Quảng Ngãi: Chủ động ngăn mặn, giữ ngọt

Hiện nay, tình trạng El Nino đang diễn biến phức tạp, vấn đề hạn, xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng ở nhiều địa phương.

Do vậy, cùng với việc triển khai phương án chống hạn, tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực vận hành các công trình đập ngăn mặn, giữ ngọt, điều tiết nước từ hồ chứa nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho hàng chục nghìn ha lúa và hoa màu.

Đập ngăn mặn sông Trà Bồng đảm bảo nước tưới, ngăn mặn cho hơn 1.000 ha đất nông nghiệp của 6 xã, thị trấn huyện Bình Sơn và cấp nước cho Khu kinh tế Dung Quất.

Toàn tỉnh Quảng Ngãi có nhiều điểm nhiễm mặn nằm ở hạ lưu sông, suối tiếp giáp biển; trong đó, 4 điểm nhiễm mặn ảnh hưởng lớn được xác định là các cửa sông như: Trà Bồng, Trà Khúc, Vệ và Trà Câu. Thời gian qua, từ nguồn vốn trung ương và ngân sách địa phương, Quảng Ngãi đã đầu tư nhiều công trình đê, kè biển, đập ngăn mặn như: Đê biển huyện Lý Sơn, Đập ngăn mặn sông Trà Bồng (huyện Bình Sơn), đê Hòa Hà, đê Phổ Minh (thị xã Đức Phổ)... Hầu hết công trình đều đang phát huy hiệu quả.

Đập ngăn mặn sông Trà Bồng, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn được xây dựng, đưa vào sử dụng từ tháng 8/2022 với kinh phí 170 tỷ đồng nhằm đảm bảo nước tưới, ngăn mặn cho hơn 1.000 ha đất nông nghiệp của 6 xã, thị trấn huyện Bình Sơn. Đồng thời, đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất cho Khu kinh tế Dung Quất. Từ đó đến nay, chính quyền và nông dân các địa phương đã yên tâm vì có nguồn nước ngọt cho sản xuất.

Bà Phạm Thị Mai, thôn Đông Yên 2, xã Bình Dương cho biết, trước đây, cứ vào khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch hàng năm, nông dân phải đóng góp tiền để cùng chính quyền địa phương đắp 2 đoạn đập bổi với tổng chiều dài hơn 350 m trên sông Trà Bồng, để ngăn mặn, bảo vệ ruộng đồng. Đến mùa lũ, dân lại cùng nhau tháo dỡ đập để giảm thiểu thiệt hại.

Vùng sản xuất xã Tịnh Long, thành phố Quảng Ngãi, nông dân chủ động chuyển đổi cây trồng, khoan giếng nước trên ruộng để tưới tiêu trong mùa khô.

“Đập bổi tạm bợ có khẩu độ hẹp, mặt đập thấp, không đảm bảo khả năng tiêu úng hay ngăn mặn. Mùa nắng, nước ngọt không đủ đẩy mặn nên nước biển xâm nhập vào tận khu vực trồng lúa, hoa màu gây thiệt hại nặng. Nay có đập kiên cố không những ngăn mặn, giữ ngọt hiệu quả mà việc đi lại, vận chuyển nông sản cũng thuận lợi hơn khi công trình này kết hợp giữa cầu giao thông với đập ngăn mặn nên ai cũng vui mừng”, bà Mai chia sẻ.

Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiệt hại từ hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi – đơn vị được giao quản lý, vận hành Đập ngăn mặn sông Trà Bồng đã đưa ra phương án phòng chống hạn, xâm nhập mặn đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nhân dân và doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp vận hành sẽ thực hiện bơm nước tưới luân phiên cho các khu vực sản xuất nông nghiệp, điều tiết nước phục vụ công nghiệp một cách hợp lý.

Xã Tịnh Long, thành phố Quảng Ngãi là địa phương nằm ở hạ lưu, nơi sông Trà Khúc đổ ra biển, nên thường xuyên chịu ảnh hưởng của thủy triều, xâm nhập mặn. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tịnh Long, vào mùa khô, nước sông xuống thấp nên mỗi khi thủy triều dâng lên, nước mặn xâm nhập sâu vào các kênh mương nội đồng, nên không thể bơm lên ruộng lúa cũng như tưới cho cây màu.

Để ứng phó với tình trạng này, chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân sử dụng các giống cây trồng ít cần tưới nước, chịu được hạn, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trữ nước ngọt ở các ao, mương, tưới phun tiết kiệm nước...

Anh Nguyễn Văn Biên, xã Tịnh Long cho biết, gia đình có hơn 1.500 m2 đất lúa thường xuyên thiếu nước tưới do khu vực này ở cuối kênh Thạch Nham nên đã chuyển qua trồng các loại rau và cỏ chăn nuôi bò. Để đảm bảo nước tưới trong mùa khô, anh đã khoan nhiều giếng nước với độ sâu hàng chục mét và thực hiện tưới luân phiên để tránh nguồn nước bị nhiễm mặn. Ngoài ra, để tiết kiệm nguồn nước, gia đình còn đầu tư thêm hệ thống tưới nước phun sương bằng ống nhựa.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn sẽ diễn ra gay gắt hơn trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8. Do vậy, bên cạnh việc vận hành tốt các đập ngăn mặn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chống chịu hạn, tỉnh đang tính toán giải pháp vừa đẩy mặn, giữ ngọt.

“Những vùng có nguy cơ xâm nhập mặn cao là ở cửa sông, nhưng hiện nay các cửa sông lớn đã được đầu tư xây dựng các công trình đê, kè, đập ngăn mặn. Chỉ có một số cửa sông, suối nhỏ chưa có đê kè nhưng tại đây khả năng nhiễm mặn thấp. Do đó, hiện các lực lượng chức năng đang tập trung vận hành công trình đúng quy định để hạn chế xâm nhập mặn đi sâu vào bên trong. Đồng thời, tỉnh đôn đốc các địa phương tích cực nạo vét hệ thống thủy lợi nội đồng; tăng cường trữ nước ngọt trong mương; sử dụng biện pháp hạn chế bốc thoát nước; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp...” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi Võ Quốc Hùng cho biết.

Ngoài ra, hiện nay có 2 công trình ngăn mặn, trữ ngọt là Hiền Lương và Khê Hòa (tại thành phố Quảng Ngãi) nhưng đã hư hỏng tại nhiều vị trí. Trong khi chờ kinh phí sửa chữa, sở đã chỉ đạo đơn vị quản lý vận hành cố gắng vận hành là Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi có giải pháp tạm như sử dụng bao tải chứa cát để gia cường, gia cố tại những vị trí cửa cống bị hư hỏng để chống nước mặn tràn vào, ông Hùng cho biết thêm.

Bài và ảnh: Đinh Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/quang-ngai-chu-dong-ngan-man-giu-ngot-20240416174735940.htm