Quỹ hỗ trợ người nghèo: Muốn lãi suất thấp phải cho ưu đãi

Công cuộc cho vay thoát nghèo của các quỹ hỗ trợ tài chính như CEP (Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm) và MOM (Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế)… đang gặp khó khăn vì nguy cơ thiếu vốn rẻ hoạt động.

Ảnh minh họa

Theo quy định, khi các quỹ hỗ trợ vốn thoát nghèo như CEP và MOM chuyển đổi thành các tổ chức tài chính vi mô sẽ không còn được nhận nguồn vốn từ các tổ chức nước ngoài hay các tổ chức phi chính phủ.

Tại buổi tọa đàm “Giải pháp phát triển bền vững các tổ chức Tài chính vi mô tại Việt Nam” do trường Đại học Ngân hàng TP.HCM tổ chức, bà Trần Thị Thanh Thụy, đại diện quỹ MOM, cho biết trước đó MOM đã nhận nguồn vốn hỗ trợ từ Na Uy. Khi biết thông tin không được góp vốn vào MOM nữa phía Na Uy rất tâm tư. Họ cảm thấy rằng với 15 năm qua cam kết và theo đuổi hỗ trợ người nghèo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà vẫn bị nghi ngại.

Còn đối với CEP, trong hoạt động cho vay thoát nghèo quỹ này đã nhận tài trợ không hoàn lại từ một quỹ của Úc 5 triệu USD, quỹ Ford Foundation (Mỹ) hay của ngân hàng Phát triển Châu Á ( ADB). Với sự hoạt động hiệu quả và minh bạch, báo cáo tài chính của CEP đều được 4 tổ chức kiểm toán hàng đầu (như EY, KPMG...) kiểm toán suốt từ 2009 đến nay.

Còn nếu không có được vốn từ các tổ chức nước ngoài thì hiện nguồn vốn hoạt động của CEP chỉ có từ các nguồn trong nước nhưng hạn hẹp, trong đó 1/3 được vay vốn lãi suất ưu đãi của địa phương nơi CEP có chi nhánh, vay các ngân hàng thương mại Nhà nước, vay UBND địa phương.

Đại diện của CEP cho rằng khi hoạt động theo mô hình mới, CEP sẽ đóng thuế 17%. Việc đóng thuế sẽ khiến CEP gặp khó khăn, phần vốn bổ sung bị thu hẹp lại. Là tổ chức tài chính vi mô hoàn toàn phi lợi nhuận, mọi lợi nhuận sẽ được bổ sung vào nguồn vốn. Do đó, CEP mong muốn được miễn thuế 2 năm đầu và đóng 50% mức thuế quy định trong 4 năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, khi CEP trở thành tổ chức tài chính vi mô sẽ phải đưa vào dự trữ bắt buộc 20% trên tổng số dư tiền gửi tiết kiệm huy động được. Trong khi hiện nay 95% tài sản của CEP nằm trong dân cư rồi (95% nguồn vốn huy động được đã cho người nghèo vay).

Thời gian tới CEP phải tập trung vào huy động, hiện nguồn vốn huy động mới chỉ đóng góp hơn 35% vốn hoạt động của CEP. Liệu CEP có cạnh tranh nổi với các ngân hàng thương mại khi quy mô nhỏ?

Trong khi đó, lãi suất cho vay thoát nghèo của CEP là 10,8%/năm vẫn còn cao hơn so với mức 8% của ngân hàng chính sách xã hội. Nếu tính cả chi phí huy động vốn nữa thì lãi suất cho vay ra của CEP nguy cơ sẽ bị đẩy lên cao nữa dù CEP cho vay tín chấp nhưng liệu người nghèo có chấp nhận được không?

Do đó, có được nguồn vốn dồi dào để hoạt động là bài toán sống còn để quỹ hoạt động hữu ích cho người nghèo.

Kinh nghiệm của Quỹ hỗ trợ Phụ nữ phát triển tỉnh Bến Tre cho thấy nếu muốn nhận vốn hỗ trợ từ các tổ chức phi Chính phủ (NGOs), Quỹ phải đảm bảo với chính quyền đây là nguồn vốn không hoàn lại, dù Quỹ có vay với lãi suất cực thấp cũng không được phép. Nhưng để nhận được tiền miễn phí, Quỹ phải chứng minh cho NGOs thấy được hoạt động hiệu quả và đúng mục đích, điều này lại cần phải có thời gian, cứ như kiểu “con gà và quả trứng” vậy.

HOÀNG ANH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/quy-ho-tro-nguoi-ngheo-muon-lai-suat-thap-phai-cho-uu-dai-3011126.html