Quy định mới nhất các hạng giấy phép lái xe không thời hạn

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, giấy phép lái xe gồm có thời hạn và không thời hạn. Vậy giấy phép lái xe không thời hạn gồm những loại nào?

Giấy phép lái xe được cấp cho những đối tượng nào?

Tại Khoản 1 Điều 50 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ về giấy phép lái quy định, giấy phép lái xe được cấp cho người điều khiển xe môtô, xe ôtô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, phương tiện giao thông thông minh tham gia giao thông đường bộ.

Có những hạng giấy phép lái xe không thời hạn nào?

Theo Khoản 2, Điều 59 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định giấy phép lái xe không thời hạn bao gồm các hạng:

- Giấy phép lái xe hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 đến dưới 175cm3;

- Giấy phép lái xe hạng A2 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1;

- Giấy phép lái xe hạng A3 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 và các xe tương tự.

Theo quy định giấy phép lái xe hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh là loại giấy phép lái xe không thời hạn. Ảnh minh họa: TL

Các hạng giấy phép lái xe có thời hạn

Theo Khoản 4, Điều 59 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định giấy phép lái xe có thời hạn gồm các hạng:

- Hạng A4 cấp cho người lái máy kéo có trọng tải đến 1.000 kg;

- Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg;

- Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg;

- Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên và các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng B1, B2;

- Hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi và các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng B1, B2, C;

- Hạng E cấp cho người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi và các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D;

- Giấy phép lái xe hạng FB2, FD, FE cấp cho người lái xe đã có giấy phép lái xe hạng B2, D, E để lái các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng này khi kéo rơ moóc hoặc xe ô tô chở khách nối toa; hạng FC cấp cho người lái xe đã có giấy phép lái xe hạng C để lái các loại xe quy định cho hạng C khi kéo rơ moóc, đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc.

Giấy phép lái xe do cơ quan nào cấp?

Giấy phép lái xe (bằng lái xe) là một loại giấy phép, chứng chỉ do cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, cho phép người đó vận hành, lưu thông, tham gia giao thông bằng xe cơ giới các loại như xe máy, xe mô tô phân khối lớn, xe ô tô, xe tải, xe buýt, xe khách, xe container hoặc các loại hình xe khác trên đường bộ.

Căn cứ Điều 29 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lái xe gồm:

- Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Cấp giấy phép lái xe trong phạm vi cả nước.

- Sở Giao thông vận tải: Cấp giấy phép lái xe trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Giấy phép lái xe có thời hạn và không thời hạn có được tích hợp lại không?

Theo Điều 33 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT sửa đổi bởi Khoản 19, Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT quy định cá nhân nếu có nhu cầu tích hợp giấy phép lái xe, thì đăng ký vào đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe hoặc làm thủ tục đổi giấy phép lái xe theo quy định.

Do đó, người dân có thể tích hợp giấy phép lái xe có thời hạn và không thời hạn.

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/quy-dinh-moi-nhat-cac-hang-giay-phep-lai-xe-khong-thoi-han-172240415155651207.htm