Quy định mới về xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo: Không nhận đơn tố cáo có nhiều người ký

Từ ngày 11/10/2010, quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo sẽ có nhiều thay đổi so với trước đây. Xung quanh những điểm mới nổi bật về tiếp nhận, phân loại, đề xuất thụ lý giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được nêu trong Thông tư số 04 vừa được Thanh tra Chính phủ ban hành, PV ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Đại Tuấn - Phó chánh văn phòng Cơ quan Thanh tra Chính phủ để được giải thích rõ hơn.J

Thưa ông, vì sao theo quy định mới, những đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh có chữ ký của nhiều người sẽ không được coi là hợp lệ? Điều 8 Thông tư số 04/2010/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ quy định: Đơn khiếu nại có họ, tên, chữ ký của nhiều người thì cán bộ xử lý đơn đề xuất Thủ trưởng cơ quan chuyển trả đơn và toàn bộ tài liệu kèm theo (nếu có) cho người gửi đơn và hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại riêng của từng người, gửi đến cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc trả lại đơn được thực hiện theo mẫu nêu trong Thông tư số 04. Đây không phải là quy định mới mà là sự cụ thể hóa khoản 1, Điều 6, Nghị định 136/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo. Vậy quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo tại các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ có những thay đổi gì, thưa ông? Từ ngày 11/10/2010, việc tiếp nhận và xử lý đơn của cơ quan hành chính nhà nước các cấp được thực hiện thống nhất theo quy trình của Thông tư số 04, khắc phục tình trạng đơn chuyển lòng vòng. Đơn tố cáo hành vi gây thiệt hại, đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích nhà nước, cơ quan, tổ chức, tính mạng, tài sản của cá nhân thì cán bộ xử lý đơn phải kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất để Thủ trưởng cơ quan áp dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật hoặc thông báo cho cơ quan, người có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn, hạn chế, khắc phục hậu quả. Riêng đơn tố cáo Đảng viên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý được thực hiện theo Quyết định số 190-QĐ/TW ngày 29/9/2008 của Bộ Chính trị. Trên thực tế, có không ít giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vậy đối với loại đơn thư này, cơ quan có thẩm quyền sẽ giải quyết ra sao? Trong quá trình nghiên cứu đơn khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, nếu có căn cứ cho rằng trong quá trình giải quyết vụ việc khiếu nại có dấu hiệu vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, người bị khiếu nại hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có liên quan, lợi ích của nhà nước thì cán bộ xử lý đơn phải báo cáo để Thủ trưởng cơ quan xem xét, quyết định (theo Điều 10 Thông tư 04). Nhưng nếu cán bộ xử lý đơn không báo cáo lên cấp trên thì sao? Trong công tác xử lý đơn, việc quản lý, theo dõi hết sức chặt chẽ, phải theo một quy chế, quy định về quản lý. Mọi đề xuất của cán bộ xử lý đơn đều qua kiểm duyệt. Không có việc cán bộ xử lý tự ý không báo cáo lên cấp trên. Người dân đang rất quan tâm đến thời hạn xử lý đơn khiếu nại, tố cáo. Ông có thể cho biết, theo Thông tư mới, thời gian này là bao lâu? Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm xử lý đơn tiếp nhận được từ các nguồn theo quy định (đơn do cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp gửi đến thông qua người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, qua bộ phận tiếp nhận đơn của đơn vị, qua hộp thư góp ý, qua trụ sở tiếp công dân; đơn do đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam và các thành viên của Mặt trận, các cơ quan báo chí và các cơ quan khác chuyển đến; đơn gửi qua dịch vụ bưu chính) trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn. Việc xử lý đơn phải tuân theo quy định của pháp luật, đảm bảo tính khoa học, khách quan, trung thực, chính xác, kịp thời. Nhưng cần hiểu rõ để tránh nhầm lẫn việc xử lý đơn với việc giải quyết đơn là hai quá trình khác nhau. Do vậy thời hạn khác nhau. Xin cảm ơn ông! THIÊN LONG(THỰC HIỆN)

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com.vn/story.aspx?id=6004&lang=vn&zone=4&zoneparent=0