Quảng Ninh tăng cường quản lý các lễ hội đầu Xuân

Tại tỉnh Quảng Ninh, vào dịp đầu Xuân, nhiều lễ hội được tổ chức ở các khu di tích, danh lam thắng cảnh như: Yên Tử, đền Cửa Ông, đền Tiên Công, chùa Lôi Âm, đình Lục Nà, đình Đầm Hà, đình Làng Dạ, chùa Quỳnh Lâm... thu hút lượng lớn du khách về vãn cảnh, chiêm bái.

Khu di tích danh thắng Yên Tử.

Những năm qua, công tác tổ chức và quản lý lễ hội luôn được tỉnh Quảng Ninh chú trọng; an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại khu vực diễn ra lễ hội được đảm bảo. Những ngày đầu năm 2017, đến Đền Cửa Ông, ấn tượng đầu tiên của du khách là môi trường ở khu vực trong và ngoài di tích luôn sạch sẽ; không còn tình trạng đổi tiền lẻ, ăn xin xảy ra tại khu vực di tích; an ninh trật tự được bảo đảm. Đặc biệt, các tuyến đường từ đền Hạ đến bến phà Tài Xà và từ Quốc lộ 18A đến đền Hạ đã thay thế tuyến đường cũ và trở thành tuyến đường chính vào Khu di tích đền Cửa Ông, giúp du khách và người dân đến thăm đền thuận tiện hơn. Chỉ tính riêng trong 6 ngày từ mùng 1 đến mùng 6 Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Đền Cửa Ông đã đón trên 7 vạn lượt người đến tham quan, chiêm bái.

Khu di tích danh thắng Yên Tử năm nay có nhiều nét mới. Khu vực dịch vụ bến đỗ xe cho du khách được mở rộng diện tích từ 4,6 ha năm 2016 lên 12,1 ha, có sức chứa 1,5 vạn xe máy và 3.000 ô tô các loại. Giá dịch vụ trông giữ phương tiện được niêm yết công khai. Việc trông giữ tư trang, mũ bảo hiểm của du khách không bị tính tiền như các năm trước. Điều này đã khiến du khách thập phương cảm thấy yên tâm, thoải mái hơn khi về dự Lễ hội Xuân Yên Tử. Đặc biệt, dịch vụ xe điện được Ban Tổ chức hội Xuân Yên Tử bố trí lên đến 68 xe, chia làm 2 chặng với giá vé từ 10.000 đến 15.000 đồng/lượt, tùy theo từng chặng. Dịch vụ vận chuyển trọn gói bao gồm dịch vụ xe điện và dịch vụ cáp treo với giá vé khứ hồi là 300.000 đồng/vé. Ước tính chỉ riêng dịp Tết Nguyên đán vừa qua, hơn 2 triệu du khách đã đến Khu di tích danh thắng Yên Tử.

Mặc dù mới được tổ chức lần thứ 2, Hội Xuân Ngọa Vân (thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt lịch sử văn hóa nhà Trần tại thị xã Đông Triều) đã đón hàng vạn du khách từ khắp nơi về dâng hương. Năm nay, hệ thống cáp treo được nâng từ 27 cabin lên 53 cabin, mỗi giờ vận chuyển từ 2.600 đến 3.500 lượt khách nên không còn xảy ra tình trạng chen lấn, ách tắc đường lên cáp treo như năm 2016. Hội Xuân Ngọa Vân diễn trong 3 tháng từ ngày mùng 9 tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch năm Đinh Dậu.

Để làm tốt công tác tổ chức, quản lý lễ hội, các ngành, địa phương tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường công tác phối hợp, xây dựng kế hoạch tổ chức chi tiết. Các địa phương chú trọng thành lập Ban Quản lý lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Việc tổ chức các trò chơi dân gian tại lễ hội cũng được các Ban tổ chức lựa chọn kỹ nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống phù hợp với thuần phong mỹ tục. Trong mùa lễ hội, công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, cứu hộ cứu nạn cũng được Quảng Ninh quan tâm triển khai. Công tác phòng cháy, chữa cháy trong các di tích, tại các lễ hội được các địa phương duy trì. Lực lượng chức năng đã bố trí hệ thống bình chữa cháy di động tại đền Cửa Ông, đền An Sinh, chùa Am Ngọa Vân, chùa Quỳnh Lâm, chùa Cảnh Huống, chùa Hoa Yên…

Theo thống kê của TP. Uông Bí (Quảng Ninh), trong những ngày diễn ra Lễ hội Yên Tử, các tổ thường trực về an ninh đã tiếp nhận thông tin và tiến hành bắt giữ kịp thời các đối tượng sử dụng tiền giả để mua hàng ở 20 cửa hàng tại khu vực lễ hội. Tại thị xã Đông Triều, cơ quan chức năng đã chỉ đạo tổ chức kiểm tra, nhắc nhở và chấn chỉnh các hoạt động tại di tích chùa Quỳnh Lâm, bến xe đền An Sinh, Lễ hội đình chùa Hổ Lao, Lễ hội Xuân Ngọa Vân…

Công tác bảo đảm vệ sinh môi trường ở các di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chuyển biến. Việc thu dọn vệ sinh trước, trong và sau lễ hội được thực hiện. Tại nhiều lễ hội, Ban Quản lý di tích đã bố trí các thùng rác, điểm thu gom rác hợp lý, dễ nhận thấy, thân thiện với môi trường. Khu di tích đền Cửa Ông đã đầu tư xây dựng nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ du khách.

Tỉnh Quảng Ninh có hơn 75 lễ hội lớn, nhỏ diễn ra thường niên. Do vậy, ngoài nỗ lực của các địa phương và lực lượng chức năng, việc nâng cao vai trò, ý thức của người dân và du khách về dự lễ hội vẫn là yếu tố chính góp phần bảo đảm lễ hội diễn ra văn minh, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Theo TTXVN

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/van-hoa/quang-ninh-tang-cuong-quan-ly-cac-le-hoi-dau-xuan/298415.vgp