Quy định cụ thể trách nhiệm của Thủ tướng với tập đoàn

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết Nghị đinh mới về quản lý DNNN sẽ quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Thủ tướng ở các tập đoàn, của bộ trưởng bộ quản lý chuyên ngành ở các tổng công ty.

-

Tại cuộc báo thường kỳ Chính phủ chiều 31/7, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết việc chuẩn bị xây dựng Nghị định mới về quản lý doạnh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được bàn nhiều lần từ năm 2009.

"Việc phân cấp, phân công nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn quản lý đối với các DNNN là một nội dung rất quan trọng trong nhiều nội dung của đề án tái cơ cấu DNNN, có một quá trình chuẩn bị dài", ông Đam nói.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam. Ảnh: Chung Hoàng

Các vấn đề chính, ông Đam nêu, là làm thế nào bỏ cơ chế chủ quản, tách quản lý nhà nước khỏi quản lý doanh nghiệp... "Sau khi luật Doanh nghiệp có hiệu lực, tất các các doanh nghiệp hoạt động theo luật này, song DNNN có những vai trò, nhiệm vụ và đặc thù riêng, dẫn đến tình trạng một số khâu, một số việc trong một số DNNN được quản lý không đủ chặt chẽ, đã có sai phạm xảy ra", Chủ nhiệm VPCP nói.

Ông Vũ Đức Đam phân tích: Nói DNNN thuộc sở hữu nhà nước là rất chung, vấn đề ở chỗ ai là đại diện chủ sở hữu nhà nước, không thể nói là chung là Chính phủ vì đây là một tập thể gồm Thủ tướng, các phó thủ tướng và các bộ trưởng, quy định quyền hạn của Chính phủ là một tập thể thì là những việc cụ thể gì, quyền hạn của Thủ tướng là những việc gì, đặc biệt là của bộ quản lý chuyên ngành vì vai trò này đang không rõ ràng sau khi xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản...

"Để tạo điều kiện chủ động cho doanh nghiệp, Hội đồng quản trị hay Hội đồng thành viên ở các tập đoàn được giao quyền đại diện chủ sở hữu trực tiếp, có rất nhiều quyền, dẫn đến khi kiểm tra, thanh tra thấy có sai phạm thì không rõ trách nhiệm của từng người, từng cơ quan trong cả bộ máy nhà nước mà chúng ta cứ quen gọi là chủ sở hữu", ông Đam nói.

"Đây là một vấn đề rất khó, nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi, nhưng tựu chung lại, Nghị định mới sẽ làm rất rõ trách nhiệm của Chính phủ với tư cách tập thể, của cá nhân Thủ tướng với vai trò người đứng đầu Chính phủ, của bộ trưởng bộ quản lý chuyên ngành, của HĐQT hay HĐTV của doanh nghiệp, bên cạnh đó là các bộ quản lý tổng hợp như Bộ Tài chính, KH-ĐT, Nội vụ…", Chủ nhiệm VPCP khẳng định.

Nghị định cũng sẽ phân định rõ các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là một số tập đoàn kinh tế chủ lực của nhà nước, để tăng cường quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của Thủ tướng, ở các tổng công ty thì nổi bật là vai trò của bộ trưởng bộ quản lý chuyên ngành.

Ông Vũ Đức Đam cũng cho biết trong quá trình thảo luận tại Chính phủ, một trong những giải pháp căn bản để nâng cao hiệu quả của các DNNN, trách nhiệm của các bộ ngành, được nêu lên là yêu cầu tất cả DNNN, nhất là các tập đoàn lớn, quan trọng tiến hành kiểm toán thường xuyên bởi các công ty kiểm toán được công nhận theo quy định của pháp luật. Kiểm toán nhà nước tùy khả năng về nhân lực và thời gian cũng có kế hoạch kiểm toán với các DNNN lớn.

"Đây là giải pháp cần thiết và là việc làm bình thường, Chính phủ khuyến khích không chỉ các DNNN mà cả các cơ quan nhà nước thường xuyên rà soát chi tiêu và việc sử dụng tài chính của mình để hiệu quả, tiết kiệm", Chủ nhiệm VPCP nói.

Dự thảo Nghị định sẽ sớm được chỉnh sửa và thông tin rộng rãi với nhân dân.

Chung Hoàng

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/83022/quy-dinh-cu-the-trach-nhiem-cua-thu-tuong-voi-tap-doan.html