Quảng Trị: Xây dựng quy hoạch trong giai đoạn mới theo phương thức tiếp cận mới

Phải khẳng định rằng, bất luận việc phát triển kinh tế vùng, lãnh thổ, hay địa phương nào thì công tác quy hoạch là động thái khơi thông cho mọi chương trình và hành động. Xác định tính tất yếu và ý nghĩa đó, tỉnh Quảng Trị xây dựng quy hoạch trong giai đoạn mới bằng các phương thức tiếp cận mới.

Đôi bờ sông Hiếu, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Đôi bờ sông Hiếu, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Tỉnh Quảng Trị thuộc vùng Bắc Trung bộ, có 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện, với diện tích tự nhiên là 4.701,23km2, dân số năm 2022 là 649.708 người; có vị trí thuận lợi nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, nối với Lào - Thái Lan - Myanmar qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo; là cửa ngõ ra biển Đông của các nước trong khu vực và giữ vai trò quan trọng về an ninh quốc phòng; tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển nông - lâm - ngư nghiệp, thương mại - du lịch và công nghiệp chế biến, khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng...

Thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, tỉnh Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Kết cấu hạ tầng đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao; sự nghiệp phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội… có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả quan trọng. Cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được quan tâm thực hiện. An ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2011-2020 là 7,3%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 34,9 triệu đồng, gấp 2 lần năm 2010 (mục tiêu là gấp 2 lần năm 2010); năm 2020 đạt 53,2 triệu đồng, gấp 1,56 lần so với năm 2015…

Xuất phát từ tình hình thực tiễn và nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, các yếu tố cần thiết để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cho đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành báo cáo quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, đã có tờ trình gửi Chính phủ phê duyệt quy hoạch Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị cho biết, Dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch Quảng Trị trong giai đoạn mới, với không gian phát triển toàn tỉnh Quảng Trị được tổ chức thành các hành lang phù hợp với điều kiện sinh thái, tiềm năng phát triển của mỗi tiểu vùng.

Hành lang phát triển trung tâm (vùng đồng bằng cao và trung du) là vùng trọng điểm phát triển kinh tế công nghiệp, du lịch , dịch vụ, đào tạo… và đô thị, gắn với hành lang hạ tầng kỹ thuật quốc gia theo hướng Bắc - Nam.

Hành lang phát triển ven biển, với trọng tâm là khu công nghiệp khí, công nghiệp đa ngành khai thác lợi thế cảng biển, đô thị du lịch sinh thái biển và sinh thái vùng cát ven biển gắn với phục hồi sinh thái.

Các hành lang phát triển Đông - Tây: Khai thác tiềm năng và lợi thế của hành lang quốc tế Đông - Tây, kết nối cửa khẩu Quốc tế La Lay - Cảng Mỹ Thủy và kết nối Cửa khẩu Lao Bảo - Đông Hà - Cửa Việt, phát triển logistic, du lịch, nâng cao chất lượng môi trường sống của dân cư, hỗ trợ phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với cộng đồng và du lịch sinh thái, đảm bảo an ninh quốc phòng…. Kết nối các hành lang kinh tế nội tỉnh khác theo hướng Đông - Tây, phát huy các tiềm năng đa dạng trong mỗi tiểu vùng.

Hành lang phát triển biên giới: Gắn với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, kết nối với các hành lang Đông - Tây để phát triển kinh tế vùng biên giới Việt - Lào, tạo động lực thúc đẩy phát triển khu vực vùng núi, tổ chức một số điểm cao ngắm cảnh chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của dãy Trường Sơn từ trên cao, kết hợp với phát triển các điểm dân cư và đô thị gắn với du lịch sinh thái núi, tổ chức trải nghiệm văn hóa cộng đồng, dân tộc.

Các vùng trọng điểm phát triển bao gồm: Hành lang phát triển trung tâm và Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị. Cụ thể, tập trung phát triển vùng kinh tế và đô thị trung tâm trong dải đồng bằng cao và vùng đồi thấp - từ hai bên Quốc lộ 1 đến hai bên đường bộ cao tốc, tại khu vực địa hình cao tại phía Bắc, thị trấn Diên Sanh.

Trong đó: Các đô thị hiện hữu đóng vai trò trung tâm, đồng thời, ưu tiên đầu tư vào kết nối và nâng cấp hạ tầng, để tạo thêm động lực phát triển và phát huy các tiềm năng của các khu dân cư và con người sẵn có và nâng cao chất lượng môi trường sống trong vùng này, giữ được nhân lực và tài lực. Ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch, có thể bổ sung các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất công nghiệp phù hợp với định hướng phát triển không gian. Trong đó, ưu tiên và khuyến khích phát triển công nghiệp, dịch vụ có yêu cầu quỹ đất lớn dọc các tuyến Đông - Tây và dọc theo đường bộ cao tốc, đường Quốc lộ 1 nắn tuyến, nhưng cần đảm bảo không nằm trong vùng lưu vực của các hồ và các sông có vai trò nguồn cấp nước; bảo vệ môi trường các lưu vực của các hồ thủy lợi và sông có vai trò là nguồn cấp nước; đan xen dân cư hoặc các điểm dịch vụ du lịch nhỏ khai thác cảnh quan các hồ; phát triển vườn đồi, trang trại; xây dựng đường tránh Quốc lộ 1 về phía Tây để nâng cao chất lượng chuỗi đô thị chính của Tỉnh và tạo thêm động lực phát triển cho vùng phía Tây.

Đồng thời, ưu tiên dải ven biển cho đô thị du lịch và phục hồi rừng phòng hộ, kết nối với đảo Cồn Cỏ. Tiếp tục thực hiện một số định hướng phát triển công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam (hai bên đường trục Bắc Nam của khu kinh tế và khu vực gần cảng biển, gần sân bay) và các tổ hợp (nhà máy) nuôi trồng thủy sản hiện đại - thân thiện môi trường và du lịch, trong dải vùng cát ven biển; khuyến khích phát triển các tổ hợp công nghiệp kết hợp với dịch vụ và đô thị/dân cư; duy trì và mở rộng dải rừng phòng hộ ven biển; phục hồi môi trường vùng rừng sinh thái vùng cát, phát triển dịch vụ môi trường, đan xen các khu du lịch và dân cư phát triển mới trong vùng rừng; xây dựng sân bay tại Gio Linh và cảng biển tại Mỹ Thủy; phục hồi, bảo tồn sinh thái vùng núi cao, đan xen với phát triển du lịch sinh thái bền vững; Phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với thương mại, dịch vụ, logistic, trung tâm hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái. Trong đó, khu vực cửa khẩu Lao Bảo và La Lay có tính chất chính là du lịch sinh thái, thương mại và logistic; Phát triển Khu kinh tế thương mại (KTTM) xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đen-sa-vẳn; Phát triển đa dạng, tạo cơ hội tiếp cận thuận lợi với tiềm năng đất đai, đáp ứng nhu cầu đầu tư, thông qua quy hoạch linh hoạt: Tích cực chào đón các doanh nghiệp lớn, nhưng coi trọng, hỗ trợ và đánh giá đúng tầm quan trọng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để đảm bảo phát triển bền vững.

Việc nghiên cứu và xây dựng Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết theo yêu cầu của hướng tiếp cận mới, có tầm nhìn dài hạn, nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế của tỉnh, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian lãnh thổ kinh tế - xã hội, xây dựng các kế hoạch phát triển 5 năm và hàng năm, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của cả nước, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội để xây dựng Quảng Trị trở thành tỉnh phát triển năng động của vùng Bắc Trung bộ và cả nước, có vị thế cao trong sự tham gia vào địa bàn cầu nối để hội nhập khu vực. Mà phương pháp tiếp cận mới đó dựa trên các nguyên tắc lập quy hoạch, đó là kết hợp chặt chẽ giữa phát triển triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bình đẳng giới, nâng cao mức sống vật chất, thụ hưởng văn hóa, tinh thần của người dân; khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, thích ứng biển đối khí hậu; Đảm bảo sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cồng đồng, cá nhân, bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân; Đảm bảo phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền; Đảm bảo kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh; Đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc bí mật về những nội dung quy hoạch quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.

Đồng thời về quan điểm và mục tiêu phát triển tỉnh trong thời kỳ quy hoạch phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đảm bảo thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia; đồng thời phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Phát triển tỉnh Quảng Trị theo hướng xanh và bền vững, bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, chủ động thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tăng năng suất lao động, hiệu quả kinh tế và tính cạnh tranh.

Riêng về việc cải thiện mạnh mẽ môi trường thu hút đầu tư kinh doanh trong lập quy hoạch, sẽ hướng đến mục tiêu tạo môi trường đầu tư kinh doanh năng động của khu vực Bắc Trung bộ. Theo đó, đến năm 2025, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, các chỉ số thành phần về chỉ số PCI và chỉ số cải cách hành chính của tỉnh sẽ được nâng dần vị trí xếp hạng, mỗi năm tăng từ 3-5 bậc, nằm trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành khá. Đến năm 2030, xây dựng tỉnh Quảng Trị thành tỉnh năng động về môi trường thu hút đầu tư kinh doanh.

Huy Long

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/quang-tri-xay-dung-quy-hoach-trong-giai-doan-moi-theo-phuong-thuc-tiep-can-moi-360181.html