Quảng Ninh, Hải Phòng điều động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ ứng phó với bão Talim

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1 (bão Talim), từ rạng sáng 18/7 đến ngày 19/7, ở khu vực Bắc Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-350mm, cục bộ có nơi trên 500mm; khu vực Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150mm, cục bộ có nơi hơn 250mm…

Sơ đồ đường đi của bão, cập nhật sáng 18/7/2023.

Sơ đồ đường đi của bão, cập nhật sáng 18/7/2023.

Theo Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, vào lúc 7 giờ sáng ngày 18/7, vị trí tâm bão cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 100km về phía Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/giờ), giật cấp 12.

Nhiều đảo tại Quảng Ninh, Hải Phòng đã thấy xuất hiện rõ sự ảnh hưởng của bão: Tại đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10, Cửa Ông, Móng Cái, Đầm Hà (Quảng Ninh) đã có gió giật mạnh cấp 6, Cô Tô (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 7, Phù Liễn (Hải Phòng) có gió giật mạnh cấp 6.

BÃO ĐANG “CÀN LƯỚT” CÁC ĐẢO Ở QUẢNG NINH, HẢI PHÒNG

Tại cuộc họp Phòng chống bão số 1 vào sáng 18/7, Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra dự báo, bão sẽ di chuyển hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20km/h, đổ bổ trên khu vực đất liền các tỉnh Đông Bắc của Bắc Bộ và suy yếu dần; cường độ cấp 7, giật cấp 9.

Từ ngày 18-19/7, ở khu vực Đông Bắc, Việt Bắc có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 180-280mm, cục bộ có nơi trên 400mm; khu vực Tây Bắc, vùng đồng bằng Bắc Bộ có mưa to với tổng lượng mưa từ 100-200mm; Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-120mm.

Từ ngày 18-19/7, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-80mm, có nơi trên 120mm.

Dự báo ngày và đêm 18/7, Vùng biển phía Nam của khu vực Bắc Biển Đông, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Khánh Hòa đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; Nam vịnh Bắc Bộ, Vịnh Thái Lan và vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.

"Tại Quảng Ninh và Hải Phòng, lực lượng thuộc các đơn vị của Quân khu 3, Bộ Quốc phòng đã bố trị 1.435 cán bộ, chiến sỹ, 41 ô tô, 35 tàu, xuồng, 6 xe đặc chủng ứng trực phòng chống bão tại các địa bàn được phân công, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ".

Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng tính đến 05 giờ ngày 18/7, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn khu vực từ Quảng Ninh đến Ninh Bình có 12.668 phương tiện/29.812 lao động biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển vòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Tất cả các tàu đã vào nơi neo đậu hoặc di chuyển đến vị trí trú tránh.

Về tàu vận tải, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, khu vực từ Quảng Ninh đến Nghệ An có 183 tàu biển và 259 phương tiện thủy nội địa đang hoạt động; các phương tiện đã nhận được thông tin về bão số 01 để có phương án đảm bảo an toàn.

Tính đến 7 giờ ngày 18/7, tại Quảng Ninh, Hải Phòng còn 2.577 khách du lịch lưu trú trên các tuyến đảo (Quảng Ninh 606 người, Hải Phòng 1.971 người). Chính quyền địa phương đã chỉ đạo tổ chức bố trí nơi lưu trú an toàn cho du khách.

Về tình hình sản xuất nông, ngư nghiệp, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 119.803ha, 3.154 lều, chòi canh, 22.973 lồng/bè; hầu hết các địa phương đã hoàn thành sơ tán dân trên lồng bè.

Tại vùng dự báo ảnh hưởng của bão, hiện có 173.000 ha lúa Hè Thu đang giai đoạn đẻ nhánh tập trung tại các tỉnh Bắc Trung Bộ. Vụ lúa Mùa, đã gieo cấy được 970 nghìn ha/1.008 nghìn ha, đạt 96,2% (trung du miền núi phía Bắc 380 nghìn ha/406 nghìn ha, đạt 93,4%; đồng bằng sông Hồng 450 nghìn ha/462 nghìn ha, đạt 97,4%; Bắc Trung Bộ đã gieo cấy xong 140 nghìn ha).

Hệ thống đê điều khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An hiện có 289 trọng điểm, vị trí xung yếu (đê sông có 263 đỉem; đê biển, đê cửa sông có 26 điểm); hiện có 7 công trình đang thi công dở dang (Hà Nội 3; Ninh Bình 1; Thanh Hóa 2; Nghệ An: 01). Ngoài ra, có 3 sự cố chưa được xử lý triệt cần quan tâm tại Hà Nội, Bắc Giang và Thanh Hóa.

ĐÓNG CỬA 3 SÂN BAY

Theo thông tin từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, một số chuyến bay đi/đến tại cảng đã phải hoãn, hủy từ 9h đến 19h ngày 18/7/2023 để ứng phó ảnh hưởng của bão Talim, đảm bảo an toàn hoạt động bay, người và tài sản tại các cảng hàng không, sân bay, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến khai thác bay.

Theo đó, Cảng vụ hàng không miền Bắc đã ban hành quyết định số 232/QĐ-CVMB ngày 17/7 về việc đóng cửa tạm thời Cảng hàng không Vân Đồn do ảnh hưởng của bão Talim từ 9 giờ đến 19 giờ ngày 18/7.Cụ thể, hủy 2 chuyến bay khứ hồi từ Cần Thơ đến Vân Đồn do Hãng hàng không Vietjet Air khai thác mang số hiệu VJ486 hạ cánh lúc 8 giờ 20 phút và VJ487 cất cánh lúc 8 giờ 55 phút.

Đối với 2 chuyến bay khứ hồi từ TP.HCM đến Vân Đồn, được khai thác bởi Hãng hàng không Bamboo Airways sẽ lùi giờ khai thác. Cụ thể, chuyến bay mang số hiệu QH1970 chặng bay TP.HCM - Vân Đồn dự kiến hạ cánh lúc 19h40 (giờ cũ là 18h25). Chuyến bay mang số hiệu QH1971 chặng bay Vân Đồn - TP.HCM dự kiến cất cánh lúc 20h10 (giờ cũ là 19h10). Hành khách liên tục theo dõi thông tin thời tiết và liên hệ các đại diện hãng hàng không để được cập nhật các thông tin thay đổi về chuyến bay.

Tại Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, hành khách liên hệ số hotline 0867.213.666 để được hỗ trợ. Sân bay cũng đã bố trí nhân sự trực tại nhà ga để cung cấp thông tin, hướng dẫn đối với hành khách chưa nắm được lịch hủy chuyến, hoãn chuyến bay.

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu dừng tiếp nhận máy bay trong ngày 18/7, tại các sân bay: Nội Bài (từ 11h đến 20h), Cát Bi (từ 9h đến 19h), Vân Đồn (từ 9h đến 19h)

Cục Hàng không Việt Nam vừa có công điện yêu cầu các hãng hàng không được yêu cầu chủ động điều chỉnh lịch bay trong điều kiện có thể, chuyển lịch bay sớm lên trước hoặc lùi lại sau thời gian được khuyến cáo thời tiết xấu; Quán triệt người lái tuân thủ các nguyên tắc an toàn trước và sau bão.

Với các chuyến bay đi, đến Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, cần tính toán lượng dầu, chọn sân bay dự bị từ Vinh, Đà Nẵng… trở vào, tùy theo loại tàu bay.

Phòng Vận tải hàng không, các hãng hàng không và các đơn vị liên quan cần bố trí trực 24/24 giờ, giải quyết ngay đề xuất điều chỉnh lịch bay của các hãng do ảnh hưởng của bão. Các cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cát Bi cần di chuyển các tàu bay có kế hoạch đỗ tại cảng Vân Đồn, Cát Bi (trừ trường hợp bất khả kháng) đến các cảng hàng không khác, đồng thời chức chằng néo tàu bay đỗ lại tại cảng, đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống bão.

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/quang-ninh-hai-phong-dieu-dong-hang-nghin-can-bo-chien-si-ung-pho-voi-bao-talim.htm