Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là yêu cầu tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Việc triển khai quy hoạch, sắp xếp theo lộ trình với những giải pháp cụ thể sát với thực tế mỗi địa phương sẽ là tiền đề quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của tỉnh nhà.

Sau khi sáp nhập cơ sở vật chất, khuôn viên Trường Tiểu học Yên Trường (Yên Định) từng bước được đầu tư khang trang.

Thực hiện chủ trương của huyện và ngành giáo dục năm 2021, Trường Tiểu học Yên Bái và Trường Tiểu học Yên Trường (Yên Định) được sáp nhập thành Trường Tiểu học Yên Trường. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Trường, chia sẻ: Với sự nỗ lực, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh, đến nay sau hơn 2 năm sáp nhập, các hoạt động giáo dục của nhà trường vẫn được giữ vững và có nhiều chuyển biến tích cực. Điều này cũng minh chứng cho hướng đi đúng đắn và thành quả của việc sáp nhập trường. Bởi sau khi sáp nhập, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được sắp xếp theo hướng hợp lý, hiệu quả, các hoạt động đoàn thể cũng phong phú hơn, chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn được nâng lên, qua đó, tạo không khí thi đua sôi nổi thúc đẩy thầy và trò tích cực hơn trong giảng dạy, học tập và rèn luyện. Cùng với đó, cơ sở vật chất cũng được quan tâm đầu tư đúng mức. Hiện nhà trường đang được đầu tư xây dựng khu nhà chức năng và khu bán trú với tổng kinh phí 15 tỷ đồng.

Không chỉ Trường Tiểu học Yên Trường, từ năm 2016 đến nay, ngành giáo dục huyện Yên Định đã phối hợp với các địa phương rà soát, sắp xếp, sáp nhập thành công các trường tiểu học và THCS trên địa bàn các xã như Yên Phú, Yên Ninh, Yên Giang... Theo thầy giáo Lê Việt Hòa, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Định, các đơn vị trường sau khi sắp xếp, sáp nhập đều tập trung nâng cao công tác quản lý; chất lượng sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn không ngừng được nâng lên; quy mô các nhà trường đủ lớn để thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong nhà trường. Công tác quản lý Nhà nước, quản lý giáo dục tăng cường, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Cũng qua sắp xếp toàn huyện đã giảm được 6 đơn vị trường, cùng với đó tinh giảm được một số vị trí trong cơ cấu bộ máy, như chức danh hiệu trưởng, nhân viên hành chính, giáo viên các môn đặc thù...

Sau khi rà soát thực tế, đồng thời xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể, ngành giáo dục huyện Thiệu Hóa đã thực hiện sáp nhập các trường tiểu học và trường THCS trên địa bàn xã Thiệu Giao, Minh Tâm, Tân Châu, Thiệu Thịnh, Thiệu Vận. Ông Bùi Quốc Huy, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Thiệu Hóa cho biết: Hơn 5 năm qua, trên địa bàn huyện Thiệu Hóa đã có 6 trường học được sắp xếp, sáp nhập theo yêu cầu. Các trường sau khi sắp xếp đều được quy hoạch khuôn viên, đầu tư cơ sở vật chất khang trang. Riêng Trường Tiểu học và THCS Thiệu Vận, vừa sáp nhập đầu năm 2023-2024 nên vẫn đang trong giai đoạn xây dựng kế hoạch đầu tư. Theo chia sẻ của cô giáo Trần Thị Thơ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Thiệu Vận, ngay sau khi sáp nhập, nhà trường đã cơ cấu lại tổ chức bộ máy, giáo viên được sắp xếp theo hướng hợp lý, sử dụng hiệu quả. Các thầy, cô giáo cũng xác định được trách nhiệm và quyết tâm thực hiện hiệu quả chủ trương sáp nhập trường của tỉnh, của huyện cũng như ngành giáo dục. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của nhà trường hiện nay là chưa quy về 1 điểm trường chung cho cả cấp tiểu học và THCS để tổ chức dạy và học mà vẫn phải dạy, học ở 2 điểm trường (tiểu học và THCS). Trong khi đó cơ sở vật chất ở điểm trường tiểu học xuống cấp nghiêm trọng. Do đó, mong muốn của cán bộ, giáo viên và học sinh là nhà trường sớm được đầu tư khu trường mới để việc dạy và học ở cả cấp tiểu học và THCS được tổ chức tại 1 điểm trường. Được biết, sau khi sáp nhập Trường Tiểu học Thiệu Vận và Trường THCS Thiệu Vận thành Trường Tiểu học và THCS Thiệu Vận, toàn huyện Thiệu Hóa có tổng số 79 trường học các cấp. Còn số này sẽ được giữ ổn định cho đến năm 2025.

Theo thống kê của ngành giáo dục, trong giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh đã giải thể, sáp nhập, giảm 86 trường học, trong đó, giảm 28 trường tiểu học, 24 trường THCS, tăng 19 trường TH&THCS.

Toàn tỉnh hiện có hơn 2.000 trường học các cấp, theo lộ trình quy hoạch, sắp xếp tại Quyết định số 2820/QĐ-UBND của UBND tỉnh, đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ còn 1.803 trường. Để hiện thực hóa lộ trình trên, nhiệm vụ đặt ra lúc này là ngoài sự nỗ lực của ngành giáo dục cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân.

Theo thống kê của ngành giáo dục, trong giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh đã giải thể, sáp nhập, giảm 86 trường học, trong đó, giảm 28 trường tiểu học, 24 trường THCS, tăng 19 trường TH&THCS. Cũng trong giai đoạn này, ngành đã thực hiện giải thể, sáp nhập 13 trường THPT theo Nghị quyết số 103/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Sắp xếp các trường THPT công lập hiện có tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025”. Ngoài ra, toàn tỉnh còn giảm hàng trăm điểm trường lẻ để tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục, giảm dần sự chênh lệch giữa giáo dục miền núi so với miền xuôi. Thực hiện Quyết định số 2820/QĐ-UBND của UBND tỉnh về Đề án sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT có nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025, đến nay, toàn tỉnh đã quy hoạch, sắp xếp, giảm được 31 trường học. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã quan tâm, thực hiện việc rà soát nhu cầu sử dụng đất đối với các cơ sở giáo dục của địa phương. Từ đó, xây dựng phương án quy hoạch đất giai đoạn 2021-2025, từng bước đưa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm, trong đó, ưu tiên bố trí quỹ đất đối với lĩnh vực GD&ĐT, để diện tích đất bình quân/học sinh của các cơ sở giáo dục bảo đảm theo theo quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT. Đồng thời quan tâm, bố trí quỹ đất để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Toàn tỉnh hiện có hơn 2.000 trường học các cấp, theo lộ trình quy hoạch, sắp xếp tại Quyết định số 2820/QĐ-UBND của UBND tỉnh, đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ còn 1.803 trường. Để hiện thực hóa lộ trình trên, nhiệm vụ đặt ra lúc này là ngoài sự nỗ lực của ngành giáo dục cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân. Quan điểm của tỉnh là các địa phương lựa chọn phương án sắp xếp phải phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương mình, đồng thời vận dụng linh hoạt phương án sắp xếp bảo đảm sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực, cơ sở vật chất hiện có, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh cũng như thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Bài và ảnh: Lê Phong

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/quy-hoach-sap-xep-mang-luoi-truong-lop-dap-ung-yeu-cau-doi-moi-giao-duc/197106.htm