QUẢNG TRỊ: NHIỀU KHÓ KHĂN SAU SÁP NHẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ TẠI GIO LINH

Ngày 15/12, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị gồm Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng và các đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XV tiến hành giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 trên địa bàn huyện Gio Linh và xã Phong Bình. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy tham gia đoàn giám sát.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng phát biểu chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của xã Phong Bình sau sáp nhập - Ảnh: Lê Minh

Thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, huyện Gio Linh có 8 xã trong diện phải sáp nhập và hình thành 4 xã mới gồm Phong Bình (Gio Bình - Gio Phong), Linh Trường (Linh Thượng - Vĩnh Trường), Gio Sơn (Gio Sơn - Gio Hòa), Gio Hải (Gio Hải - Gio Thành), trong đó xã Gio Thành điều chỉnh 2 thôn là Nhĩ Hạ và Nhĩ Trung nhập vào xã Gio Hải, còn thôn Tân Minh nhập vào xã Gio Mai. Sau sáp nhập, huyện Gio Linh có 15 xã và 2 thị trấn, tuy nhiên chưa có xã nào đạt 100% tiêu chuẩn về diện tích và dân số theo quy định tại Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đánh giá về tính hiệu quả sau sáp nhập, huyện Gio Linh khẳng định phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, thu gọn đầu mối, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, việc sáp nhập gặp nhiều vướng mắc trong công tác sắp xếp, tinh giản đội ngũ cán bộ. Theo đó, sau sáp nhập số lượng cán bộ, công chức dôi dư nhiều, địa phương phải sắp xếp, xử lý chế độ cho 39 cán bộ, công chức và 29 người hoạt động không chuyên trách cấp xã và đến 31/12/2024 phải tiếp tục sắp xếp, bố trí, điều động 27 cán bộ, công chức trong diện dôi dư, trong khi đó các trường hợp này tuổi đời còn trẻ, số năm công tác chưa đủ để giải quyết chế độ và năng lực, trình độ chuyên môn đảm bảo quy định.

Việc một xã có 2 trụ sở được bố trí cách xa nhau, gây khó khăn cho người dân trong đi lại, giao dịch. Tại xã Phong Bình, do chưa có tuyến đường nối giữa hai xã cũ, người dân ở một số thôn muốn đến giao dịch tại trụ sở chính quyền mới phải đi quảng đường dài 12 km và qua địa bàn 2 xã, thị trấn khác. Bên cạnh đó, trụ sở UBND các xã đã xuống cấp, chật hẹp, khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp nơi làm việc của cán bộ, công chức và khu vực giao dịch, xử lý công việc cho người dân. Việc sử dụng song song hai trụ sở làm tăng các nguồn chi thường xuyên, khó khăn cho ngân sách của địa phương. Bên cạnh đó, việc sử dụng 1 trạm y tế làm cơ sở khám, chữa bệnh gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại khi đau ốm.

Sau sáp nhập, địa bàn quản lý rộng, dân cư đông, việc đảm bảo an ninh trật tự và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ban đầu vẫn còn lúng túng, đặc biệt là giải quyết thủ tục hành chính cho người dân khi phải cấp đổi lại theo tên gọi đơn vị hành chính mới. Ngoài ra, ảnh hưởng đến việc phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân trong các buổi họp thôn đối với một số thôn sáp nhập do địa bàn cách trở. Từ đó, kiến nghị trung ương và tỉnh quan tâm giải quyết những vướng mắc, khó khăn kể trên nhằm tạo sự tin tưởng, yên tâm, đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, công chức, người dân tại các địa phương sáp nhập.

Phát biểu tại các buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng khẳng định, việc sáp nhập là chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy, để chính quyền các xã sáp nhập vận hành hiệu quả, địa phương tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đoàn kết, trách nhiệm và đồng thuận trong thực hiện. Bên cạnh đó, cần chủ động, tranh thủ các nguồn lực để xử lý các vướng mắc, khó khăn trước mắt nhằm vận hành hiệu quả, trên tinh thần vì Nhân dân, doanh nghiệp phục vụ.

Đối với những khó khăn của địa phương, đây cũng là khó khăn chung của các địa phương sau khi sáp nhập, đoàn giám sát tiếp thu, nghiên cứu, kiến nghị với trung ương sớm có phương án tháo gỡ.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=61308