Quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ: Hướng đến sự phát triển chung của GD&ĐT

GD&TĐ - TS Trương Tiến Tùng - Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội - cho rằng: Quy chế thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 hội tụ đầy đủ những ý kiến góp ý từ các chuyên gia tuyển sinh, các nhà giáo dục, người học… theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh thi tại địa phương, đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan, hạn chế học lệch, đồng thời có thể làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.

Bộ GD&ĐT đã rất cầu thị

Bộ GD&ĐT vừa ban hành các quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017. Xin ông cho biết nhận định của mình về những nội dung này?

Tôi thường xuyên theo dõi thông tin về việc xây dựng Quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ từ khi còn là các dự thảo. Rất nhiều ý kiến của các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia và trực tiếp các thầy, cô giáo đang đứng lớp góp ý xây dựng. Đây đều là những ý kiến chân thành từ những hiểu biết thực tiễn cơ sở. Phải nói việc Bộ GD&ĐT tham khảo ý kiến rộng rãi của học sinh, phụ huynh và các tầng lớp xã hội khác là việc làm hết sức cầu thị.

Đến nay, quy chế chính thức đã được ban hành, xã hội, các nhà trường, đặc biệt đối tượng chính của kỳ thi là thí sinh đều đánh giá cao những nội dung của quy chế: Hết sức đầy đủ, đảm bảo được những yêu cầu từ phổ quát đến chi tiết. Ở thời điểm này tôi cho rằng quy chế như thế đã đảm bảo được việc đánh giá học sinh cũng như giúp các trường ĐH, CĐ xét tuyển theo đúng yêu cầu, mục đích tuyển chọn của mình và quan trọng nhất là tính khả thi. Tất nhiên, với những trường đặc thù riêng thì quy chế cũng cho phép có độ mở theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục đại học: Tạo tự chủ tối đa cho các cơ sở giáo dục đại học.

Vẫn còn những băn khoăn về việc 2 môn thi trắc nghiệm tổng hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, quan điểm của ông về việc này thế nào?

Cần phải thấy rằng đổi mới nào cũng sẽ khó khăn, nhưng chúng ta phải thấy: Thứ nhất hình thức thi trắc nghiệm của các môn thi thí sinh đã được làm quen trong những năm gần đây; Thứ hai việc tổng hợp lại nhằm để tiết kiệm thời gian cho thí sinh mà vẫn đánh giá được toàn diện năng lực của thí sinh, điểm này rõ ràng tốt hơn; Thứ ba việc thi để đánh giá năng lực đã được thực hiện tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Chính ba yếu tố trên nói đến tính khả thi của quy chế.

Trở lại với nội dung thi trắc nghiệm trong đề thi THPT quốc gia năm nay, theo như quy chế nói rõ: Đề thi bám sát yêu cầu của chương trình đào tạo và nằm trong chương trình lớp 12. Đánh giá một cách khách quan là cách thức thi này chắc chắn sẽ hiệu quả hơn với cách thức cũ, sẽ giúp đánh giá chính xác năng lực, kiến thức của người học, hạn chế được tình trạng gian lận trong thi cử, tiết kiệm thời gian. Đặc biệt việc công khai kết quả sau khi thi và loại bỏ tình trạng thi cử căng thẳng, dồn dập như hiện nay.

Cơ hội để thay đổi cách dạy, cách học

Vậy có lo lắng về việc thí sinh chưa quen với cách thức thi này dẫn đến kết quả không cao như những năm trước không, thưa ông?

Tôi lại không đánh giá cao lắm với những kết quả mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước đây luôn có tới 99% tỷ lệ đỗ, năm nào mà địa phương có tỷ lệ đỗ thấp là ngành Giáo dục địa phương đó lo lắng lắm. Vậy kết quả 99% có đáng tin không, chúng ta đang chạy theo thành tích dẫn tới tỷ lệ tốt nghiệp quá cao một cách vô lý.

Cần phải thấy rằng thi THPT quốc gia đây không phải là kỳ thi tuyển chọn nhân tài mà kỳ thi phân loại dành cho số đông. Vậy nên các nội dung thi cần làm thế nào để đánh giá toàn diện học sinh nhất ở hầu hết các môn học. Năm nay, việc Bộ GD&ĐT quy định 5 bài thi với 3 môn là Toán - Ngữ văn - Ngoại ngữ, cùng 2 bài thi tổng hợp KHTN và KHXH, trong đó đa phần là thi trắc nghiệm, sẽ giúp đánh giá chính xác năng lực người học. Còn kết quả như thế nào thì cũng tốt, nếu kết quả cao ta sẽ đẩy mạnh hơn, còn nếu chưa được như ý muốn thì đây cũng là dịp để đánh giá, thay đổi cách dạy và học trong trường phổ thông mạnh mẽ hơn nữa.

Kết quả thi sẽ còn để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, thưa ông?

Tôi xin nhắc lại là kỳ thi tốt nghiệp THPT là để đánh giá tổng quát sức học của thí sinh một cách căn bản nhất chứ không phải là kỳ thi chọn nhân tài nên kỳ thi này không cần phải quá chi tiết đi vào đánh giá năng lực học tập từng người ở từng môn học. Thế nên thi trắc nghiệm với đa số bài thi cũng sẽ là phù hợp nhất.

Còn việc lựa chọn xét tuyển các thí sinh tốt nghiệp này vào các trường ĐH, CĐ đó là quyền của các trường, Luật Giáo dục đại học đã cho phép các trường tự chủ trong việc đó. Các trường hoàn toàn có thể chủ động xây dựng các phương án xét tuyển cho riêng mình, căn cứ vào năng lực đào tạo và thứ hạng của mỗi trường, được xét tuyển nhiều đợt trong năm. Với những trường đào tạo đặc thù, thì việc đưa ra các tiêu chí bổ sung nhằm phân loại đánh giá cũng là quyền của mỗi trường.

Xin cám ơn ông!

“Những nội dung ban hành trong Quy chế thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố đã kế thừa kinh nghiệm từ những kỳ thi THPT quốc gia những năm vừa qua, nhất là kỳ thi năm 2015, 2016. Phải nói việc Bộ GD&ĐT tham khảo ý kiến rộng rãi của học sinh, phụ huynh và các tầng lớp xã hội khác là việc làm hết sức cầu thị”.

TS Trương Tiến Tùng

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/quy-che-thi-thpt-quoc-gia-va-tuyen-sinh-dh-cd-huong-den-su-phat-trien-chung-cua-gddt-2900741-b.html