng các tuyến đường giao thông huyết mạch, đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y và Khu Du lịch Măng Đen…

Trong đó, tập trung phát triển hạ tầng Khu du lịch Măng Đen thành điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, phát triển ngành công nghiệp chế biến các loại nông lâm sản và dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh.

Phát triển kinh tế tỉnh Kon Tum sẽ giúp phát triển cây sâm Ngọc Linh

Trong đó, huyện Kon Plông là vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum. Nơi đây có Khu du lịch Măng Đen nên sẽ phát triển trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh, vùng Tây Nguyên và cả nước. Huyện Tu Mơ Rông sẽ phát triển các ngành mũi nhọn, đặc biệt là du lịch sinh thái, sâm Ngọc Linh, các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác.

Còn huyện Ngọc Hồi, nằm ở khu vực ngã ba biên giới, tiếp giáp với nước Lào và Campuchia sẽ là hạt nhân của vùng đô thị phía Bắc tỉnh Kon Tum, là một trong ba vùng kinh tế động lực của tỉnh. Đến năm 2030, huyện này sẽ trở thành thị xã. Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y sẽ trở thành động lực, trung tâm trong tam giác phát triển của 3 nước Đông Dương.

Kon Tum thu hút doanh nghiệp đến đầu tư

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, nhấn mạnh quy hoạch tỉnh Kon Tum vừa được phê duyệt có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Đây là cơ sở pháp lý cao nhất để thực hiện việc sắp xếp, phân bố lại không gian, thu hút đầu tư, huy động nguồn lực nhằm khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Tỉnh Kon Tum trong thời gian tới sẽ đồng hành, hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh và sớm hiện thực hóa các mục tiêu, ý tưởng thành hành động cụ thể, góp phần đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh, bền vững và toàn diện.

Hoàng Thanh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/quy-hoach-tinh-kon-tum-de-phat-trien-dot-pha-196240116153037346.htm