Quảng Trị: Cần sớm triển khai đề án cung cấp nước sạch giai đoạn 2021-2025

Các nhà máy nước hoạt động vượt công suất thiết kế chiếm tỷ lệ cao, hệ thống hạ tầng cấp nước nhiều nơi bị xuống cấp, chất lượng nguồn nước thô khai thác sử dụng để sản xuất nước sạch tại một số nơi có nguy cơ bị ô nhiễm, ngập mặn... Đó là thực trạng hệ thống cấp nước đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Hệ thống lắng lọc Nhà máy nước Tân Lương (Đông Hà).

Hệ thống lắng lọc Nhà máy nước Tân Lương (Đông Hà).

Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Trị có 10 nhà máy sản xuất, cung cấp nước sạch phục vụ các đô thị và vùng ven đô trong toàn tỉnh, với tổng công suất thiết kế 53.200m3/ngày/đêm cho 10/13 đô thị được công nhận từ loại V đến loại III, tỷ lệ người dân đô thị được sử dụng nước sạch trung bình khoảng 95%.

Có một thực trạng là các nhà máy nước hoạt động vượt quá công suất thiết kế (6/10 nhà máy), cơ sở hạ tầng như nhà máy, đường ống… được xây dựng từ khá lâu đã qua nhiều lần sửa chữa theo giải pháp tình thế, nên hệ thống cấp nước sạch trên toàn tỉnh Quảng Trị đã xuống cấp, nhiều đoạn đường ống bị rò rỉ, gây tổn thất nước chiếm tỷ lệ khá cao…

Xin được đơn cử một số nhà máy nước cung cấp nước sinh hoạt cho các khu vực trọng điểm, như hệ thống cấp nước thành phố Đông Hà. Thành phố này được cung cấp nước sạch từ Nhà máy nước Tân Lương và Nhà máy nước Gio Linh mạng lưới ống truyền dẫn và phân phối của thành phố Đông Hà hầu hết được xây dựng từ năm 1977 đến 1984; vật liệu ống phần lớn được làm bằng gang xám; mạng lưới đã được nâng cấp năm 2003 – 2005 bằng việc thay thế và bổ sung một số đường ống cũ bằng ống mới bằng nhựa HDPE và ống gang dẻo.

Riêng Nhà máy nước Tân Lương được tư xây năm 1977, đã qua nhiều lần cải tạo, sửa chữa. Nguồn nước thô cung cấp cho nhà máy nước Tân Lương từ sông Vĩnh Phước không đáp ứng đủ công suất khai thác của nhà máy do nhu cầu sử dụng tăng cao. Vào mùa hạn, nước mặt sông Vĩnh Phước thường cạn kiệt, nhà máy phải bổ sung nguồn nước từ Hồ Ái Tử với tổng lượng nước thô khoảng 1 triệu m3; chi phí khai thác, vận hành tăng cao.

Nhà máy nước thị xã Quảng Trị được đầu tư xây dựng năm 1996 với công suất 3.500m3/ngày đêm. Đến năm 2014 và 2018, Nhà máy nước thị xã Quảng Trị được cải tạo, nâng cấp thêm 2.000m3/ngày đêm. Tuy vậy, công suất khai thác hiện trạng của nhà máy nước thị xã Quảng Trị vượt quá 5.500m3/ngày đêm. Mạng lưới đường ống được đầu tư từ năm 1998, thiếu tính đồng bộ, chưa phân vùng cấp nước đảm bảo hiệu quả cho công tác vận hành, đến nay một số nơi đã hư hỏng dẫn đến tình trạng rò rỉ, thất thoát nước…

Các nhà máy nước còn lại trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng đều có chung số phận, đó là thời gian đầu tư và xây dựng đã lâu, tình trạng hư hỏng, xuống cấp, chất lượng nước không cao… Do đó, việc thiếu nước sinh hoạt về mùa khô hạn, đặc biệt năng lực đảm bảo cung cấp nước cho khách hàng sử dụng ngày càng tăng cao là điều khó thực hiện.

Theo dự báo đến năm 2025 hệ thống đô thị toàn tỉnh Quảng Trị có 21 đô thị các loại, tăng thêm 8 đô thị so với hiện nay, trên cơ sở định hướng phát triển hệ thống đô thị của tỉnh thì các chỉ tiêu về dân số, mức độ đô thị hóa cũng như tiêu chuẩn, chỉ tiêu dùng nước sẽ thay đổi ở mức độ cao hơn. Vì vậy, ngay từ bây giờ, tỉnh Quảng Trị cần có một chiến lược quy mô về việc nâng cấp, cải tạo, xây mới hệ thống cấp nước đúng mục.

Nhìn từ khía cạnh về nguồn lực, mà đặc biệt là nguồn vốn để đầu tư cho hệ thống cấp nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thực tế cho thấy còn phiến diện và hạn chế, bởi Quảng Trị là một địa phương còn nhiều khó khăn, trong khi đó việc quản lý sản xuất kinh doanh, vận hành toàn hệ thống cấp nước cho vùng đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chỉ có duy nhất một doanh nghiệp nghiệp đảm trách, đó là Công ty Cổ phần nước sạch Quảng Trị. Mà lĩnh vực hoạt động của công ty được xem như là một loại hình doanh nghiệp công ích, chủ yếu mang tính phục vụ xã hội, nên lợi nhuận mang lại không nhiều so với việc đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống cấp nước hàng năm, chứ chưa nói đến việc đầu tư mở rộng quy mô.

Được biết, hiện nay UBND tỉnh Quảng Trị đã xây dựng Đề án cung cấp nước sạch trên địa bàn Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030. Đề án đặt vấn đề về việc huy động nguồn vốn, đó là huy động các nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi trong thủ tục đầu tư, xây dựng, vận hành cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước. Bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực cấp nước sạch. Tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư có kinh nghiệm và năng lực tham gia đầu tư xã hội hóa hệ thống cấp nước tại các đô thị, khu công nghiệp trên địa bàn đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, giải pháp tiết kiệm, hiệu quả quản lý vận hành phù hợp với điều kiện tỉnh Quảng Trị… hi vọng đề án sẽ sớm được triển khai.

Hi Hữu

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/quang-tri-can-som-trien-khai-de-an-cung-cap-nuoc-sach-giai-doan-2021-2025-360401.html