Quy định chức danh nghề nghiệp giáo viên công lập: Đối phó và lãng phí !

Tháng 11-2015, Bộ GD&ĐT cùng Bộ Nội vụ ban hành các Thông tư (số 21, 22) quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên công lập. Căn cứ theo Thông tư này, việc phân loại giáo viên thành từng hạng, ngoài bằng cấp chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm thì phải có các chứng chỉ kèm theo về tin học, ngoại ngữ. Việc nâng bậc lương căn cứ vào từng cấp hạng chức danh nghề nghiệp buộc phải có các chứng chỉ về tin học, ngoại ngữ đã khiến không ít giáo viên rơi vào cảnh, cuống cuồng đi học. Nhưng thời gian, tiền bạc, tâm trí và trình độ khó mà có thể học cho đạt được chứng chỉ…

Theo quy định trong Thông tư nêu rõ, xếp hạng giáo viên các cấp quy định: Thấp nhất giáo viên các cấp phải có trình độ tiếng Anh A1 (tiểu học, THCS), A2, B1 (THPT) theo khung quy chuẩn tham chiếu châu Âu. Giáo viên đang dạy tiếng Anh tại các trường phổ thông phải có chứng chỉ B2, C1 tùy theo cấp học. Thông tư cũng yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ A1, A2, B1 tiếng Anh thì mới được chuyển xếp lương, được duy trì vị trí dạy học, đảm bảo đầu vào học thạc sĩ.

Bắt giáo viên đi học trong khi cầm chứng chỉ về chưa biết sử dụng vào việc gì sẽ nảy sinh đối phó bằng cách mua bằng cấp, mua chứng chỉ. Ảnh tư liệu

Cả hai vợ chồng anh Hoàng, chị Lan đều là giáo viên THCS một huyện ngoại thành Hà Nội. Từ khi có thông tư nêu trên, anh chị đã lo lắng khá nhiều. Cả hai vợ chồng đã ngoài 40 tuổi, đều không dạy ngoại ngữ hay tin học, giờ đây đi học lại tiếng Anh để có thể đủ điều kiện thi thăng hạng nghề nghiệp là điều dù bất khả thi nhưng đành phải cố. Việc cố đầu tiên là lo kinh phí, vì phải tự lo nên việc cả hai vợ chồng đi học cũng là bài toán nan giải với đồng lương giáo viên, trung bình mỗi chứng chỉ có chi phí từ 3-7 triệu đồng (cả tiền thi và ôn thi) nhân lên với 4 chứng chỉ cũng là một con số không nhỏ. Bên cạnh đó, công việc tại trường cũng đã ngốn khá nhiều thời gian nên anh chị còn đang chưa biết phải bố trí thế nào. Tạm thời, chị Lan “nhường” chồng đi học với lí do anh ấy có cơ hội phấn đấu. Còn mình, thì chị Lan cho hay, cũng đã ngấp nghé tuổi về hưu, hơn nữa học cũng không thể vào được nên bỏ tiền đi học thì rất lãng phí. Nên giờ chị Lan cho hay, cứ để “nước đến đâu, nhảy tới đó”, “cùng lắm là không được tăng lương, nâng hạng hoặc mất việc.

Tâm lý của chị Lan cũng đồng điệu với ý kiến của rất nhiều thầy cô giáo, với hàng chục năm thâm niên công tác, khi họ đã ở độ tuổi U50, giờ bắt phải đi học tiếng Anh khác nào đánh đố. Ngoài ra, còn các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thì yêu cầu này còn khó hơn gấp bội.

Bên cạnh đó, một số quy định trong các Thông tư nêu trên còn khá làm khó giáo viên. Để đạt được giáo viên hạng I đối với bậc THPT không phải là dễ dàng vì đòi hỏi giáo viên phải có bằng tốt nghiệp thạc sĩ đúng hoặc phù hợp với môn học giảng dạy trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm (nếu không có bằng ĐH Sư phạm); đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc.

Một thầy giáo dạy THCS tại một trường của quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, đối chiếu với Thông tư liên tịch của Bộ, thì bằng CĐ Sư phạm và mức lương mà thầy đang được hưởng hiện nay tương ứng với giáo viên THCS hạng III . Để lên được giáo viên hạng II, hạng I, thầy cần phải nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, mà trước mắt là đạt trình độ ĐH Sư phạm đúng chuyên ngành; Có trình độ ngoại ngữ bậc 2, 3; có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản… Vậy, làm thế nào thầy có thể theo kịp những yêu cầu đặt ra, nếu không phải nỗ lực tìm cách đối phó. Thậm chí, trong những phương án “đối phó”, có người đã gợi ý cho thầy cả cách “mua” chứng chỉ cho nhanh, chứ nếu đi học còn lâu thầy mới thi được chứng chỉ. Thầy cũng cho biết, ngay cả với những giáo viên dù không nằm trong số giáo viên được xét chuyển ngạch lương nhưng vẫn lo lắng và tìm địa điểm đăng kí học vì họ sợ nếu không có chứng chỉ ngoại ngữ sẽ bị luân chuyển đi nơi khác. Bởi, theo quy định, nếu không có chứng chỉ thì không được thăng hạng nghề nghiệp, nếu cứ ung dung không lo thăng hạng, sau đây, Bộ lại có Thông tư về việc yêu cầu về tỉ lệ giáo viên hạng cao, vậy các giáo viên hạng thấp sẽ “đi đâu, về đâu”?!

Nhu cầu gấp và cấp bách cộng với việc phần lớn giáo viên đều xác định là đi học, đi thi nhưng kết quả sẽ không khả quan có thể sẽ vô tình tiếp tay cho tiêu cực. Nhiều ý kiến cho rằng, giáo viên không dạy ngoại ngữ chỉ cần biết ngoại ngữ đủ để giao tiếp thông thường là được. Vì thế, không nhất thiết bắt buộc họ phải đi học để lấy bằng được cái chứng chỉ mới đạt chuẩn để nâng ngạch, xếp lương. Bắt họ đi học trong khi cầm chứng chỉ về chưa biết sử dụng vào việc gì sẽ nảy sinh đối phó bằng cách mua bằng cấp, mua chứng chỉ. Câu hỏi đặt ra rằng, việc Bộ GD&ĐT đòi hỏi một tờ chứng chỉ là cơ sở để tăng lương giáo viên. Điều này có thực sự nâng cao được trình độ chuyên môn nghiệp vụ sư phạm của các nhà giáo hay lại tạo điều kiện cho cơ chế mua – bán bằng cấp, chứng chỉ hoành hành?!

Theo lí giải của Bộ GD&ĐT, tất cả giáo viên đang ở các ngạch giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT đều được chuyển xếp vào các hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng và được hưởng chế độ lương như cũ mà không có yêu cầu thêm về bất cứ điều kiện nào khác. Về bậc lương và việc nâng lương định kì đều không bị ảnh hưởng. Riêng về các trường hợp giáo viên muốn được thăng hạng chức danh nghề nghiệp (từ hạng đang giữ lên hạng cao hơn) thì phải đảm bảo có đủ các tiêu chuẩn theo quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở hạng muốn thăng. Do vậy, giáo viên phải tự học hoặc tham gia bồi dưỡng để có đủ năng lực và trình độ theo các tiêu chuẩn chức danh quy định, đáp ứng được những nhiệm vụ của hạng nghề nghiệp cao hơn. Nếu những viên chức này không đáp ứng tiêu chuẩn ở hạng cao hơn thì không được thăng hạng nhưng vẫn đảm bảo được tăng lương theo định kì và được hưởng lương vượt khung theo quy định. Như vậy, quyền lợi của giáo viên không bị ảnh hưởng. Hiện, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ triển khai xây dựng chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp, cho từng hạng. Chương trình sẽ là căn cứ pháp lí để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phát triển tài liệu, tổ chức các khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Những giáo viên có đủ điều kiện và có nhu cầu thăng hạng sẽ tham gia bồi dưỡng theo chương trình này.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng một lần nữa khẳng định, giáo viên có trách nhiệm và được cơ quan tạo điều kiện để học tập, bồi dưỡng nhằm hoàn thiện các tiêu chuẩn còn chưa đạt. Việc hoàn thiện các tiêu chuẩn này là điều kiện tiên quyết để giáo viên được thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo hướng dẫn tiếp theo của Sở Nội vụ.

Xuân Thanh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giao-duc/doi-pho-va-lang-phi-119352