Quy hoạch tỉnh Cà Mau đến 2050: Tháo gỡ điểm nghẽn tạo đột phá mới

Quy hoạch tỉnh Cà Mau đến năm 2050 xác định 3 vùng kinh tế và 5 cực tăng trưởng gắn với 2 hành lang kinh tế và 4 đột phá, tạo sức bật mới đưa Cà Mau tăng trưởng nhanh và bền vững.

TP. Cà Mau- đô thị trung tâm cực Nam của đất nước đang đổi mới từng ngày.

Xác định rõ mục tiêu đột phá

Theo lãnh đạo tỉnh Cà Mau, quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn; là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh và phát triển hiệu quả bền vững trên các lĩnh vực.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết, quy hoạch tỉnh Cà Mau xác định rõ 4 nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển, bao gồm:

Một là, phát triển bền vững kinh tế biển gắn với khai thác hiệu quả Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn.

Hai là, đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông (đường cao tốc, đường ven biển, cảng biển, cảng hàng không), hạ tầng đô thị, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng du lịch.

Ba là, hình thành và phát triển 2 hành lang kinh tế theo hướng Bắc - Nam (TP. Cà Mau - Cái Nước - Năm Căn - Đất Mũi) và hướng Đông - Tây (Tân Thuận - Sông Đốc) trên cơ sở kết nối đường cao tốc, đường ven biển, cảng hàng không, cảng biển và 5 cực tăng trưởng (TP. Cà Mau, Năm Căn, Sông Đốc, Tân Thuận, Đất Mũi).

Bốn là, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện; nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Cùng với đó, tỉnh Cà Mau định hướng phát triển không gian lãnh thổ theo hướng 3 vùng kinh tế và 5 cực tăng trưởng gắn với 2 hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế Bắc - Nam (TP. Cà Mau - Cái Nước - Năm Căn - Đất Mũi) và Hành lang kinh tế Đông - Tây (Tân Thuận - Sông Đốc) và các trục liên kết phát triển.

Tổ chức không gian liên huyện của tỉnh thành 3 vùng, gồm: Vùng liên huyện khu vực trung tâm (nội địa), gồm: TP. Cà Mau và các huyện Thới Bình, Cái Nước; định hướng phát triển trọng tâm: phát triển đô thị, công nghiệp; trung tâm du lịch, giải trí chất lượng cao cấp vùng và quốc gia; tiếp tục phát triển sản xuất ngư - nông nghiệp theo hướng hình thành vùng tập trung, chuyên canh.

Vùng liên huyện ven biển Tây, gồm vùng biển, cụm đảo Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc, Hòn Buông và 3 huyện có bờ biển là U Minh, Trần Văn Thời và Phú Tân. Định hướng phát triển trọng tâm: phát triển đô thị, công nghiệp tập trung, năng lượng tái tạo, nông nghiệp chuyên canh, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ phân phối sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phát triển kinh tế biển.

Vùng liên huyện ven biển Đông gồm, vùng biển, cụm đảo Hòn Khoai và các huyện có bờ biển là Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển; định hướng phát triển trọng tâm: phát triển đô thị, công nghiệp, năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy sản tập trung; thương mại dịch vụ, logistics; phát triển Khu kinh tế Năm Căn và Cảng tổng hợp Hòn Khoai; phát triển du lịch sinh thái.

Đến năm 2030, tỉnh Cà Mau có 29 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 36%, trong đó, xây dựng TP. Cà Mau trở thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành phát triển tương xứng với chức năng đô thị loại I trực thuộc tỉnh; phát triển các đô thị động lực Sông Đốc và Năm Căn thành thị xã đạt tiêu chuẩn đô thị loại III; Quy hoạch xây dựng 2 đô thị Tân Thuận và Rạch Gốc trở thành các đô thị động lực đạt tiêu chí đô thị loại IV. Phát triển thêm 7 đô thị trên cơ sở đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị đến năm 2025 và đến 2030 đạt tiêu chí đô thị loại V theo quy hoạch.

Định hướng phát triển mới và nâng loại đô thị cho các đô thị loại IV, V: xác định đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị đến năm 2025 và đến 2030 đạt tiêu chí đô thị loại IV, V theo quy hoạch (khi đảm bảo điều kiện ở giai đoạn nào, thì xem xét lập đề án nâng loại đô thị và công nhận đô thị loại IV, V ở giai đoạn đó) để nâng cao chất lượng hạ tầng phục vụ người dân, góp phần giãn dân khu vực trung tâm và thu hút dân cư khu vực mở rộng hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Tạo bước ngoặc mới phát triển khu kinh tế và khu công nghiệp

Về phát triển khu kinh tế, quy hoạch đưa mục tiêu, đến năm 2030, hình thành các khu chức năng quan trọng gồm khu công nghiệp trong khu kinh tế; khu nông nghiệp công nghệ cao về thủy sản; khu cảng, hậu cần và logistics; khu dịch vụ du lịch dự kiến. Giai đoạn sau năm 2030, nghiên cứu bổ sung các khu chức năng mới phù hợp với xu hướng phát triển.

Tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, mở rộng một phần diện tích (trong đó tăng cường mời gọi các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp). Trong thời kỳ quy hoạch đến năm 2030, tiếp tục phát triển các khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gồm Khánh An (235,86 ha), Hòa Trung (326 ha), Sông Đốc (145,45 ha); bổ sung thành lập mới Khu công nghiệp Khánh An mở rộng (Khu công nghiệp Tắc Thủ) 345 ha; Khu công nghiệp Tân Thuận 490 ha (thành lập trong giai đoạn 2026 - 2030) và khu công nghiệp trong Khu kinh tế Năm Căn 525 ha (đến năm 2030 là 156 ha).

Đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 19 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.025,83 ha. Tiếp tục duy trì, phát triển và thành lập 7 cụm công nghiệp hiện nay với tổng diện tích 392,25 ha. Giai đoạn 2021 - 2030, thành lập mới 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 633,58 ha, trong đó: giai đoạn 2021 - 2025, tổng diện tích 6 cụm công nghiệp thành lập mới (308,23 ha) và giai đoạn 2026 - 2030, tổng diện tích 6 cụm công nghiệp thành lập mới (325,35 ha).

Phát triển Khu Du lịch quốc gia Mũi Cà Mau gắn với bảo tồn đa dạng sinh học Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Phát triển hạ tầng xã hội phù hợp với nhu cầu và điều kiện phát triển của tỉnh trong từng giai đoạn như: thành lập trường đại học, trường nghề có quy mô phù hợp với điều kiện của tỉnh; nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế phù hợp cho các bệnh viện, đầu tư xây mới các bệnh viện chuyên khoa; xây dựng khu trung tâm văn hóa và liên hợp thể dục thể thao hiện đại, đa chức năng; đổi mới sáng tạo là động lực chính của sự phát triển; đầu tư xây dựng mới cơ sở điều dưỡng người có công tỉnh Cà Mau, cơ sở Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau...

Phấn đấu đến năm 2025, Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hiện Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021- 2030 tầm nhìn đến 2050 đang tiếp tục khẩn trương bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kỳ vọng tháo gỡ điểm nghẽn, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo bước đột phá mới đưa Cà Mau tăng trưởng và phát triển bển bền vững.

TP. Cà Mau trở thành trung tâm tổng hợp chuyên ngành

Theo định hướng Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau sẽ được phát triển là một trong 4 cực phát triển đô thị động lực của vùng kinh tế trọng điểm Vùng Đồng bằng sông Cửu Long với vai trò là trung tâm tiểu vùng ven biển; xây dựng TP. Cà Mau trở thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành phát triển tương xứng với chức năng đô thị loại I trực thuộc tỉnh; xây dựng TP. Cà Mau trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã có công văn chỉ đạo Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông - Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công thương cùng UBND TP. Cà Mau tổ chức xây dựng Đề án Xây dựng TP. Cà Mau thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành (Đề án).

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tham mưu lập kế hoạch thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đề án. Trong đó, xác định nội dung, các bước thực hiện, có phân công nhiệm vụ cụ thể và thời gian hoàn thành, đảm bảo tiến độ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2023. Đề xuất thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án, thành phần Tổ công tác cần huy động sự tham gia của các sở, ngành liên quan gồm Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giao thông - Vận tải, Xây dựng, UBND TP. Cà Mau; mời chuyên gia GIZ và đại diện các cơ quan Trung ương có liên quan tham gia hỗ trợ thực hiện.

Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại.

Trên tinh thần đó, ngày 17/8 vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau phối hợp với GIZ tổ chức Hội thảo Xây dựng TP. Cà Mau thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành. Phát biểu khai mạc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhấn mạnh: “Để xác định nội dung Đề án xây dựng TP. Cà Mau thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành, tỉnh Cà Mau mong muốn lắng nghe các ý kiến, trao đổi thông tin, kinh nghiệm của các ban, bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, các địa phương có liên quan của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, phục vụ cho việc xây dựng Đề án xây dựng TP. Cà Mau trở thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành phù hợp với tính chất của vùng.

Tại Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP. Cà Mau được xác định là một trong 6 trung tâm tổng hợp, chuyên ngành của vùng, cùng với TP. Tân An (Long An), TP. Mỹ Tho (Tiền Giang), TP. Long Xuyên (An Giang), TP. Rạch Giá (Kiên Giang) và TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng).

Trong Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022, riêng về định hướng cụ thể quy hoạch 3 đô thị gắn với hình thành các trung tâm liền kề của Rạch Giá - Cà Mau - Sóc Trăng, thì TP. Cà Mau có vai trò là trung tâm tiểu vùng ven biển tại khu vực bán đảo Cà Mau; là trung tâm năng lượng và dịch vụ dầu khí quốc gia, trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái, trung tâm chế biến thủy sản của vùng.

Huy Tự

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/quy-hoach-tinh-ca-mau-den-2050-thao-go-diem-nghen-tao-dot-pha-moi-d197694.html