Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020

– Theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 60/QĐ-TTg, ngày 9/1/2012, phát triển ngành than phải dựa trên cơ sở khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước, đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng nhu cầu than phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: thietbi.vn

(ĐCSVN)Theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 60/QĐ-TTg, ngày 9/1/2012, phát triển ngành than phải dựa trên cơ sở khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước, đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng nhu cầu than phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Với quan điểm đó, Quy hoạch đã vạch ra 5 mục tiêu phát triển của ngành than Việt Nam từ nay đến năm 2020 trên các lĩnh vực: thăm dò than; khai thác than; sàng tuyển, chế biến than; bảo vệ môi trường; thị trường than.

Theo Quy hoạch, với bể than Đông Bắc, mục tiêu đến hết năm 2015 là hoàn thành việc thăm dò phần tài nguyên và trữ lượng than thuộc tầng trên mức -300m và một số khu vực dưới mức -300m đảm bảo đủ tài nguyên và trữ lượng than huy động và khai thác trong giai đoạn đến năm 2020.

Với bể than đồng bằng sông Hồng, sẽ lựa chọn một số diện tích chứa than có triển vọng, có điều kiện địa chất - mỏ thích hợp để tiến hành thăm dò trong kỳ kế hoạch 2012 - 2015, phục vụ việc đầu tư khai thác thử nghiệm vào cuối kỳ kế hoạch. Phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành công tác thăm dò phần diện tích chứa than có điều kiện khai thác thuận lợi thuộc khối nâng Khoái Châu - Tiền Hải.

Cùng với đó, Quy hoạch đặt ra mục tiêu đảm bảo sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành đạt 45-47 triệu tấn vào năm 2012, năm 2015 đạt 55-58 triệu tấn; năm 2020 đạt 60-65 triệu tấn; năm 2025 đạt 66-70 triệu tấn; năm 2030 đạt trên 75 triệu tấn. Sản lượng than thương phẩm toàn ngành có thể được điều chỉnh để phù hợp nhu cầu thị trường trong từng giai đoạn, kể cả việc xuất, nhập khẩu than, nhằm mục tiêu đảm bảo hiệu quả chung của nền kinh tế.

Cũng theo Quy hoạch, trước năm 2015 cần hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch bố trí các cơ sở sàng tuyển vùng Quảng Ninh nhằm mục tiêu tối ưu hóa công tác vận chuyển than, đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng về các chủng loại than qua sàng tuyển và đảm bảo phù hợp quy hoạch phát triển đô thị vùng than, quy hoạch giao thông, cảng biển, yêu cầu bảo vệ môi trường.

Nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra, Quy hoạch đã đưa ra một số giải pháp thực hiện, trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác điều tra, đánh giá, thăm dò; áp dụng các phương pháp tiên tiến trong lĩnh vực quản trị tài nguyên; thực hiện tốt công tác bảo vệ tài nguyên than; kiểm soát có hiệu quả, chặt chẽ nguồn than từ khâu khai thác, vận chuyển, chế biến đến tiêu thụ...

Về cơ chế tài chính, ngành than được xem xét cho vay vốn từ nguồn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, một phần vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư phát triển ngành theo Quy hoạch./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=501436&co_id=30698