Quảng Trị: Cần có cơ chế linh hoạt cho việc nạo vét luồng hàng hải cảng Cửa Việt

Thời gian gần đây, luồng hàng hải cảng Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị) bị bồi lấp nhiều điểm cục bộ nghiêm trọng, tạo thành những cái 'bẫy' dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho tàu, thuyền khi ra vào cảng.

Khu vực cảng Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị.

Khu vực cảng Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị.

Khu bến cảng Cửa Việt thuộc Cảng biển Quảng Trị là cảng tổng hợp địa phương (loại II) bao gồm bến chuyên dùng; bến cảng tiếp nhận tàu trọng tải 3.000 đến 5.000DWT hoặc lớn hơn giảm tải phù hợp với điều kiện luồng hàng hải có độ sâu theo quy định chuẩn tắc luồng hàng hải là -5,6m.

Do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh vào những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 làm cho độ sâu của luồng bị bồi lấp nghiêm trọng. Theo thông báo hàng hải mới nhất, luồng hàng hải Cửa Việt có độ sâu 3,4m, trong đó có các điểm cạn cục bộ như, điểm cạnh thứ nhất có độ sâu từ 2,9-3,3m, nằm về phía biên trái luồng, từ phao số 2 kéo dài về phía hạ lưu khoảng 35m, khu vực rộng nhất lấn vào luồng khoảng 30m. Điểm cạn thứ hai có độ sâu từ 2,5-3,3m, nằm về phía biên trái luồng, từ hạ lưu phao số 6 khoảng 75m đến hạ lưu phao số 6 khoảng 140m, khu vực rộng nhất lấn vào luồng khoảng 5m.

Các điểm cạn cục bộ nói trên đã làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động an toàn của các tàu thuyền ra vào khu bến cảng Cửa Việt nói chung và cảng quân sự, khu bến cảng Hải đội 202 Cảnh sát biển nói riêng.

Được biết, các tàu xuồng của Hải đội có mớn nước từ 3,1-3,2m, chân vịt rời, không có lớp khí bảo vệ dẫn tới dễ bị cong trục chân vịt, vì vậy làm ảnh hưởng tới kế hoạch hoạt động của các tàu trong thực hiện nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh quốc gia trong vùng biển Việt Nam, bảo đảm trật tự, an toàn và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Thiếu tá Quản Đình Dương - Hải đội trưởng Hải đội 202 tâm tư: Mỗi khi điều khiển tàu đi qua các điểm bị bồi lấp, phải cho tàu tắt máy để trườn qua. Vì sao phải tắt máy (chúng tôi thắc mắc)? Thiếu tá Dương giải thích: “Do tàu của đơn vị có cấu tạo chân vịt rời, không có lớp khí bảo vệ, nếu để nổ máy chân vịt sẽ tạt vào cát sẽ bị cong, gãy. Và khi tàu trườn qua an toàn, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm, còn nếu có sự cố xảy ra sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, chúng tôi chắc chắn sẽ bị kỷ luật”.

Cùng chung khó khăn với các tàu, xuồng của Hải đội 202 là các khu bến cảng bốc xếp hàng hóa của Công ty TNHH MTV Hợp Thịnh và Công ty Cổ phần cảng Cửa Việt. Hàng ngày có hàng nghìn tấn hàng hóa các loại như dăm gỗ, thạch cao, cát xuất khẩu được bốc xếp xuống tàu, các tàu này có mớn nước từ 3-3,5m. Sau khi khi xuất hiện luồng có các điểm bị bồi lấp, nên tàu phải hạ tải, hoặc chuyển tải, chính yếu tố này đã làm tăng thêm giá thành, thời gian bốc xếp hàng hóa kéo dài hơn…

Trước thực trạng luồng cảng hàng hải Cửa Việt bị bồi lấp, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động ra vào của tàu xuồng, Hải đội 202 và các doanh nghiệp đã có văn bản phản ánh với UBND tỉnh Quảng Trị và các tổ chức liên quan. Ngày 18/5/2023, UBND tỉnh Quảng Trị có Văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị về việc thực hiện nạo vét khẩn cấp luồng hàng hải Cửa Việt.

Đến ngày 5/7/2023, Bộ Giao thông Vận tải có công văn trả lời, văn bản nêu rõ: “Do nguồn ngân sách Trung ương cho công tác bảo trì duy tu luồng hàng hải còn hạn hẹp, nên Bộ Giao thông Vận tải chưa bố trí được kinh phí nạo vét luồng hàng hải Cửa Việt trong năm 2023. Vì thế, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức thực hiện nạo vét duy tu luồng hàng hải Cửa Việt trong năm 2023 bằng ngân sách địa phương”.

Vậy là đến nay, việc nạo vét khẩn cấp luồng hàng hải Cửa Việt vẫn “nằm trên giấy”, trong khi các điểm bị bồi lấp ngày càng dày hơn. Qua nắm bắt nguyện vọng của các doanh nghiệp có khu bến cảng tại Cảng Cửa Việt, họ đều mong muốn địa phương và Bộ, ngành liên quan sớm có giải pháp kịp thời. Điều đáng lưu ý là trong khi Nhà nước chưa bố trí được kinh phí, thì cần có cơ chế cho việc nạo vét luồng hàng hải Cửa Việt bằng cách xã hội hóa, đó là doanh nghiệp đóng góp kinh phí để thực hiện, và các doanh nghiệp sẵn sàng trích một phần kinh phí để thực hiện nạo vét các điểm bị bồi lấp. Nếu không được nạo vét luồng hàng cảng cửa Việt kịp thời thì tàu, xuồng ra vào cảng có thể xảy ra sự cố là khó tránh khỏi, nhất là mùa mưa bão đã đến gần.

Cũng xin nói thêm, nguyên nhân dẫn đến luồng hàng hải Cửa Việt thường bị bồi lấp, đó là do mưa lũ, đặc biệt là do khi gặp gió mùa, biển động, sóng biển lớn đã đưa cát vào chân cảng. Mặc dù, hai bên chân càng Cửa Việt có xây dựng hệ thống đê kè ngăn cát xâm nhập, tuy nhiên do chiều dài của kè còn hạn chế nên việc ngăn cát xâm nhập vào luồng cảng không được triệt để. Để hạn chế cát xâm nhập, luồng hàng hải Cảng Cửa Việt phải hạn chế đến mức thấp nhất, nhất thiết phải sớm đầu tư nâng cấp luồng hàng hải Cửa Việt và hệ thống kè chắn cát nhằm tăng cường năng lực vận tải thủy của toàn tuyến luồng ra vào khu vực cảng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia vùng biển Việt Nam.

Hữu Tiến

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/quang-tri-can-co-co-che-linh-hoat-cho-viec-nao-vet-luong-hang-hai-cang-cua-viet-359520.html