Quy định 'bán điện mặt trời 0 đồng' làm hạn chế phát triển năng lượng tái tạo

Những hộ dân lắp đặt và sử dụng điện mặt trời muốn bán cho đơn vị điện lực. Nếu bên điện lực không mua phần công suất dư thừa này thì rất lãng phí điện, kìm hãm phát triển năng lượng sạch.

Thiếu điện nhưng vẫn nói "không" với điện mặt trời

Điện mặt trời mái nhà có liên kết với lưới điện quốc gia để tự sử dụng, sản lượng dư không bán được cho hàng xóm, nếu phát lên lưới cũng chỉ được ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng. Đổi lại, nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân đầu tư điện mặt trời mái nhà được bám lưới điện, được liên kết với lưới điện quốc gia để điện mặt trời được vận hành, hoạt động ổn định.

Cần cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà.

Đó là một trong những nội dung Bộ Công thương xin ý kiến cụ thể liên quan đến dự thảo hồ sơ đề xuất xây dựng nghị định của Chính phủ quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà.

Mới đây, Bộ Công thương đề nghị EVN đề xuất việc đầu tư thêm đường dây truyền tải mới từ Lào về Việt Nam trên cơ sở nhu cầu, khả năng nhập điện từ nước bạn. Ngoài ra, EVN được yêu cầu trong quý I/2024 trình Chính phủ cơ chế giá điện nhập khẩu từ Lào. Việc này nhằm tăng công suất, lượng điện nhập khẩu từ Lào về Việt Nam, bổ sung nguồn điện cho miền Bắc, nhất là vào cao điểm mùa khô, khi chưa có dự án nguồn điện lớn nào vận hành tới 2025.

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh - cho rằng nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà là thực tế, đặc biệt là với doanh nghiệp. Nhu cầu này nhằm đáp ứng, tự chủ một phần nguồn năng lượng, cũng như cung ứng nguồn điện sạch phục vụ cho sản xuất xanh.

Tuy nhiên, cơ chế mới được Bộ Công Thương đưa ra không mang tính khuyến khích đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Bởi nếu đầu tư điện mặt trời áp mái, doanh nghiệp sẽ bị mất phần sản lượng đưa lên hệ thống điện quốc gia do không được ghi nhận và thanh toán chi phí. Vì vậy, ông Sơn cho rằng có thể nghiên cứu cơ chế bù trừ hoặc mua với giá thấp điểm, vừa góp phần tạo ra dòng tiền và tạo động lực cho doanh nghiệp lắp đặt hệ thống. Muốn làm được điều này thì Chính phủ phải có chính sách tháo gỡ đồng bộ.

Kìm hãm phát triển năng lượng sạch

TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng, nguyên cán bộ Bộ Công thương nhận xét mặc dù Bộ Công thương đã có ghi chú là các đề xuất này cần tiếp tục nghiên cứu và xin ý kiến cơ quan quản lý, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng dự thảo không giải thích vì sao quy định không cho bán điện, và phát lên lưới ghi nhận sản lượng giá 0 đồng… Thế nên, tên gọi dự thảo nghị định là khuyến khích, trong thực tế là chưa mang tính chất khuyến khích. Lẽ ra Bộ Công thương phải giải thích tại sao không cho bán điện phát lên lưới, tại sao những vùng có năng lượng mặt trời nhiều lại không cho phát triển?

Theo ông Lâm, hiện có 2 ràng buộc, thậm chí nhà làm chính sách bị "mắc kẹt" bởi quy định liên quan phát điện mặt trời. Đó là Quy hoạch Điện 8 (QHĐ8) và luật Điện lực. QHĐ8 đã cố định sản lượng điện mặt trời mái nhà đấu nối với lưới điện quốc gia, không bán điện vào hệ thống có tổng công suất từ nay đến năm 2030 là 2.600 MW. Nếu thực hiện các dự án đang có sẵn, đã thấy thừa, không thiếu. Vấn đề là quy hoạch điện 8 đã hợp lý chưa? Nếu chưa và nhìn thấy tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo là rất lớn, tại sao Bộ Công thương không đề xuất điều chỉnh quy hoạch điện 8?

Thứ hai là luật Điện lực quy định việc đầu tư bán điện phải có giấy phép hoạt động điện lực với nhiều ràng buộc công suất, trình độ chuyên môn, có giấy phép kinh doanh điện… Nên nếu cá nhân, tổ chức không có giấy phép, thì không thể bán điện. Trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện vào mùa nóng cao, VN tiến đến tăng sản lượng điện tái tạo…, quy định vậy đã hợp lý chưa, có bảo đảm yếu tố khuyến khích chưa? Nếu chưa, phải sửa đổi gấp luật Điện lực và quy hoạch điện 8.

Những ràng buộc này trong thực tế là chủ quan của chúng ta, nay thiếu điện, nhân dân tự làm điện nhiều hơn, vượt sản lượng đưa ra trong quy hoạch điện 8, phải tính toán để điều chỉnh cập nhật ngay, song song với công tác xây dựng dự thảo nghị định khuyến khích điện mặt trời mái nhà. Ngoài ra, liên quan cho phép bán điện cho hàng xóm theo luật Điện lực là phải có giấy phép. Muốn vậy, người dân phải xin giấy phép kinh doanh rồi báo cáo tài chính, pháp nhân, thủ tục khá phức tạp. Trong khi nhu cầu chỉ là nhà này thừa điện dùng, chia sẻ với nhà bên cạnh mà thôi, người dân không có nhu cầu làm kinh doanh… Vậy cần sửa đổi quy định cho đơn giản, phù hợp nhu cầu thực tế.

Theo chuyên gia, với vai trò tham mưu cho Chính phủ, Bộ Công thương cần quyết liệt hơn, không nên chọn cách làm an toàn quá và có luận cứ với tầm nhìn dài hơn để xây dựng cơ chế, tránh ban hành chưa ráo mực lại phải sửa đổi, bổ sung.

Ông Lâm nhấn mạnh quy định không sai nhưng lại hạn chế sự phát triển năng lượng tái tạo. Thậm chí, phải đề xuất điều chỉnh quy hoạch, làm lưới điện để người dân có thể bán điện cho hàng xóm. Mùa hè năm sau gần đến rồi, nguy cơ thiếu điện còn đó, đừng để nước đến chân mới nhảy. Theo ông Lâm, Thủ tướng phải có ý kiến về vấn đề này sớm. Yêu cầu Bộ tổng hợp lại nhu cầu khai thác điện mặt trời từ người dân được bao nhiêu, lưới điện quốc gia có khả năng tải không, từ đó cho phép người dân có điện dư dùng phát lên lưới và được trả tiền.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/quy-dinh-ban-dien-mat-troi-0-dong-lam-han-che-phat-trien-nang-luong-tai-tao-169231212092208476.htm