Quy định về thời gian nghỉ dưỡng thai

Bà Đào Thị Hồng (Hà Nam) hỏi: Khi lao động nữ có thai, nhưng sức khỏe không tốt được nghỉ tối đa bao nhiêu ngày trong thai kỳ? Nếu bác sĩ yêu cầu phải nghỉ ngơi hoàn toàn cho đến lúc sinh con thì người lao động có được hưởng chế độ gì không, cơ quan có phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động không?

Câu hỏi của bà Hồng được luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Chế độ thai sản trước khi sinh

Theo quy định tại Điều 28 Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) số 71/2006/QH11 thì người lao động (NLĐ) được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau: Lao động nữ mang thai; Lao động nữ sinh con; NLĐ nhận nuôi con dưới 4 tháng tuổi; NLĐ đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản.

Lao động nữ mang thai và NLĐ nhận nuôi con nuôi phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Tại các Điều 29, 30, 33 và 35 Luật BHXH quy định quyền lợi NLĐ được hưởng trong giai đoạn trước khi sinh theo chế độ thai sản như sau:

- Khám thai tối đa 5 lần trong một thai kỳ. Mỗi lần khám nghỉ 1 ngày (hoặc 2 ngày nếu thai bệnh lý hoặc cơ sở y tế thuộc vùng sâu, vùng xa), tính theo ngày làm việc, nếu ngày nghỉ trùng vào các ngày nghỉ hàng tuần, lễ, tết thì không được tính hưởng trợ cấp.

- Sảy thai, nạo hút thai, thai chết lưu (tính cả ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ hàng tuần): Nghỉ 10 ngày nếu thai dưới 1 tháng; Nghỉ 20 ngày nếu thai từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; Nghỉ 40 ngày nếu thai từ đủ 3 tháng đến dưới 6 tháng; Nghỉ 50 ngày nếu thai trên 6 tháng.

-Thực hiện các biện pháp tránh thai (tính cả ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ hàng tuần): Đặt vòng nghỉ 7 ngày; triệt sản (cả nam/nữ) nghỉ 15 ngày.

Mức trợ cấp bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Nếu đóng BHXH chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng khi khám thai, sảy thai, nạo hút thai hoặc thai chết lưu, thực hiện kế hoạch hóa dân số là mức bình quân tiền lương, tiền công của các tháng đã đóng BHXH. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng BHXH, thời gian này NLĐ và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH.

Tại điểm 6, Mục II, Phần B, Thông tư 03/2007/TT- BLĐTBXH ngày 30/1/2007 được sửa đổi tại khoản 2, Điều 1, Thông tư 41/2009/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2009 thì thời gian NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, thì cả NLĐ và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH trong tháng đó nhưng vẫn được tính là thời gian có đóng BHXH.

Chế độ ốm đau

Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với NLĐ tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:

- Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;

- Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

- NLĐ mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau tối đa không quá 180 ngày trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần; hết thời hạn 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn.

Tại Điều 25 Luật BHXH quy định mức trợ cấp ốm đau bằng 75% mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc chia cho 26 ngày, sau đó nhân với số ngày thực tế nghỉ việc trong khoảng thời gian được nghỉ theo quy định. Nếu nghỉ ốm ở tháng đầu tham gia BHXH thì lấy mức lương của chính tháng đó để tính hưởng trợ cấp.

Đối với trường hợp bị bệnh dài ngày thì mức trợ cấp bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH (trong 180 ngày/năm đầu tiên). Từ ngày thứ 181 trở đi, mức hưởng bằng 45% mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm. Bằng 55% mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm. Bằng 65% mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng BHXH đủ 30 năm trở lên.

Mức hưởng trợ cấp từ ngày thứ 181 trở đi đối với bệnh dài ngày nếu thấp hơn mức tiền lương tối thiểu thì được hưởng bằng mức lương tối thiểu. Nếu nghỉ lấn sang năm mới thì mức trợ cấp được tính từ đầu, với mức hưởng 75%.

Tại điểm 3, Mục I, Phần B, Thông tư 03/2007/TT- BLĐTBXH quy định thời gian NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì cả NLĐ và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH trong tháng đó. Thời gian này không tính là thời gian đóng BHXH.

Về trường hợp bà Đào Thị Hồng hỏi, chế độ thai sản ở giai đoạn mang thai chỉ có quy định về thời gian nghỉ để khám thai, nghỉ sảy thai, nạo hút thai, thai chết lưu, thực hiện các biện pháp tránh thai; mà không có định cụ thể về việc lao động nữ trong thời kỳ mang thai, sức khỏe không tốt được nghỉ tối đa bao nhiêu ngày. Nếu tình trạng sức khỏe không tốt này do ốm đau, hoặc tai nạn rủi ro gây nên, theo chỉ định của bác sĩ, lao động nữ phải nghỉ ngơi chữa bệnh, dưỡng sức cho đến lúc sinh con, thì NLĐ được hưởng theo chế độ ốm đau. Về các chi phí khám, chữa bệnh, thuốc men thực hiện theo chế độ bảo hiểm y tế hiện hành.

Luật sư Lê Văn Đài

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Tin liên quan:

Mức hưởng chế độ thai sản

Điều kiện hưởng chế độ thai sản

Quy định về hợp đồng lao động và chế độ thai sản

Nghỉ việc có được hưởng chế độ thai sản?

Quy định về hưởng chế độ trợ cấp thai sản một lần

Chế độ thai sản với lao động tại doanh nghiệp liên doanh nước ngoài

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/quy-dinh-ve-thoi-gian-nghi-duong-thai/20123/133903.vgp