Quảng Ninh tổ chức Hội nghị tham vấn 'Xây dựng mô hình thành phố học tập toàn cầu'

Chiều 16/4, tại TP. Hạ Long, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Ninh tổ chức hội nghị tham vấn 'Xây dựng mô hình thành phố học tập toàn cầu'.

Dự hội nghị có lãnh đạo Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT; đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; lãnh đạo Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, Lãnh đạo bốn Thành phố trực thuộc và các chuyên gia độc lập.

Bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tỉnh Quảng Ninh phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Trần Đức Quyết)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh cho biết: Từ năm 2019 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo tham gia mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” do UNESCO điều hành. Một trong số đó là Chỉ thị số 38-CT/TU ngày 05/9/2023 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý nhà nước trong nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát “Chậm nhất đến năm 2030, nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển giáo dục, đào tạo, một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng; tỉnh học tập tham gia mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO”.

Thực hiện mục tiêu tham gia mạng lưới “Thành phố học tập” do UNESCO điều hành, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Đông Triều triển khai thực hiện rà soát, đánh giá và đăng ký tham gia mạng lưới thành phố học tập toàn cầu do UNESCO điều hành; thành lập đoàn công tác để trao đổi, học tập kinh nghiệm về xây dựng, lập hồ sơ đăng ký tham gia mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” tại tỉnh Đồng Tháp - là tỉnh đầu tiên tại Việt Nam có hai thành phố học tập toàn cầu.

Năm 2023, Quảng Ninh có 2 thành phố Uông Bí, Hạ Long hoàn thiện, nộp hồ sơ đăng ký tham gia mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” do UNESCO điều hành. Trong đó, thành phố Uông Bí được Bộ GD&ĐT, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao lựa chọn gửi hồ sơ đăng ký lên tổ chức UNESCO để xem xét, công nhận. Tuy nhiên, đến nay, thành phố Uông Bí chưa được công nhận là thành viên của mạng lưới.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Trần Đức Quyết)

Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà quản lý và các đại biểu đã cùng phân tích, nhìn nhận, đánh giá thực trạng và đề ra những giải pháp để giúp các thành phố của tỉnh Quảng Ninh thực hiện thành công mô hình Thành phố học tập toàn cầu. Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên – Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Đối với việc tham gia Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, điều quan trọng nhất là sự quyết tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp. Các địa phương đăng ký tham gia mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu có trách nhiệm cam kết sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền thành phố và huy động nguồn lực từ các bên liên quan để thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.

Ông Hoàng Hữu Anh, Phó Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Trần Đức Quyết)

Ông Hoàng Hữu Anh, Phó Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO tại Việt Nam chỉ ra rằng bộ hồ sơ đệ trình UNESCO cần phải được chuẩn bị chu đáo, đảm bảo cả về mặt nội dung và hình thức thể hiện, bám sát các tiêu chí mà UNESCO đã đề ra. Đồng thời, ông Hoàng Hữu Anh cũng gợi ý một số điểm mạnh có thể được coi là lợi thế đặc trưng của các thành phố, nên được làm nổi bật để trở thành điểm cộng cho bộ hồ sơ.

Bà Tống Liên Anh, thành viên của PIMA - Mạng lưới các chuyên gia, học giả, nhà hoạt động xã hội về giáo dục người lớn và học tập suốt đời toàn cầu, phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Trần Đức Quyết)

Thống nhất quan điểm với ông Hoàng Hữu Anh, Chuyên gia giáo dục Tống Liên Anh cho rằng, việc chuẩn bị hồ sơ phải bám sát bộ tiêu chí do UNESCO đề ra, trên cơ sở các giá trị UNESCO coi trọng, biến thách thức thành điểm mạnh, màu sắc riêng biệt trong xây dựng thành phố học tập, học tập suốt đời. Bên cạnh đó, cần có minh chứng cụ thể có thể đo lường được, tập trung vào các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng như công tác đầu tư nguồn lực phát triển giáo dục ở các bậc học, xây dựng xã hội học tập; việc triển khai các chương trình học tập phải đa dạng, phù hợp với mọi lứa tuổi và nhu cầu học tập của người dân…

Theo quy định của UNESCO, dự kiến tháng 5/2025 là chu kỳ tiếp theo để các quốc gia nộp hồ sơ đăng ký tham gia mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu do UNESCO điều hành và kết quả sẽ được công bố vào tháng 10/2025. Quảng Ninh phấn đấu ít nhất có 1 thành phố tham gia mạng lưới vào năm 2025, có ít nhất 2 thành phố tham gia mạng lưới vào năm 2030.

Việc tham gia vào Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO sẽ giúp các thành phố thuận lợi hơn trong việc trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm với các thành phố thành viên khác trên toàn thế giới; được tiếp cận với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giáo dục của UNESCO; cũng như có cơ hội cập nhật kiến thức và thực tiễn tại các hội thảo, hội nghị học tập toàn cầu của UNESCO. Bên cạnh đó, các thành phố thành viên còn có cơ hội phấn đấu danh hiệu “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO”. Danh hiệu này sẽ nâng cao uy tín và sự công nhận của cộng đồng quốc tế cũng như gia tăng khả năng thu hút đầu tư, nguồn nhân lực, sự thịnh vượng và phát triển bền vững của chính thành phố đó.

Văn An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quang-ninh-to-chuc-hoi-nghi-tham-van-xay-dung-mo-hinh-thanh-pho-hoc-tap-toan-cau-268384.html