Quê hương khởi nghĩa Nam Kỳ vững bước đi lên

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi đi trên tuyến đường tôm - lúa nối TP. Sóc Trăng với 6 xã trọng điểm vùng tôm - lúa huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), quê hương khởi nghĩa Nam Kỳ - Hòa Tú năm xưa vốn là vùng quê nghèo khó của huyện Mỹ Xuyên, bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Thế nhưng sau 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng, Đảng bộ và nhân dân nơi làng Hòa Tú xưa (nay là các xã: Hòa Tú 1, Hòa Tú 2, Gia Hòa 1, Gia Hòa 2, Ngọc Đông, Ngọc Tố) đã chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, làm nên một diện mạo mới với nhiều đổi thay.

Tuyến đường tôm - lúa nối TP. Sóc Trăng với 6 xã trọng điểm vùng tôm - lúa huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) phục vụ rất tốt cho việc đi lại cũng như sản xuất, kinh doanh, giao lưu hàng hóa. Ảnh: CHÍ BẢO

Về Hòa Tú 1 hôm nay, xã vùng nông thôn sâu ngày nào giờ đã khoác lên mình diện mạo mới. Hệ thống giao thông với các tuyến đường ôtô liên xã, hệ thống giao thông nông thôn ấp liền ấp được đầu tư xây dựng trong những năm qua phục vụ tốt cho việc đi lại, giao lưu hàng hóa của người dân, đời sống ấm no, quê hương ngày càng đổi mới. Ông Lương Văn A - cán bộ hưu trí ở ấp Hòa Phuông, xã Hòa Tú 1 nhớ rõ những năm đầu mới tái lập tỉnh, xã Hòa Tú 1 còn là một xã nghèo, đời sống người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, sản xuất chủ yếu là độc canh cây lúa, một năm chỉ làm 1 vụ lúa, năng suất khoảng 2 tấn/ha; đi lại chủ yếu bằng ghe, xuồng; điện chưa được đầu tư. Thế nhưng chỉ sau gần 10 năm khi công trình điện lưới quốc gia về trung tâm xã, đã đánh dấu sự thay da đổi thịt của quê hương nghèo khó ngày nào. Tiếp đến là công trình đường ôtô đến trung tâm xã, đường trục tôm - lúa Đông Tây, các tuyến huyện lộ được đầu tư đã làm cho diện mạo nơi đây đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng được nâng lên.

Ông Đặng Tiến Dũng - cựu chiến binh ở ấp Hòa Phuông, xã Hòa Tú 1 cũng phấn khởi cho biết: “Rồi đây, xã Hòa Tú 1 còn phát triển hơn nữa khi được sự quan tâm của các cấp, các ngành chọn xã Hòa Tú 1 là nơi đặt trung tâm hành chính huyện Mỹ Xuyên. Đây là niềm tự hào, cũng là điều kiện thuận lợi để quê hương khởi nghĩa Nam Kỳ chuyển mình vươn lên”.

Theo đồng chí Trương Hoàng Khai - Chủ tịch UBND xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, sự thay đổi của quê hương khởi nghĩa Nam Kỳ trong thời gian qua là nhờ sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước từ cấp tỉnh đến huyện và nhân dân đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương. Giao thông nông thôn đã được đổi mới, hàng năm hộ nghèo giảm, hộ khá, giàu tăng lên, đời sống người dân được ổn định. Năm 2015, xã Hòa Tú 1 đã đạt chuẩn nông thôn mới và năm 2021 được công nhận xã nông thôn mới nâng cao. Khi mới tái lập tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm trên 40%, thì nay hộ nghèo chỉ còn 0,97%. Hoạt động y tế, giáo dục đã được củng cố nâng chất, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân và học tập của các em học sinh. Ngoài các trường mầm non, trường tiểu học ở các ấp, xã Hòa Tú 1 còn được đầu tư xây dựng trường THCS, THPT rất khang trang, đạt chuẩn quốc gia. Trên lĩnh vực sản xuất, người dân xã Hòa Tú 1 chuyển dần sang 1 vụ tôm, 1 vụ lúa và chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng hoa màu, phát triển một số dịch vụ kinh doanh buôn bán nhỏ trên địa bàn.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Ảnh: CHÍ BẢO

Trước đây, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên là một vùng quê khó khăn, điều kiện đi lại chưa được thuận lợi, việc giao thương hàng hóa còn nhiều trắc trở, kéo theo đời sống người dân còn ở mức thấp. Xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới không chỉ mang lại diện mạo mới cho nông thôn mà còn phải nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, cùng với sự quan tâm hỗ trợ từ tỉnh, huyện, xã Hòa Tú 2 đã từng bước đổi thay. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, những tuyến đường nối liền xóm ấp, giao thông thông suốt liền mạch, tạo thuận tiện cho người dân khi đi lại, vận chuyển hàng hóa. Là một xã phát triển chủ yếu bằng nông nghiệp, xã Hòa Tú 2 chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương, nhằm góp phần nâng cao giá trị sản xuất đất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh mô hình tôm, lúa vốn được xem là một trong những mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy hiệu quả, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, gắn sản xuất với tiêu thụ cũng góp phần mang lại lợi nhuận cao hơn cho người dân.

Ông Ngô Công Luận - Giám đốc Hợp tác xã Nông ngư 14-10 ấp Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2 chia sẻ: “Vùng đất huyện Mỹ Xuyên phù hợp với nuôi tôm có giá trị kinh tế cao, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vào vùng tôm - lúa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, rút ngắn thị trường giao thương hàng hóa, kết nối vận tải liên hoàn, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Hợp tác xã Nông ngư 14-10 ấp Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2, với tổng diện tích gần 50ha, diện tích nuôi tôm là gần 30ha. Các xã viên đều được tập huấn về quy trình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, tháng 12-2015, hợp tác xã đạt chứng nhận VietGAP và duy trì đến năm 2017. Không dừng lại ở đó, hợp tác xã nâng cao yêu cầu về chất lượng nuôi theo tiêu chuẩn ASC và đến tháng 9-2019, hợp tác xã được chứng nhận ASC”.

Có thể thấy, đổi thay rõ nét nhất của 6 xã vùng trong của huyện Mỹ Xuyên là hạ tầng giao thông. Đến nay, 6 xã của làng Hòa Tú xưa đều đạt chuẩn nông thôn mới, các xã đều có đường đal liền ấp; có tuyến đường tôm - lúa Đông Tây đi qua, 2 tuyến huyện lộ thông thương phục vụ rất tốt cho việc đi lại cũng như sản xuất, kinh doanh, giao lưu hàng hóa.

Về quê hương khởi nghĩa Nam Kỳ những ngày này, cờ bay phấp phới. Di tích lịch sử Đình Hòa Tú - nơi lưu giữ những ký ức hào hùng, tinh thần quật khởi của dân tộc, là địa điểm sinh hoạt của Chi bộ làng Hòa Tú và là địa điểm xuất phát của cuộc khởi nghĩa nay là di tích lịch sử quốc gia. Tượng đài, bia truyền thống và nghĩa trang liệt sĩ nằm trong quần thể khu di tích trở thành nơi giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ.

Chị Triệu Thị Hồng Nhuẩn - Phó Bí thư Xã đoàn Hòa Tú 1 chia sẻ: “Thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên trên quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa rất tự hào. Tuổi trẻ chúng tôi hôm nay ghi nhớ công lao của các thế hệ cha, chú đi trước, chúng tôi sẽ phát huy và tuyên truyền để các bạn đoàn viên, thanh niên biết được truyền thống quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa của mình, kế thừa truyền thống cách mạng, ra sức trẻ xây dựng quê hương ngày càng phát triển hơn”.

Vùng đất nghèo khó làng Hòa Tú ngày nào đã lùi vào quá khứ. Sau 30 năm tái lập tỉnh, quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa hôm nay như thay áo mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã được nâng cao. Tin rằng, với truyền thống cách mạng của quê hương Hòa Tú, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng đưa quê hương ngày càng phát triển, ấm no, hạnh phúc.

CHÍ BẢO

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/soc-trang-30-nam-tai-lap-tinh/que-huong-khoi-nghia-nam-ky-vung-buoc-di-len-56019.html