Quý 2/2017: Hơn 183.000 cử nhân đại học thất nghiệp

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, một số ngành đào tạo đại học tại Việt Nam có tỷ lệ thất nghiệp cao ngất ngưởng, cộng thêm việc chưa tìm hiểu kỹ lưỡng yêu cầu của các công ty tuyển dụng khiến nhiều sinh viên sau khi ra trường vẫn chơi vơi trên con thuyền 'tìm kiếm việc làm'.

Bản tin Thị trường lao động việc làm quý 2/2017 do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố mới đây cho thấy lao động có trình độ đại học trở lên vẫn tiếp tục dẫn đầu về tỷ lệ thất nghiệp, với số lượng hơn 183.000 cử nhân. Về thị trường tuyển dụng, chỉ có 254.000 chỗ làm được các doanh nghiệp đăng để tuyển dụng (giảm 7,2% so với quý liền trước).

Qua tìm hiểu thực tế về tình trạng việc làm tại địa bàn TP.HCM, không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học một thời gian dài vẫn rơi vào tình trạng thất nghiệp nên tìm đến cách giải quyết “cứu lửa” là làm nhân viên phục vụ bán thời gian tại các cửa hàng tiện lợi để có tiền trang trải cuộc sống. Thậm chí nhiều bạn còn làm những công việc không đòi hỏi trình độ đại học ở các khu công nghiệp cao như lắp ráp linh kiện điện tử, công nhân may...

Quý 2/2017, cả nước có 183.100 cử nhân rơi vào tình trạng thất nghiệp, tăng 44.200 người so với quý 1.

Nguyễn Thị Mỹ, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, đã tốt nghiệp ngành tâm lý học năm 2015 nhưng cho đến thời điểm này, Mỹ vẫn chưa xin được việc. Trao đổi với phóng viên trong một cuộc gặp gỡ tại trung tâm giới thiệu việc làm của thành phố, Mỹ chia sẻ: “Tôi đến đây tìm hiểu thị trường lao động để mong muốn có được một cơ hội làm việc. Thời gian qua, tôi đã rất chật vật trong việc tìm việc làm đúng với chuyên ngành đã được học. Tuy nhiên, có quá nhiều chi phí phải trả nên tạm thời tôi đã xin làm công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung, Q.Thủ Đức với hồ sơ xin việc khai rằng mới chỉ tốt nghiệp bậc trung học phổ thông”.

Khi tôi hỏi tại sao Mỹ không nộp hồ sơ xin việc tại các bệnh viện hay trung tâm giáo dục để thử sức ở các lĩnh vực về tư vấn tâm lý? Lúc này Mỹ mới trải lòng rằng: “Thực tế là tôi và nhiều bạn bè của mình vẫn đang cất tấm bằng tốt nghiệp đại học trong tủ. Đơn giản vì việc tìm đến các chuyên gia tư vấn tâm lý để gỡ rối các vấn đề cảm xúc, hành vi, căng thẳng… là chuyện còn xa lạ với người Việt. Hơn nữa, tại các bệnh viện, trung tâm giáo dục lại yêu cầu bằng cấp cao hơn và phải có trình độ ngoại ngữ nên tôi chưa có cơ hội làm việc ở những nơi này”.

Nói đến con số hàng ngàn sinh viên sau khi ra trường bị thất nghiệp, thầy Nguyễn Văn Hiệp, giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho biết nguyên nhân các cử nhân sau khi ra trường không kiếm được công việc phù hợp với bản thân có thể xuất phát từ nhiều lý do. Có thể việc lựa chọn ngành nghề ngay từ đầu chưa phù hợp do các sinh viên nghe theo định hướng của bố mẹ. Chính vì thế, khi học ngành không yêu thích nên các em không có hứng thú học tập, điều này kéo theo kết quả rèn luyện thấp là điều dễ hiểu. Thứ hai, nhiều sinh viên không nắm rõ được các doanh nghiệp họ đang cần loại lao động nào, trình độ nào để hướng đến.

“Trong chương trình đào tạo đại học, nhà trường luôn yêu cầu sinh viên phải có các tín chỉ thực tập, kiến tập, tham quan thực tế... Bên cạnh đó, các khoa, bộ môn cũng đang triển khai việc cho sinh viên được trải nghiệm và áp dụng các kiến thức chuyên ngành tại các khóa huấn luyện thực tế để các em có được cái nhìn cụ thể nhất đối với nghề mình đang học. Từ đó, bản thân sinh viên sẽ tự đúc kết những kinh nghiệm và hoàn thiện bản thân để có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nhà tuyển dụng đưa ra” - thầy Hiệp cho biết thêm.

Theo phân tích của anh Nguyễn Trọng Hoàng, cán bộ của Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên TP.HCM, hiện nay các nhà tuyển dụng ngoài đòi hỏi về chuyên môn, tay nghề còn muốn tìm kiếm những ứng viên có trình độ về ngoại ngữ và có một số các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình... Không chỉ vậy, nhà tuyển dụng còn "chọn mặt gửi vàng" những bạn hội tụ các tố chất như luôn biết cố gắng, phấn đấu và nhiệt huyết với nghề, ham học hỏi, chịu được áp lực cao của công việc, có tinh thần trách nhiệm cao...

Bài, ảnh: Ngọc Mai

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/quy-22017-hon-183000-cu-nhan-dai-hoc-that-nghiep-d61888.html