Quy định pháp luật về việc sử dụng đất đá thải mỏ san lấp mặt bằng được hiểu như thế nào? (Bài 10)

Việc sử dụng đất đá thải mỏ san lấp mặt bằng đang nhận được các ý kiến trái chiều. Vậy quy định pháp luật về việc sử dụng đất đá thải mỏ san lấp mặt bằng như thế nào?

Thời gian gần đây, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường nhận được nhiều ý kiến của cử tri và nhân dân tỉnh Quảng Ninh lo lắng về vấn đề tác động đến môi trường xoay quanh hiện tượng sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp một số dự án, công trình ven biển.

Trong quá trình khảo sát và tìm hiểu của Phóng viên, tại huyện Vân Đồn, dự án được ghi nhận đã và đang sử dụng đất đá thải mỏ để sản lấp mặt bằng tương đối lớn là dự án Khu đô thị Ao Tiên Vân Đồn, nằm trên địa phận xã Hạ Long, Khu Đô thị Dragon City, Khu đô thị Hà Khánh thuộc phường Hà Khánh, TP.Hạ Long...

Bên cạnh dự án, Phóng viên cũng ghi nhận được lượng lớn than còn nằm lẫn trong khu vực bãi đổ thải của dự án Ao Tiên. Bãi này nằm ở vị trí đối diện khu du lịch của doanh nghiệp Mai Quyền, đua tận ra Vịnh Bái Tử Long.

Trước đó, trong nhiều bài viết, các nhà khoa học cũng đưa ra những ý kiến quan điểm rất rõ ràng về vấn đề sử dụng vật liệu san lấp bằng đất đá thải mỏ.

Tiếp tục vấn đề đang được dư luận, nhà khoa học quan tâm, phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ luật Nguyễn Trung Thành, Chuyên gia về chính sách công, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường và Xã hội.

Thưa Tiến sĩ, dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, ông có nhận định như thế nào về những mặt thuận lợi và khó khăn khi phương án sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng được thực hiện tại Quảng Ninh?

Sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng là một trong những giải pháp đã được ứng dụng từ lâu trên thế giới, góp phần quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Tiến sĩ luật Nguyễn Trung Thành, Chuyên gia về chính sách công, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường và Xã hội.

Ở nước ta, "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050" đã xác định mục tiêu "Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao Chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường".

Do đó, việc nghiên cứu để quản lý và cấp phép tái chế, tái sử dụng đất đá thải mỏ nói chung và làm vật liệu san lấp mặt bằng nói riêng là vấn đề cấp thiết đối với ngành khai khoáng nói riêng và định hướng phát triển bền vững nói chung.

Dưới góc độ kinh tế, việc thực hiện phương án sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng là một trong những giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán chi phí - lợi ích trong vấn đề quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.

Các kết quả nghiên cứu đến nay cho thấy đặc tính vật liệu, độ chặt đầm nén, phương án thi công, vận chuyển của đất đá thải mỏ gần như tương đương với đất san lấp, đá làm vật liệu xây dựng thông thường được khai thác tại các khu vực mỏ hiện nay; đảm bảo phù hợp để sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng các dự án, công trình xây dựng, hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, các khu công nghiệp...

Do đó, đây có thể được xem là một trong những loại vật liệu có giá trị kinh tế cao.

Thứ hai, đất đá thải mỏ có thể sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất, sản xuất vật liệu xây dựng hoặc san lấp mặt bằng, do đó không mất chi phí để xử lý môi trường gây ra bởi các khoáng vật này.

Thứ ba, việc sử dụng đất đá thải mỏ có sẵn thường có chi phí khai thác, chuẩn bị mặt bằng, vận chuyển thấp hơn so với đầu tư khai thác mỏ cát hoặc đất san lấp mới do không phải đầu tư mới hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, việc cấp quyền sử dụng đất đá thải mỏ cũng sẽ mang lại nguồn thu ngân sách quan trọng cho chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, dưới góc độ kinh tế, cũng cần có đánh giá cụ thể, chi tiết về giá trị khoáng sản của đất đá thải mỏ, tránh trường hợp hàm lượng khoáng sản có ích trong đất đá thải mỏ vẫn cao, nhưng sử dụng sai mục đích cho hoạt động san lấp.

Dưới góc độ môi trường, để có thể đánh giá được lợi ích hay thiệt hại khi thực hiện phương án sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng, trước tiên cần xác định rõ về đặc điểm, thành phần của đất đá thải mỏ.

Theo đánh giá sơ bộ, đất đá thải mỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung chủ yếu là đất, đá, và một phần nhỏ vật chất hữu cơ (có thể bóc tách riêng).

Như vậy, đây hoàn toàn là các vật liệu tự nhiên nguyên sinh, đã tồn tại hiện hữu trong môi trường. Do đó, khi sử dụng đúng phương pháp thi công sẽ không gây ra biến đổi môi trường đáng kể cho khu vực tiếp nhận.

Thứ hai, đa phần các loại vật liệu san lấp mặt bằng hiện hữu như cát, đá, đất đều là tài nguyên không tái tạo, do đó việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng góp phần giảm tải áp lực khai thác các loại tài nguyên khác.

Thứ ba, các bãi đất đá thải mỏ hiện nay đang gây ô nhiễm không khí bởi bụi và các loại khí thải phát sinh khi đất đá thải mỏ tiếp xúc với nước; nước rỉ qua đất đá cũng sẽ cuốn trôi, hòa tan nhiều hóa chất trong đất đá thải, gây ô nhiễm nguồn nước và đất đai của các khu vực lân cận.

Thứ tư, các bãi đất đá thải mỏ tiếp tục tích tụ ngày càng nhiều như hiện nay dẫn đến tình trạng nguy cơ tai biến môi trường, sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và tài sản của cộng đồng dân cư địa phương.

Thứ năm, dưới khía cạnh kinh tế môi trường và tài nguyên, khi sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng cũng sẽ tiết kiệm hàng hàng ngàn héc ta đất đang phải bố trí để làm bãi thải mỏ hiện nay.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhận thấy rằng, việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng cũng có thể gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường (đất và nước), nếu: (1) thành phần đất đá thải mỏ chứa hàm lượng cao các yếu tố hóa học độc hại như hợp chất lưu huỳnh, kim loại nặng (asen, đồng, chì), tính axit làm thay đổi nồng độ pH môi trường; hoặc (2) phương pháp thi công không đảm bảo khiến vật liệu đất đá thải mỏ tiếp xúc với không khí, nước làm ô nhiễm môi trường xung quanh.

Cụm Công nghiệp Cẩm Thịnh được xây dựng trên nền bãi thải mỏ than tại Cẩm Phả.

Dưới góc độ xã hội, đất đá thải mỏ không được xử lý mà tập kết trong thời gian dài sẽ gây nguy cơ ô nhiễm không khí và nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của cộng đồng dân cư trong khu vực, gây áp lực lớn đến hạ tầng y tế địa phương.

Bên cạnh đó, việc quản lý, bảo vệ môi trường các bãi thải mỏ không tốt, gây ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực sẽ tác động tiêu cực đến tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ của khu vực, nhất là các khu vực có giá trị cảnh quan như Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long...

Bằng việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng, sẽ hạn chế được các vấn đề tiêu cực nêu trên; đồng thời các công trình xã hội của địa phương sẽ được đầu tư với chi phí thấp hơn; các nguồn thu từ cấp quyền khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ giúp ngân sách địa phương đảm bảo tốt hơn nhu cầu đầu tư phát triển xã hội.

Như vậy, dưới góc độ kinh tế, xã hội, môi trường, việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng là giải pháp mang lại hiệu quả cao, góp phần hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của nhà nước ta về tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn.

Đây cũng là giải pháp được nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng để giải quyết bài toán về phế thải trong hoạt động khai khoáng và nguyên vật liệu cho hoạt động xây dựng hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn.

Vậy thưa ông, chúng ta cần lưu ý những vấn đề pháp lý nào liên quan đến việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng?

Rõ ràng như phân tích ở trên, việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng mang lại nhiều lợi ích có thể chấp nhận hơn là những tác hại và rủi ro hiện hữu. Tuy nhiên, để có thể sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng, cần phải làm rõ được khung pháp lý của hoạt động này, cũng như góc độ thực thi của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hiện nay, có hai luồng ý kiến khác nhau về việc xác định bản chất pháp lý của đất đá thải mỏ: Quan điểm thứ nhất, xem đất đá thải mỏ như là khoáng sản thứ cấp; quan điểm thứ hai xem đất đá thải mỏ là phế thải, chất thải rắn từ hoạt động khai khoáng.

Các chuyên gia môi trường lo lắng về việc sử dụng đất đá thải mỏ được sử dụng để lấn biển có thể gây ô nhiễm môi trường.

Theo quan điểm của tôi, đất đá thải mỏ là một loại khoáng sản thứ cấp và phải được quản lý theo quy định của Luật Khoáng sản, bởi những lý do sau:

Thứ nhất, theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Luật Khoáng sản 2010: "Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ".

Như vậy, dù đất đá thải mỏ không chứa hàm lượng khoáng chất đủ để khai thác, chế biến (ví dụ như đá thải mỏ than có nhiệt trị thấp), nhưng khi ở dạng khoáng vật bãi thải của mỏ, nó vẫn được xem là một loại khoáng sản (tương tự như khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đất san lấp, cát sỏi lòng sông...) và được quản lý, cấp phép khai thác, sử dụng theo quy định của Luật Khoáng sản.

Thứ hai, theo quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 72 Luật Bảo vệ môi trường 2020: "Chất thải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quản lý như sản phẩm, hàng hóa và được phép sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất".

Quy định này của Luật Bảo vệ môi trường tiếp tục khẳng định nguyên tắc quản lý đất đá thải mỏ được thực hiện theo quy định của Luật Khoáng sản (khi nó được sử dụng trực tiếp làm vật liệu cho hoạt động san lấp).

Như vậy, quy định của Luật Khoáng sản và Luật Bảo vệ môi trường hiện hành đều xác định đất đá thải mỏ là khoáng sản, được quản lý, khai thác theo quy định của Luật Khoáng sản. Theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, "tài nguyên khoáng sản""các tài nguyên khác do Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật" là tài sản công. Khoản 3 Điều 6 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 cũng quy định "tài nguyên phải được kiểm kê, thống kê về hiện vật, ghi nhận thông tin phù hợp với tính chất, đặc điểm của tài sản; được quản lý, bảo vệ, khai thác theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật"; do đó cơ quan nhà nước cũng không thể né tránh việc khảo sát, đánh giá trữ lượng (hay lấy lý do giảm thiểu thủ tục hành chính được).

Theo quy định tại Điều 4 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá, bao gồm: "Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật"; "Tài sản là quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản". Do đó, việc cấp quyền khai thác đất đá thải mỏ là khoáng sản để làm vật liệu san lấp mặt bằng cần tổ chức theo hình thức đấu giá.

Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều loại khoáng vật tương tự như đất đá thải mỏ, là sản phẩm tận thu từ hoạt động kinh tế, xã hội khác cũng đều được quản lý chặt chẽ theo quy định của Luật Khoáng sản.

Chẳng hạn, đối với cát sỏi lòng sông phát sinh từ hoạt động nạo vét, khơi thông luồng lạch cũng được quản lý theo quy định của Luật Khoáng sản; được cụ thể hóa theo Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ: "Trường hợp nạo vét, khơi thông luồng có gắn với thu hồi sản phẩm nạo vét là cát, sỏi lòng sông; bảo trì kết hợp thu hồi sản phẩm là cát, sỏi lòng sông thì việc lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, pháp luật khác có liên quan; việc đăng ký khối lượng, phương pháp thu hồi sản phẩm nạo vét là cát, sỏi lòng sông được thực hiện theo quy định của pháp luật về khoáng sản và quy định của Nghị định này". Do đó, toàn bộ phụ phẩm cát sỏi lòng sông sau khi nạo vét, khơi thông luồng, lạch đều phải tổ chức đấu giá theo quy định của Luật Khoáng sản.

Thưa ông, việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng sẽ cần được áp dụng thu thuế đối với doanh nghiệp sử dụng ra sao?

Từ những phân tích nêu trên có thể thấy, chính sách về thuế và các khoản phải nộp từ việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng được áp dụng như trường hợp cấp phép khai thác khoáng sản.

Trong đó, ngoài các khoản thuế phải nộp như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thì các nghĩa vụ tài chính khác như tiền cấp quyền khai thác (điểm a, khoản 2 điều 55; Điều 76, Điều 77 Luật Khoáng sản 2010), thuế tài nguyên (khoản 1 Điều 76 Luật Khoáng sản 2010, Điều 2 Luật Thuế tài nguyên 2010, Điều 2 Nghị định 50/2010/NĐ-CP và Điều 2 Thông tư 152/2015/TT-BTC), phí bảo vệ môi trường (Điều 6 Nghị định 27/2023/NĐ-CP quy định về mức phí bảo vệ môi trường với khai thác khoáng sản), tiền thuê đất (điểm đ khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai 2013)...

Tuy nhiên, do đất đá thải mỏ là tài nguyên thứ phát, nên một số nghĩa vụ tài chính sẽ khác so với trường hợp cấp phép khai thác khoáng sản chính như: (1) không phải nộp tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường và (2) chi phí trồng rừng thay thế (các nghĩa vụ tài chính này đã thực hiện khi cấp quyền khai thác khoáng sản chính).

Theo ông, nếu áp dụng đại trà việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp thì doanh nghiệp và nhà nước sẽ thu được những lợi ích gì?

Về lợi ích của phương án sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng đối với doanh nghiệp và nhà nước là rất rõ ràng. Như đã phân tích ở trên, hiệu quả kinh tế đối với doanh nghiệp là việc doanh nghiệp khai thác khoáng sản tiết kiệm đáng kể kinh phí xử lý đất đá thải mỏ, đầu tư bãi thải, xử lý nước rỉ bãi thải, giảm thiểu chi phí cải tạo, phục hồi môi trường.

Đối với doanh nghiệp sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng thì có thể tiếp cận vật liệu san lấp với giá thành hợp lý hơn, đa dạng hóa các nguồn cung vật liệu san lấp, giảm giá thành do khoảng cách vận chuyển hợp lý hơn...

Trong đất đá thải mỏ được dùng để san lấp mặt bằng một số dự án khu đô thị, Pv ghi nhận vẫn còn chứa nhiều cục than lộ ra.

Đối với Nhà nước, việc cấp phép sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường như đã phân tích ở trên. Trong đó, quan trọng nhất là việc đảm bảo thực thi thống nhất các quy định của Hiến pháp 2013 về tài sản công: "Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý"; cũng như quy định của Luật Khoáng sản 2010 về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Thông qua việc cấp quyền khai thác đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng, nhà nước có thể thu được các khoản thuế, phí như đã phân tích nêu trên.

Có nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng sẽ có nguy cơ thất thu ngân sách đối với cơ quan quản lý nhà nước và làm thế nào để quản lý chặt chẽ. Quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào?

Như tôi đã phân tích nêu trên, nếu coi đây là chất thải thì doanh nghiệp và Nhà nước sẽ mất rất nhiều chi phí để xử lý. Nhưng nếu coi đây là khoáng sản thứ cấp phục vụ san lấp mặt bằng thì sẽ tạo ra nguồn thu to lớn cho ngân sách địa phương.

Việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mang lại rất nhiều giá trị về kinh tế, xã hội và môi trường. Thời gian qua tỉnh Quảng Ninh cũng như nhiều địa phương đã tích cực nghiên cứu các phương án khai thác hiệu quả vật liệu đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp.

Đây là một trong những giải pháp thực thi hiệu quả chủ trương của Đảng, chiến lược của Nhà nước về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng như phục vụ mục tiêu phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo đánh giá hiện trạng năm 2021 của tỉnh Quảng Ninh, tổng trữ lượng của các bãi thải hiện nay là khoảng 1.362 triệu m3 đất đá thải. Với mức giá công bố của đất, đá thải của các mỏ than làm vật liệu san lấp mặt bằng cho các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là khoảng 51.000 đồng/m3 (theo Quyết định số 14/2023/QĐ-UBND ngày 24 tháng 4 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh) thì tổng giá trị đất đá thải mỏ hiện hữu là khoảng 69.462 tỷ đồng (tương đương khoảng 3 tỷ USD).

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có nhiều dự án sử dụng đất đá thải mỏ.

Khi đã xem xét đất đá thải mỏ là vật liệu san lấp (tức là thuộc nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường), thì cần thiết phải có cơ chế quản lý, cấp phép tránh thất thu ngân sách.

Trong đó, những giải pháp đã được pháp luật quy định (như phân tích nêu trên) là: (1) phải thực hiện đầy đủ các quy định về việc kiểm kê, thống kê về quy mô, trữ lượng các bãi đất đá thải mỏ; ghi nhận thông tin phù hợp với tính chất, đặc điểm của các bãi đất đá thải mỏ cũng như quản lý, bảo vệ, khai thác theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật; (2) phải thực hiện đấu giá tài sản đối với đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng. Quy trình này thực hiện không quá phức tạp vì tài sản là hữu hình, số lượng, chất lượng và mục đích sử dụng rõ ràng.

Hiện nay vẫn chưa có những đánh giá cụ thể về những tác động của việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng sẽ ảnh hưởng đến môi trường, du lịch,…

Việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng có thể ảnh hưởng đến môi trường và tiềm năng du lịch, tuy nhiên theo tôi thấy ảnh hưởng này là không lớn; nhất là khi so sánh giữa lợi ích mang lại và thiệt hại mà nó gây ra. Những lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường đã được phân tích khá kỹ ở phần trên.

Còn về ảnh hưởng thì một trong những vấn đề tiềm tàng là hoạt động vận tải từ khu vực mỏ đến công trường xây dựng có thể gây ô nhiễm môi trường (bởi khói, bụi); mặt khác, quá trình tập kết đất đá thải mỏ cũng có thể phát sinh bụi, khí độc và nước thải rò rỉ từ bãi tập kết do nước mưa chảy tràn qua.

Một số dự án sử dụng đất đá thải mỏ nằm tiếp giáp Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long khiến người dân lo lắng về vấn đề môi trường.

Bên cạnh đó, việc nhận chìm, san lấp các khu đô thị ven sông, ven biển bằng đất đá thải mỏ có nguy cơ phát tán chất ô nhiễm lâu dài, do quá trình rửa trôi vật liệu san lấp dưới tác động của thủy triều, sóng và dòng chảy ven bờ.

Điều này cũng dẫn tới sự thay đổi mạnh mẽ các hệ sinh thái ven bờ, suy giảm đa dạng sinh học và nguy cơ xói lở bờ biển các khu vực lân cận do thay đổi dòng chảy.

Do đó, quá trình đánh giá tác động môi trường cần phân tích, dự báo tác động thông qua các mô hình dự báo dòng chảy, mô hình thủy động lực học để có giải pháp ứng phó phù hợp. Tránh tình trạng xói lở bờ biển khu vực lân cận, cũng như các nguy cơ sụt lún địa chất gây ra cho chính các công trình trong phạm vi dự án.

Xin trân trọng cảm ơn TS Luật Nguyễn Trung Thành!

*Và thông qua tuyến bài về việc đánh giá thực trạng vấn đề khai thác khoáng sản, từ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, người làm chính sách, Tòa soạn Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tập hợp lại để làm một bản kiến nghị gửi tới Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã và đang lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản sửa đổi sắp trình Quốc hội tới đây.

Đất đá thải mỏ dùng để san lấp có chất lượng ra sao?

Trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học hiện tượng sử dụng đất đá thải mỏ để san lấp một số dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cuối tháng 8/2023 các nhà khoa học thuộc Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có chuyến khảo sát độc lập, lấy mẫu đất đá, cũng như mẫu nước tại một số vị trí sử dụng đất đá thải mỏ.

Theo kết quả phân tích mẫu đất đá thải được lấy tại các vị trí như KĐT Ao Tiên (Vân Đồn), Cụm Công nghiệp Cẩm Thịnh (Cẩm Phả), KĐT Dragon City (Cẩm Phả), KĐT Cao Xanh - Hà Khánh (Hạ Long), Dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, một số mẫu tại các bãi thải mỏ: Hà Lầm; Cao Sơn; Đông Dương; Vàng Danh; Hòn Gai; Uông Bí cho thấy có Hàm lượng % than trong mẫu đã lấy. Có những mẫu Hàm lượng % than lên đến 17.3%.

Theo đánh giá của các nhà khoa học: Tất cả các mẫu phân tích lấy từ bãi thải đã đưa san lấp và đất đá thải mỏ khác đều chứa than. Có 2 mẫu đất đá thải san lấp chứa hàm lượng than rất cao (15,2 và 17,3 %).

Các mẫu đất đá thải Hà Lầm và Vàng Danh cần tuyển để thu hồi than chứa trong đất đá thải > 5%. Các mẫu đất đá thải của các mỏ Cao Sơn và Uông Bí chứa lượng than có thể gây ra ô nhiễm biển vùng đổ đất đá thải lấn biển.

Tiếp đó, các nhà khoa học của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đưa ra lưu ý: Cần có quy trình phân loại đất đá thải (tách ra khỏi bước nghiền sàng) trước khi nghiền sàng (tránh tạo ra lỗ hổng chứa nước ô nhiễm trong nền đất) và tạo ra nguy cơ gây thương tích cho người ở các bãi tắm.

Ô nhiễm than và kim loại nặng trong trầm tích có nguồn gốc từ nước thải chứa than từ các mỏ và dây truyền tuyển than chưa xử lý, đất đá thải đổ san lấp mặt bằng, cũng như hoạt động vận chuyển than.

Theo các nhà khoa học kiến nghị, đây cũng chỉ là nghiên cứu độc lập và cần thêm các tổ chức khác cùng vào nghiên cứu đánh giá và đưa ra các kết quả tiếp đó. Nếu vẫn đúng với kết quả này thì cần phải có những định hướng chỉ đạo từ tỉnh Quảng Ninh để tuyên truyền, phổ biến và có biện pháp ngăn ngừa rủi ro.

Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trương sẽ tiếp tục thông tin.

Đăng Khôi (Thực hiện)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/quy-dinh-phap-luat-ve-viec-su-dung-dat-da-thai-mo-san-lap-mat-bang-nhu-the-nao-81174.html