Quảng Ninh: 'Mạnh tay' với vi phạm về an toàn thực phẩm

Chỉ trong vòng 1 tháng, các cơ quan chức năng và địa phương tỉnh Quảng Ninh xử phạt hơn 90 tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm số tiền gần 700 triệu đồng.

Ngày cuối cùng của “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 (15/5), Đội Quản lý thị trường số 8 trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh phối hợp tiến hành kiểm tra xe ô tô thùng kín biển kiểm soát 14C - 37239, phát hiện và tạm giữ hơn 2.400 sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Hiện cơ quan chức năng địa phương tạm giữ số thực phẩm nhập lậu này để xác minh, điều tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của chủ hàng theo quy định của pháp luật.

Trước đó, trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5/2024, cơ quan chức năng và các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với chủ công là lực lượng Quản lý thị trường, Công an, Hải quan, đã phát hiện nhiều vụ buôn bán, vận chuyển hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nghi là hàng buôn lậu.

Điều đáng nói là trong số những mặt hàng thực phẩm này, nhiều loại như trứng non, xúc xích, cua cà ra, nội tạng lợn… được vận chuyển tới nơi tiêu thụ trong tình trạng đang phân hủy (chảy nước, bốc mùi). Nếu cơ quan chức năng địa phương không kịp thời phát hiện, thu giữ và tiến hành tiêu hủy, mà đến tay người tiêu dùng, sức khỏe và thậm chí cả tính mạng họ, sẽ bị đe dọa.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh phát hiện và tạm giữ hơn 2.400 sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ (Ảnh: CTV).

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh phát hiện và tạm giữ hơn 2.400 sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ (Ảnh: CTV).

Theo thống kê của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Ninh, chỉ trong 1 tháng (tháng 4/2024), các sở, ngành, chính quyền các huyện, thành phố trực thuộc Tỉnh đã xử phạt 94 tổ chức, cá nhân số tiền gần 700 triệu đồng chủ yếu do kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Trong đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh xử phạt 45 tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền số tiền hơn 330 triệu đồng. Trường hợp bị xử phạt cao nhất là Cửa hàng Việt Nhã - Địa điểm kinh doanh Công ty TNHH du lịch thế giới mới MC tại phường Trần Phú, Tp.Móng Cái (70 triệu đồng) do kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Cũng trong thời gian này, Công an tỉnh Quảng Ninh xử phạt 16 tổ chức, cá nhân số tiền gần 180 triệu đồng. Hai hộ kinh doanh P.V.V. ở Tp.Móng Cái và Đ.Đ.M. ở Tp.Hạ Long cùng bị xử phạt 35 triệu đồng do kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Còn UBND các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Ninh xử phạt 33 tổ chức, cá nhân số tiền 183 triệu đồng. Trong đó, hộ kinh doanh P.V.L. bị UBND huyện Vân Đồn xử phạt số tiền 42,5 triệu đồng do kinh doanh thực phẩm mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh thu giữ và tiêu hủy gần 1 tấn cua cà ra không rõ nguồn gốc, xuất xứ (Ảnh: CTV).

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh thu giữ và tiêu hủy gần 1 tấn cua cà ra không rõ nguồn gốc, xuất xứ (Ảnh: CTV).

Câu hỏi được đặt ra, vì sao chính quyền các địa phương của tỉnh Quảng Ninh, lực lượng chức năng tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát và “mạnh tay” xử lý các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm, mà các vụ việc vi phạm vẫn thường xuyên xảy ra?

Về vấn đề này, theo Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Ninh, do lợi nhuận nên nhiều cá nhân, tổ chức “bất chấp” kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí có dấu hiệu hư hỏng. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng buôn lậu hàng hóa, trong đó có thực phẩm, qua tuyến biên giới trên bộ và trên biển.

Trước thực trạng này, ngày 16/4, tại Tp.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm Tỉnh phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 (từ 16/4 đến 15/5) với 3 mục tiêu cơ bản: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

Tỉnh Quảng Ninh phát động "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2024 (Ảnh: CTV).

Tỉnh Quảng Ninh phát động "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2024 (Ảnh: CTV).

Về ngăn chặn, xử lý tình trạng buôn lậu, tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ quý II/2024, ông Vũ Văn Diện - Phó Chủ tịch Thường trực UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh Quảng Ninh, yêu cầu các địa phương, đơn vị nắm và đánh giá đúng tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép trên địa bàn.

Bên cạnh đó, cập nhật các nội dung mới phát sinh trong thực tiễn, tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả cao nhất trong các lĩnh vực. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cá nhân có dấu hiệu dung túng, tiếp tay cho buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, huy động sức mạnh của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng chống, tố giác tội phạm và các hành vi buôn lậu gian lận thương mại.

Ngô Quang Thái

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/quang-ninh-manh-tay-voi-vi-pham-ve-an-toan-thuc-pham-a663848.html