Quê Bác - quê chung của mọi người con đất Việt

Tháng 5, về làng Sen và làng Hoàng Trù của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại X.Kim Liên (H.Nam Đàn, Nghệ An), ta lại gặp ở đây giọng nói ríu rít của nhiều miền quê.

Tháng 5, về làng Sen (quê nội) và làng Hoàng Trù (quê ngoại) của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên (huyện Nam Đàn, Nghệ An), ta lại gặp ở đây giọng nói ríu rít của nhiều miền quê với bao lứa tuổi. Nơi đây đã trở thành quê chung của mọi người con đất Việt.

Giúp Bác tiếp khách đến thăm

Mỗi năm, có hàng chục triệu lượt du khách về thăm quê Bác. Dưới bóng cây xanh mát ở làng Hoàng Trù, thuyết minh viên Lê Thị Hà say sưa giới thiệu cho đoàn du khách đến từ Thủ đô Hà Nội về nơi Bác Hồ được sinh ra và sống những ngày ấu thơ... Du khách với đủ lứa tuổi, đứng xung quanh thuyết minh viên ngày càng đông, chăm chú lắng nghe để hiểu rõ hơn về nhân cách vĩ đại và con người nhất mực mộc mạc, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều cặp mắt thoáng chốc đã đỏ hoe, những chiếc khăn tay lặng lẽ đưa lên chấm giọt nước mắt xúc động. Thuở ấu thơ của một vĩ nhân hiện ra chân thực, sinh động qua lời thuyết minh như chạm vào sợi dây tình cảm thiêng liêng nhất trong mỗi người dân Việt Nam đối với vị cha già dân tộc.

Du khách tham quan quê Bác

Du khách tham quan quê Bác

Tranh thủ phút nghỉ ngơi hiếm hoi, chị Hà chia sẻ: “Chúng tôi là những người thay gia đình Bác tiếp khách. Khách của gia đình Bác là các cựu chiến binh, các bà, các mẹ, các cháu nhỏ và cả những người đã từng đứng bên kia chiến tuyến... Công việc không chỉ yêu cầu trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, không được phép sai sót mà quan trọng không kém là chuyển tải được trọn vẹn và chân thực nhất về thời thơ ấu của Bác, những tình cảm thiêng liêng của Người đối với quê hương và của quê hương dành cho Người".

Năm 2023 là tròn 30 năm, chị Nguyễn An Vinh - Phó Trưởng phòng Tuyên truyền giáo dục - về công tác tại Khu Di tích Kim Liên. Gắn bó với đơn vị và công việc thuyết minh đã rất nhiều năm, nhưng cho đến nay, mỗi lần gặp một đoàn khách mới, kể lại những câu chuyện dẫu cũ, chị vẫn vẹn nguyên cảm xúc của những ngày đầu. Trong hàng nghìn đoàn khách chị đã được gặp, có những câu chuyện chị mãi không thể quên… Chị Vinh kể: Khoảng hơn 20 năm trước, vào mùa đông, hôm trời mưa gió, rét căm căm, tôi được đón một đoàn khách nước ngoài, trong đó có một người khách đến từ Nhật Bản. Khi tham quan đến ngôi nhà của cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, tôi thấy ông nghe rất kỹ và đứng lặng rất lâu, khác với nhiều khách nước ngoài khác. Đặc biệt, lúc được giới thiệu về câu chuyện chiếc phản gỗ và căn phòng nhỏ - nơi Bác Hồ, anh trai và gia đình Bác sống từ năm 1901 - 1906, tôi thấy, ông rất xúc động. Một lúc sau, ông xin tôi được ngồi lên tấm phản gỗ để “tìm lại hơi ấm của Chủ tịch Hồ Chí Minh” - chị An Vinh nhớ lại.

Không riêng gì chị Nguyễn An Vinh, tất cả các thuyết minh viên và những người làm ở Khu di tích Kim Liên đều dành cho nơi này một tình cảm đặc biệt. Họ xem đây là quê nhà thứ hai của mình, “quê chung” mà ở đó, họ may mắn được “thay mặt Bác để tiếp khách”.

“Cầu nối” lịch sử

Tại khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kim Liên, đang bảo quản 290 hiện vật với 100 đơn vị hiện vật gốc, hiện vật đồng thời đồng loại. Ngoài ra, lưu trữ ở kho hiện vật 42 đầu loại với gần 4.000 đơn vị hiện vật cùng hàng trăm tài liệu hiện vật là những bức ảnh tư liệu những kỷ vật của các đoàn khách trong và ngoài nước của các địa phương đã tặng cho Khu di tích Kim Liên và các đầu tư liệu được sưu tầm.

Toàn cảnh Khu di tích Kim Liên

Toàn cảnh Khu di tích Kim Liên

Cùng với quần thể di tích, nơi đây đang lưu giữ nhiều hiện vật gốc rất có giá trị. Một trong những hiện vật gốc rất quý giá là chiếc rương gỗ, được xem là của hồi môn của bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Hồ Chủ tịch - được bố mẹ tặng lúc lấy chồng, ra ở riêng. Năm 1895, khi gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Huế, bà Hoàng Thị Loan đã cho em gái của mình là Hoàng Thị An chiếc rương và sau đó nhiều lần đổi chủ. Khi khôi phục lại ngôi nhà, cán bộ Ty Văn hóa Nghệ An đã khá vất vả mới sưu tầm lại đúng chiếc rương về để trưng bày trong di tích. Đó là chiếc xe ôtô GAZ-69 chở Bác Hồ về thăm quê hương năm 1961. Chiếc xe vốn do Ủy ban hành chính tỉnh Nghệ An quản lý rồi chuyển Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Tài chính và đến năm 1979, chuyển cho Trường Trung học Tài chính quản lý và sử dụng.

Gần 20 năm sau, nhân kỷ niệm 40 năm Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất, chiếc xe mới được tặng lại cho Ban quản lý Khu di tích Kim Liên để bảo quản, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về Bác Hồ vĩ đại của du khách trong và ngoài nước. Gần đây nhất, Khu di tích đã sưu tầm được hàng chục bức thư, trong đó có những bức thư Bác Hồ gửi cho Đảng bộ tỉnh Nghệ An, bức thư gửi cho học sinh Trường THCS Kim Liên, lá thư gửi đồng bào, bộ đội và cán bộ TP. Vinh, thư Bác Hồ gửi các cụ phụ lão…

Ông Lâm Đình Hùng - Trưởng phòng Nghiệp vụ Khu di tích - cho biết: Phần lớn các hiện vật đã được số hóa và nhờ đó, góp phần làm phong phú thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm sống tại quê hương cũng như hai lần Người về thăm quê. Những hiện vật được trưng bày tại đây đã trở thành cầu nối, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử. Thông qua đó, chúng ta hiểu hơn về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh và trân trọng hơn những giá trị nhân văn, cao đẹp mà Người để lại cho chúng ta hôm nay…

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/que-bac-que-chung-cua-moi-nguoi-con-dat-viet-254722.html