Quốc tế chung tay hỗ trợ Pakistan khắc phục hậu quả lũ lụt

Hỗ trợ đang đổ về Pakistan từ khắp nơi trên thế giới trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang vật lộn với thảm họa lũ lụt lịch sử.

Mưa lũ diện rộng ở Pakistan kéo dài từ tháng 6 tới nay đã khiến 1/3 diện tích nước này bị nhấn chìm hoàn toàn, gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và của. Thủ tướng Pakistan Shahbaz Sharif trong phát biểu mới đây chia sẻ ông chưa bao giờ chứng kiến thiên tai cực đoan như vậy và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Pakistan tái thiết.

Ông Peter Ophoff, người đứng đầu Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) ở Pakistan, nhấn mạnh nước này đang rất cần sự giúp đỡ của các nước trên thế giới nhằm ứng phó với thiệt hại. “Những ảnh hưởng của thảm họa thiên tai lần này sẽ không phải mất hàng tháng mà là hàng năm để khắc phục” - ông Ophoff khẳng định.

Một con đường bị nước lũ phá hủy ở TP Madyan, phía bắc Pakistan ngày 31-8. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Một con đường bị nước lũ phá hủy ở TP Madyan, phía bắc Pakistan ngày 31-8. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Nhiều quốc gia và tổ chức đáp lời

Trước mắt, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã lên tiếng kêu gọi các nước hỗ trợ 160 triệu USD khẩn cấp để giúp Pakistan ứng phó hậu quả của lũ lụt. Theo ông Guterres, số tiền này sẽ được dùng để cung cấp thực phẩm, nước uống, vệ sinh và y tế cho khoảng 5,2 triệu người. Ông cũng sẽ trực tiếp đến thăm Pakistan vào ngày 9-9 tới để gặp gỡ các nạn nhân và tìm cách phối hợp với các đối tác nhân đạo khác, theo đài CNN.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hỗ trợ 1,17 tỉ USD trong quỹ cứu trợ nhằm ngăn chặn kịch bản Pakistan vỡ nợ khi vừa phải vật lộn với tình trạng bất ổn chính trị và kinh tế, vừa đối phó thiên tai.

Ngày 30-8, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cũng thông báo sẽ gửi 30 triệu USD hỗ trợ nhân đạo nhằm ứng phó diễn biến lũ lụt ở Pakistan.

“Với những khoản tiền này, các đối tác của USAID sẽ ưu tiên hỗ trợ khẩn cấp về thực phẩm, dinh dưỡng, tiền mặt, nguồn nước an toàn, cải thiện điều kiện vệ sinh và hỗ trợ nơi ở cho cư dân” - thông cáo của USAID nêu rõ. Các chuyên gia của USAID đã đến thủ đô Islamabad để đánh giá tác động của lũ lụt và phối hợp hỗ trợ trên thực địa. Một số đồng minh của Mỹ như Anh, Canada, Úc cũng đã lên tiếng sẽ sớm hỗ trợ tài chính cho Pakistan trong thời gian tới.

Trong một tuyên bố khác vào ngày 30-8, quân đội Pakistan cho biết công tác cứu hộ đang được sự hỗ trợ từ một số nước khác, như Thổ Nhĩ Kỳ gửi sang bảy máy bay quân sự, trong khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) gửi ba chiếc. Trung Quốc đã huy động hai máy bay quân sự chở 3.000 lều, Nhật đã gửi các tấm bạt và hầm trú ẩn di động đến Pakistan.

Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia (NDMA) Pakistan, đến nay số người thiệt mạng đã lên đến hơn 1.162, trong khi số người bị thương là khoảng 3.554. Trong khi đó, số người bị ảnh hưởng trong các trận lũ lụt là hơn 33 triệu.

Pakistan - nạn nhân của biến đổi khí hậu toàn cầu

Theo ông Guterres, những hình ảnh nước lũ tràn xuống đường phố Pakistan và tàn phá nhà cửa là một lời nhắc nhở rõ ràng về sự bất bình đẳng của khủng hoảng khí hậu, tác động không cân xứng đến thế giới đang gia tăng. Các quốc gia phát triển phải có trách nhiệm hỗ trợ những nước đang phát triển ứng phó vì đây là vấn đề toàn cầu.

“Chúng ta đang tiếp tục chứng kiến ngày càng nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan trên khắp thế giới vì tình trạng phát thải khí carbon dioxide gây ra hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu ngày càng gia tăng và nguy hiểm. Thế giới hãy ngừng mộng du, ngăn chặn mối nguy hiểm gây ra hủy diệt hành tinh của chúng ta bởi tác động của biến đổi khí hậu. Hôm nay là Pakistan, ngày mai có thể là đất nước của bạn” - người đứng đầu Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.

Vào năm ngoái, chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu của tổ chức phi lợi nhuận Germanwatch (Đức) xếp Pakistan vào nhóm những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu toàn cầu. Người dân sống ở các điểm nóng tại Nam Á như Pakistan có nguy cơ tử vong do tác động của khủng hoảng khí hậu cao gấp 15 lần so với những khu vực khác.

“Đây là cuộc khủng hoảng khí hậu. Công nghiệp hóa ở các nước phát triển đang tác động nghiêm trọng đến những nước nghèo hơn. Tôi cho rằng đã đến lúc thế giới nên hưởng ứng hỗ trợ Pakistan trong thời điểm cần thiết này” - ông Abdullah Fadil, đại diện của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Pakistan, cho biết.

Trong một tuyên bố ngày 30-8, Giám đốc Ủy ban Cứu hộ Quốc tế (IRC) tại Pakistan Shabnam Baloch cho biết Pakistan chỉ gây ra khoảng 1% lượng khí thải carbon trên thế giới nhưng những tác động của biến đổi khí hậu đến nước này rất nặng nề. Ở hiện tại, ông Baloch khẳng định việc thiếu cơ sở vệ sinh và nước uống sạch đã làm trầm trọng thêm nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các khu vực bị ngập lụt, với khoảng 20.000 người đang rất cần nguồn cung cấp thực phẩm và hỗ trợ y tế.

“Ở tình hình hiện tại, các ca tiêu chảy, nhiễm trùng da, sốt rét và các bệnh khác đang ngày càng gia tăng ở Pakistan. Chúng tôi đang khẩn trương yêu cầu các nhà tài trợ tăng cường hỗ trợ và giúp chúng tôi cứu sống” - ông Baloch cho hay.•

Cần năm năm để tái thiết Pakistan

Thủ tướng Pakistan Shahbaz Sharif cho biết đất nước ông cần ít nhất 10 tỉ USD để khôi phục cơ sở hạ tầng và cứu trợ người dân. Theo hãng tin Reuters, đây cũng là con số ước tính thiệt hại mà chính quyền Pakistan đưa ra do hậu quả của đợt lũ lụt lịch sử. Nhiều vùng trồng trọt ở tỉnh Sindh và Balochistan hiện chìm trong biển nước, trong khi ở phía bắc, nhiều cầu, đường bị lũ cuốn đi.

“Tôi nghĩ rằng thiệt hại sẽ rất lớn. Đến nay ước tính rất sơ bộ cho rằng thiệt hại hơn 10 tỉ USD” - Bộ trưởng Quy hoạch, Phát triển và Cải cách Ahsan Iqbal phát biểu hôm 30-8. Ông cho biết gần 1 triệu ngôi nhà đã bị thiệt hại và nhiều người mất kế sinh nhai. Bộ trưởng Iqbal cho rằng đợt lũ vừa qua còn tồi tệ hơn đợt lũ năm 2010 mà Liên Hợp Quốc từng kêu gọi hỗ trợ quy mô lớn nhất trong thảm họa.

Ông cho rằng cần năm năm để tái thiết và phục hồi đất nước, trong khi trước mắt cần đối phó tình trạng khẩn cấp về thiếu lương thực.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te-chung-tay-ho-tro-pakistan-khac-phuc-hau-qua-lu-lut-post696578.html