'Quên' đẻ: Hội chứng nhiều phụ nữ đang gặp phải

'Chúng tôi gọi là hội chứng 'quên đẻ' ở một số phụ nữ, vì trì hoãn kết hôn và mang thai. Vào lúc họ muốn sinh con thì tuổi tác là rào cản', bác sĩ Dương cho biết.

Một nữ tiến sĩ ngành hóa học 45 tuổi gạt nước mắt nói với bác sĩ “giá đổi được bằng tiến sĩ lấy con tôi cũng sẵn lòng”. TTND.PGS.TS.BS Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chia sẻ về trường hợp nữ tiến sĩ ngành hóa học tên X. (Hà Nội) gặp phải.

Chị là một trong số nhiều những bệnh nhân lớn tuổi đến khám và điều trị vô sinh hiếm muộn tại IVF Tâm Anh sau thời gian dài nỗ lực đầu tư cho học tập và sự nghiệp, tạm gác việc kết hôn và sinh đẻ.

Chị X. kết hôn muộn ở tuổi 43 sau gần 20 năm học tập, nghiên cứu và phấn đấu. Nghĩ vướng bận con cái sẽ khó khăn theo đuổi đam mê, thêm nữa sinh con khi tài chính chưa vững vàng con cái thiệt thòi, chị X. lựa chọn đầu tư cho sự nghiệp trước.

Mải mê theo đuổi mục tiêu, đến lúc là tiến sĩ, có vị trí nhất định, tài chính ổn định thì chị đã 40. Lúc này cơ hội kết hôn giảm đi, 43 tuổi chị X. mới chọn được người phù hợp và lập gia đình.

Hai năm kết hôn không có thai tự nhiên, chị X. thổ lộ giấc mơ lớn nhất bây giờ là được… làm mẹ. Sau một năm đã khám và điều trị ở một số đơn vị hỗ trợ sinh sản không có kết quả, cảm thấy thời gian cũng đã gấp gáp, chị tìm đến vị chuyên gia nổi tiếng điều trị cho các bệnh nhân hiếm muộn lớn tuổi PGS Lê Hoàng với hy vọng có phép màu.

Người phụ nữ thành đạt khẩn nài “tôi cố gắng học tiến sĩ, lo ổn định tài chính giờ nhờ bác sĩ giúp tôi có con bằng mọi giá”.

Qua thăm khám, bác sĩ nhận định, chỉ số dự trữ buồng trứng AMH của chị X. chạm đáy chỉ 0,1ng/ml, hai buồng trứng teo nhỏ.

Cách đây một năm chị X. có hiện tượng kinh nguyệt thưa dần, lượng kinh rất ít. Phác đồ kích nhẹ buồng trứng là ‘cứu cánh’ cho nhiều trường hợp phụ nữ lớn tuổi, suy giảm buồng trứng. Thế nhưng, sau 2 lần kích nhẹ chị X. chỉ thu được 3 nang trống, không có noãn để thụ tinh ống nghiệm tạo phôi. Cách duy nhất để chị làm mẹ là xin noãn.

“Tiền có thể mua được nhiều thứ, nhưng trứng tự thân thì không”, bác sĩ Lê Hoàng tiếc nuối nói.

Chị X. là một trong những trường hợp thất bại trong việc tìm con bằng noãn tự thân vì lớn tuổi, buồng trứng suy sớm.

Trường hợp chị Mai L. ở Lạng Sơn, Giám đốc một công ty kinh doanh nội thất, 46 tuổi chưa từng kết hôn.

Trước đó, chị đã tới một số đơn vị hỗ trợ sinh sản bày tỏ nguyện vọng muốn làm mẹ đơn thân bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Chỉ số AMH giảm còn 0,25ng/ml. Sau 3 lần gom trứng thu được một noãn duy nhất đủ điều kiện tạo phôi. Phôi duy nhất phân tích là phôi thể khảm mức độ 30%.

Chỉ số dự trữ buồng trứng AMH của chị rất thấp nên được tư vấn xin noãn làm IVF.

Chị L. buồn bã nói: “Lấy hết can đảm tôi mới dám đi đến một quyết định trọng đại, nhưng ngay cả trứng của chính mình cũng không có”.

Khó khăn tăng lên khi chị L. có nội mạc tử cung rối loạn tăng sinh, viêm niêm mạc tử cung mạn tính. Sau khi điều trị bằng thuốc, bác sĩ Hoàng tư vấn chuyển phôi khảm vào tử cung, kết hợp theo dõi chặt chẽ các nguy cơ.

“Người bệnh hiện chỉ có duy nhất một cơ hội, nhưng rủi ro rất cao”, bác sĩ Hoàng nói.

May mắn đã đến, chị L. đậu thai và sinh được con khỏe mạnh nhờ phôi không hoàn hảo duy nhất vào đầu năm 2024, hiện đang ở tuần 15 thai kỳ.

PGS Lê Hoàng cho biết thêm, trong điều trị hiếm muộn thì tuổi tác là vấn đề quan trọng nhất. Không chỉ khó có con; tỷ lệ sảy thai, biến chứng trong thai kỳ ở phụ nữ lớn tuổi cũng tăng lên, tỷ lệ bất thường của trẻ cũng tăng theo tuổi mẹ.

Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp được coi là tiên tiến nhất hiện nay trong việc điều trị vô sinh hiếm muộn, giúp phụ nữ lớn tuổi làm mẹ. Các phương pháp khác làm tăng cơ hội thụ thai cho phụ nữ lớn tuổi như ICSI, kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng, hỗ trợ phôi thoát màng… nhằm thúc đẩy khả năng thụ thai", bác sĩ Lê Hoàng chia sẻ.

Còn tại các đơn vị thụ tinh trong ống nghiệm trên toàn thế giới, tỷ lệ có thai giảm từ 55% ở phụ nữ dưới 30 tuổi, xuống còn 10% ở phụ nữ trên 40 tuổi và dưới 1% ở phụ nữ trên 45 tuổi, tính theo tất cả nguyên nhân gây hiếm muộn.

Khi người phụ nữ khoảng 45 tuổi, họ chỉ còn ít hơn 5% cơ hội có thai và tỷ lệ sảy thai rất cao (trên 50%) ngay cả khi đã thụ thai thành công bằng trứng tự thân. “Chị X. cũng không nằm ngoài quy luật đó”, bác sĩ Lê Hoàng nói.

Tổng cục Thống kê ghi nhận, độ tuổi kết hôn trung bình của người Việt ngày càng muộn và số tuổi tăng lên trong những thập kỷ qua. 24,4 tuổi năm 1989 lên 27,9 vào năm 2020. Một số thành phố lớn độ tuổi kết hôn trung bình chạm ngưỡng 30.

PGS.TS. BS Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Thực tế, phụ nữ trên 45 tuổi, thậm chí người đã mãn kinh vẫn có thể mang thai với phôi được tạo thành từ trứng hiến tặng. Tuy vậy, người mẹ lớn tuổi vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn so với những người bình thường.

Ngoài ra, một số lý do khách quan khác như tuổi càng cao cơ hội lựa chọn đối tượng kết hôn phù hợp giảm, áp lực công việc gây stress, cùng nhịp sống mất cân bằng khiến tỷ lệ đậu thai tự nhiên giảm.

ThS.BS Phạm Văn Dương cho biết, người kết hôn muộn có nhiều cơ hội mở mang kiến thức, nâng cao chuyên môn, có tài chính, sự nghiệp, suy nghĩ chín chắn, hiểu biết.

Tuy nhiên, về mặt sinh học, sau tuổi 35, con người dễ bị trục trặc về sinh lý, tâm lý, dễ rơi vào trạng thái trống rỗng và lo âu. Chưa kể, độc thân thời gian dài sẽ cảm thấy khó sẵn sàng thay đổi bản thân, khó tìm được đối tác dung hòa để kết hôn, gián tiếp khiến một bộ phận phụ nữ nghĩ đến sinh con khi đã lớn tuổi.

“Chúng tôi gọi là hội chứng ‘quên đẻ’ ở một số phụ nữ, vì trì hoãn kết hôn và mang thai. Vào lúc họ muốn sinh con thì tuổi tác là rào cản”, bác sĩ Dương nói.

“Quyền kết hôn ở độ tuổi nào là của phụ nữ, quyền đầu tư cho sự nghiệp của chị em cũng là chính đáng. Nhưng độ tuổi sinh sản của nữ giới có hạn; nên cân đối thời gian cho sự nghiệp, kết hôn và sinh sản”, bác sĩ Lê Hoàng chia sẻ.

Đông Hường

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/quen-de-hoi-chung-nhieu-phu-nu-dang-gap-phai-d8915.html