Quy định rõ trách nhiệm hỗ trợ DN vừa và nhỏ

Thảo luận về dự luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại hội trường sáng 22.11, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm từng bộ, ngành để bảo đảm khả thi trên thực tế.

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn, hạ tầng, công nghệ

Đại biểu (ĐB) Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) nhận xét, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) còn chung chung, chưa rõ trách nhiệm. Tương tự, ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng các chính sách hỗ trợ cơ bản DNVVN đang “tuyên ngôn” quá nhiều nhưng ý nghĩa thực chất và tính khả thi của chính sách lại rất hạn chế. Những hạn chế mà bà Hiền chỉ ra là một số quy định chưa rõ hỗ trợ gì, mang lại lợi ích gì cho DNVVN mà lại quy định theo kiểu quy định chung chung, tạo môi trường điều kiện thuận lợi, rồi giao Chính phủ quy định.

“Ví dụ, điều 8 quy định về hỗ trợ gia nhập, rút khỏi thị trường. Điều 9 về hỗ trợ tín dụng từ các ngân hàng, nhưng tìm mãi trong dự thảo nghị định quy định chi tiết thì không có gì”, ĐB Hiền dẫn chứng.

Đừng cào bằng

Qua thảo luận, nhiều ĐBQH cho rằng nên khoanh hẹp phạm vi đối tượng được hỗ trợ thay vì số lượng tới 520.000 DN như hiện nay. ĐB Phùng Thị Thường (Vĩnh Phúc) kiến nghị không nên đưa ra các chính sách kiểu hỗ trợ cào bằng, rải đều mà dự luật nên thiết kế giao Chính phủ xem xét, lựa chọn nhóm, ngành, DN có tiềm năng phát triển, phù hợp với kế hoạch dịch chuyển cơ cấu các cấp và chiến lược phát triển KT-XH…

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng cho rằng không nên quy định hỗ trợ đối tượng DN này bằng các cơ chế như hỗ trợ từ vốn vay, giảm thuế DN, thuế sử dụng đất, vốn tiếp cận công nghiệp… đến chi phí dịch vụ, đào tạo, tư vấn, truyền thông, kết nối khởi nghiệp, kết nối mạng, hỗ trợ mua sắm công và phát triển nguồn lực vì có thể tạo ra bất bình đẳng trong cạnh tranh với các đối tượng khác. Thay vào đó, cần quy định hỗ trợ DN về thủ tục đăng ký thành lập DN, đăng ký kinh doanh để giảm bớt các thủ tục hành chính và bớt phiền hà sách nhiễu.

Ngoài ra, theo ông Phương, phải tạo cơ chế thông thoáng trong kinh doanh để hạn chế thanh tra, giám sát và cần quy định mỗi năm có bao nhiêu lần được thanh tra, kiểm tra.

Nên áp dụng cho từng thời kỳ

Bày tỏ tán thành với việc ban hành chính sách hỗ trợ DN nhưng ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng có nhiều vấn đề cần cân nhắc thận trọng trước khi ban hành luật. Theo ĐB Mai, việc hỗ trợ chính sách áp dụng cho từng thời kỳ, thời điểm với một số nhóm cụ thể, không phải áp dụng vĩnh viễn, lâu dài. Bên cạnh đó, trong cơ chế thị trường và xu thế hội nhập, việc áp dụng cơ chế đặc thù và ưu đãi lâu dài cho một nhóm đối tượng nên hạn chế.

Tranh luận lại quan điểm việc không có đủ ngân sách để hỗ trợ DNVVN, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội DNVVN, cho rằng không phải nhà nước đưa tiền cho các DNVVN để sản xuất kinh doanh mà nhà nước tạo cơ sở và cơ chế cho các DN. ĐB Thân cho rằng quy định hỗ trợ về lãi suất vừa là hỗ trợ DN, vừa để nuôi dưỡng nguồn thu. Vì thế, không nên ngần ngại tạo cơ chế đối với DNVVN. Giai đoạn 2008 - 2009, ta phải giảm và giãn nợ cho DNVVN là 34.000 tỉ đồng. Nghĩa là khi DNVVN gặp khó khăn, bị lỗ không trả được thuế thì xử lý tình thế đó.

Hỗ trợ cả về lãi suất và hạ tầng

Giải trình thêm trước QH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết DNVVN đang chiếm 97% trong tổng số DN, trong 610.000 DN của VN và hiện đang gặp nhiều khó khăn về tiếp cận tín dụng, mặt bằng, công nghệ, thị trường, tư vấn, đào tạo, thông tin… Các cơ chế, chính sách cho DNVVN đều rời rạc và chung chung, không cụ thể và không có tính khả thi nên không đi vào cuộc sống.

Về tiếp cận tín dụng của ngân hàng, Bộ trưởng Dũng cho biết đây không phải là quy định cứng nhắc bắt buộc mà khuyến khích các ngân hàng thương mại xây dựng các gói hỗ trợ cho DNVVN với lãi suất, thời hạn vay ưu đãi, thủ tục thuận lợi. Nếu các ngân hàng thương mại hỗ trợ các DNVVN như vậy thì sẽ được nhà nước hỗ trợ lại tức là được cấp bù lãi suất. Cấp bù lãi suất là một phần ngân sách phải bỏ ra nhưng không lớn so với các DN đóng góp nếu như DN hoạt động tốt, có lợi nhuận để đóng góp cho đất nước.

Tương tự, các DNVVN cũng rất khó tiếp cận các mặt bằng sản xuất do chủ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp không muốn chia nhỏ hạ tầng đã đầu tư. Các quy định tại dự luật là một hình thức khuyến khích các DN hạ tầng dành quỹ đất cho DNVVN thuê và nhà nước sẽ hỗ trợ lại. Cách làm này cũng vừa hỗ trợ được DNVVN vừa hỗ trợ cho DN hạ tầng.

Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào danh mục kinh doanh có điều kiện

Với tỷ lệ tán thành 83,16%, sáng qua (22.11) QH đã biểu quyết thông qua luật sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện của luật Đầu tư. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2017, trừ các ngành, nghề kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2017 và giao Chính phủ quy định việc áp dụng chuyển tiếp đối với tổ chức, cá nhân đang đầu tư kinh doanh các ngành, nghề này. Điểm đáng chú ý là luật cũng bổ sung ngành, nghề hoạt động dịch vụ tư vấn du học vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Báo cáo của UBTVQH cho biết kết quả lấy phiếu xin ý kiến ĐBQH cho thấy đa số tán thành với việc bổ sung ngành, nghề này (293/439 chiếm 66,7%).

Báo cáo của UBTVQH cho biết có ý kiến đề nghị bổ sung vào danh mục kinh doanh có điều kiện một số ngành, nghề mới như: xăm hình vĩnh viễn; thám tử tư; rà phá bom, mìn, vật liệu nổ; kinh doanh chất phụ gia công nghiệp và chất phụ gia thực phẩm; kinh doanh thực phẩm chức năng.

Ý kiến khác đề nghị bổ sung kinh doanh vàng trên tài khoản vào ngành, nghề cấm kinh doanh. Theo UBTVQH, đây là những đề xuất mới mà cơ quan soạn thảo chưa có thời gian nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động. Do đó, QH giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng để trình bổ sung trong thời gian tới.

* Sáng cùng ngày, QH đã thông qua Nghị quyết về việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh VN với tỷ lệ tán thành 91,08%. Theo nghị quyết, việc thí điểm cấp thị thực điện tử được giao Chính phủ triển khai thực hiện trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày 1.2.2017. Chính phủ báo cáo QH kết quả thực hiện nghị quyết này tại kỳ họp cuối năm 2018.

Trường Sơn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/kinh-doanh/quy-dinh-ro-trach-nhiem-ho-tro-dn-vua-va-nho-767675.html