Quảng Ninh: Đường liên xã trăm tỷ vừa hoàn thành đã lộ bất cập

Một tuyến đường liên xã được đầu tư 154 tỷ đồng ở huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) vừa hoàn thành đã xuất hiện nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Nguy cơ sạt lở, chia cắt

Nhiều người dân ở huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) đang lo ngại về tuyến đường liên xã Đoàn Kết vào Vạn Yên mới được đầu tư đã xuất hiện nhiều bất cập, nguy cơ bị chia cắt cục bộ, mất an toàn giao thông mỗi khi có mưa, bão.

Một lượng lớn đất, đá thường trực nguy cơ đổ ụp xuống tuyến đường liên xã Đoàn Kết - Vạn Yên khi có mưa lớn.

Mới đây, PV Báo Giao thông có chuyến hành trình dọc tuyến đường liên xã này và ghi nhận, mặc dù được nâng cấp rộng rãi, êm thuận, nhưng tại một số điểm, sau mưa lớn đã xuất hiện sạt trượt với lượng đất đá không nhỏ phủ kín đường.

Địa điểm có nhiều đất, đá sạt trượt là ở địa phận thôn Khe Ngái, xã Đoàn Kết. Một khối đất, đá hàng trăm m3 đã bị nứt toác, sạt trượt xuống mép đường. Ở phía trên cao vẫn còn rất nhiều mảng đất, đá đã hẫng chân có thể đổ ụp xuống bất cứ lúc nào.

Ở bên mái taluy dương phía đối diện khu vực này cũng xuất hiện nhiều điểm nguy cơ sạt trượt gây có thể gây chia cắt cục bộ tuyến đường nếu có mưa to.

Do điều kiện địa chất phức tạp, đất đá từ trên mái taluy dương vẫn đang có nguy cơ sạt trượt xuống tuyến đường.

Trên tuyến đường liên xã này còn thiếu hộ lan ở một số vị trí xung yếu, như đoạn giữa cây cầu ở đầu thôn Khe Ngái không lắp hộ lan, nên nếu có sự cố, người đi đường và phương tiện có nguy cơ bị lao xuống dòng suối sâu.

Anh Bùi Văn Hải, nhà ở thôn Khe Ngái cho biết: Trước đây, tuyến đường từ thôn vào xã Vạn Yên bị xuống cấp, nếu không cứng tay lái thì khó có thể đi xe máy. Vì thế, để đảm bảo an toàn, nhiều người đã chọn đi vòng xuống thị trấn, qua xã Hạ Long rồi mới vào Vạn Yên, xa mất hơn 20km.

Nay tuyến đường mới được nâng cấp, rất thuận tiện cho người dân, nhất là vùng trồng cam Vạn Yên khi đến mùa thu hoạch.

"Mặc dù thuận lợi hơn, nhưng bà con vẫn không khỏi lo lắng vì trên tuyến xuất hiện nhiều điểm nguy cơ sạt lở vào mùa mưa bão. Nhất là đoạn ở cuối thôn Khe Ngái, sau một số trận mưa lớn, đất, đá đã vùi kín một đoạn dài", anh Hải chia sẻ.

Một số vị trí trên tuyến đường còn thiếu lan can, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Trao đổi với PV Báo Giao thông về nguy cơ mất an toàn trên tuyến đường liên xã mới mở, ông Hà Mạnh Tuyên, Phó chủ tịch UBND xã Đoàn Kết cho biết, địa phương đã kiến nghị chủ đầu tư cần sớm có giải pháp khắc phục để đảm bảo an toàn giao thông cho nhân dân, nhất là vào mùa mưa bão.

"Chính quyền địa phương sẵn sàng phối hợp để xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền", ông Tuyên khẳng định.

Khẩn trương tháo gỡ

Được biết, dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường 31 cũ kết nối Cảng hàng không Vân Đồn với trung tâm xã Vạn Yên được khởi công vào tháng 5/2022 và cơ bản hoàn thành vào giữa năm 2023.

Tuyến đường dài 12,35 km, được thiết kế theo chuẩn đường cấp V miền núi, có tổng mức đầu tư gần 134 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng huyện Vân Đồn làm chủ đầu tư. Điểm đầu tuyến đường tại thôn Khe Ngái, xã Đoàn Kết, điểm cuối đấu nối với tỉnh lộ 334 tại thôn 10/10, xã Vạn Yên.

Khi đi vào sử dụng, tuyến đường tạo điều kiện giao thông thuận lợi trên địa bàn huyện Vân Đồn.

Khi dự án hoàn thành đã tạo điều kiện thuận lợi kết nối giao thông cho các địa phương khu vực phía Bắc huyện Vân Đồn kết nối với thị trấn Cái Rồng và các địa phương khác, kết nối chặt chẽ với Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn, đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Tuyến đường cũng là công trình quan trọng để đồng bộ hệ thống hạ tầng khung của địa phương, tạo tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển các khu đô thị, khu sinh thái, nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện.

Trao đổi với PV Báo Giao thông về những bất cập trên tuyến đường sau khi kết thúc thi công, ông Trương Ngọc Tân, Phó giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng huyện Vân Đồn cũng thẳng thắn thừa nhận, hiện nay, trên tuyến đường đã xuất hiện một số điểm sạt trượt, tiềm ẩn nguy cơ chia cắt cục bộ khi có mưa bão lớn.

Phần diện tích sạt lở là đất lâm nghiệp, nên muốn khắc phục cần phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Theo ông Tân, hiện tuyến đường chưa được nghiệm thu, bàn giao cho cơ quan chức năng quản lý. Trong quá trình thi công, các nhà thầu đã tuân thủ đúng thiết kế. Tại một số điểm sạt, lở như hiện nay là do điều kiện địa chất phức tạp, nên khó đánh giá hết được.

Khi xuất hiện sạt lở trên tuyến đường, chủ đầu tư đã huy động phương tiện kịp thời xúc, dọn để không gây ách tắc giao thông. Tuy nhiên, để khắc phục được dứt điểm vấn đề không thể xử lý trong thời gian ngắn.

"Bởi diện tích vùng sạt lở là đất lâm nghiệp đã giao cho nhân dân, nên cần phải có đủ thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đền bù cho nhân dân. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang phối hợp triển khai để hoàn thiện các thủ tục liên quan", ông Tân thông tin.

Liên quan đến một số vị trí chưa lắp đặt lan can trên tuyến đường, ông Tân cho biết, quá trình thiết kế tính toán thiếu, nên đang được đề xuất bổ sung hoàn thiện.

Quang Minh

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/quang-ninh-duong-lien-xa-tram-ty-vua-hoan-thanh-da-lo-bat-cap-192240418190937603.htm