Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi tầm nhìn đến năm 2050 thế nào?

Ngày 21-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là quy hoạch quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với công tác thủy lợi và phòng, chống thiên tai. Nội dung bản quy hoạch mang đủ tầm của quy hoạch ngành, có nhiều quan điểm, định hướng và nội dung mới mà các quy hoạch liên quan đến thủy lợi, phòng, chống thiên tai trước đây còn thiếu hoặc chưa đáp ứng được trong bối cảnh hiện nay và những thách thức trong tương lai.

Quang cảnh buổi lễ công bố Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030.

Theo đó, phạm vi của quy hoạch bao gồm toàn bộ phần diện tích đất liền và các huyện đảo có đông dân cư, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh như: Vân Đồn, Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Phú Quý, Lý Sơn, Phú Quốc, Côn Đảo.

Về quan điểm, mục tiêu theo quyết định này nhằm phát triển hạ tầng thủy lợi, nâng cao năng lực cấp nước, tiêu thoát nước, phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế trên cơ sở khả năng nguồn nước. Củng cố xây dựng hạ tầng phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch, Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay: Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 sẽ cấp đủ nước phục vụ sinh hoạt, cấp và tạo nguồn cấp nước cho nông thôn, đô thị, công nghiệp, khu kinh tế... Cấp nước tưới chủ động cho diện tích lúa 2 vụ với tần suất bảo đảm 85%, riêng vùng Đồng bằng sông Hồng bảo đảm 85-90%, đối với các vùng khó khăn về nguồn nước (miền núi, biên giới, hải đảo, ven biển) bảo đảm 75-85%. Cấp đủ nước cho gia súc, gia cầm với khoảng 10,5 triệu con; cấp nước, thoát nước chủ động cho 1,35 triệu ha nuôi trồng thủy sản thâm canh, tập trung.

Về tiêu, thoát nước, bảo đảm tiêu, thoát nước qua công trình thủy lợi cho khoảng 3,5 triệu ha diện tích sản xuất nông nghiệp, thủy sản, diện tích đất đô thị, công nghiệp. Cùng với đó, bảo đảm khả năng chống ngập, lụt, phòng, chống thiên tai.

Trạm bơm dã chiến Phù Sa, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng: Mặc dù quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ giữa năm 2023 nhưng đến nay mới tổ chức lễ công bố là do còn phải xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch. Quy hoạch là cần thiết nhưng kế hoạch thực hiện quy hoạch này mới là quan trọng nhằm bảo đảm quy hoạch được triển khai thực hiện hiệu quả và thành công.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, quy hoạch này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sớm bởi quy hoạch thủy lợi phải đi trước để làm căn cứ, cơ sở để xây dựng quy hoạch các ngành kinh tế, phục vụ xã hội, dân sinh, phát triển bền vững của nước ta; đồng thời góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường...

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng yêu cầu Cục Thủy lợi cần khẩn trương rà soát cơ chế, chính sách để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/quy-hoach-phong-chong-thien-tai-va-thuy-loi-tam-nhin-den-nam-2050-the-nao-769396