Quảng Nam thiếu nguyên vật liệu cho những công trình trọng điểm

Nguồn cung vật liệu thiếu hụt, giá cả đắt đỏ khiến nhiều nhà thầu thi công các dự án công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam 'than trời', lo ngại chậm tiến độ theo kế hoạch đặt ra.

Đường Võ Chí Công (Quảng Nam) được các nhà thầu thi công cầm chừng vì thiếu đất san lấp. Ảnh: Trần Tĩnh - TTXVN

Quảng Nam đang từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, tạo ra sự kết nối đồng bộ với các địa phương lân cận và khu vực. Tuy nhiên, hiện nay nhiều công trình giao thông trọng điểm của địa phương đang triển khai thi công gặp rất nhiều vướng mắc trong việc thiếu nguyên vật liệu san lấp và công tác giải phóng mặt bằng. Nguồn cung vật liệu thiếu hụt, giá cả đắt đỏ khiến nhiều nhà thầu thi công các dự án công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam "than trời", lo ngại chậm tiến độ theo kế hoạch đặt ra.

Đại diện Công ty TNHH Thanh Tùng, nhà thầu thi công nhiều công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay dự án cầu Tam Tiến, huyện Núi Thành không chỉ đang gặp một số khó khăn trong giải phóng mặt bằng mà còn đối mặt với khó khăn khan hiếm vật liệu (nguồn đất để đắp), không đủ đáp ứng thi công, giá cả vật liệu thị trường tăng cao. Hay Cầu Tây An 1 và 2 bắc qua sông Cầu Chìm, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là 2 công trình nằm trong Dự án đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên được khởi công từ tháng 4/2020 và dự kiến đến tháng 4/2023 sẽ đưa vào hoạt động.

Tuy nhiên, hiện 2 cây cầu này đã thi công xong các hạng mục chính nhưng vẫn không thể thi công đường dẫn lên 2 cây cầu. Nguyên nhân nguồn vật liệu thông thường như đất, cát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khan hiếm, đã gây khó khăn cho toàn dự án này, mà nhất là nguồn đất đắp đường dẫn và mố cầu Tây An 1 và 2. Để thi công xong phần đất đắp cho dự án này, nhà thầu phải chịu lỗ hơn 30 tỷ đồng, vì giá nguyên vật liệu hiện nay tăng cao so với giá dự thầu trước đây. Mặc dù vậy, nhưng hiện nay vẫn chưa tìm ra nguồn đất san lấp để phục vụ công trình.

Đối với cầu sông Trường và cầu Nước Oa tại huyện Bắc Trà My được khởi công xây dựng từ tháng 6/2022, đây là 2 dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Nam. Khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho người dân đi lại an toàn trong mùa mưa bão và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của các huyện miền núi Quảng Nam. Tuy nhiên đến nay đường dân cảu hai cây cầu cũng trưa hoàn thiện vì thiếu nguồn đất san lấp…

Đường Võ Chí Công (Quảng Nam) được các nhà thầu thi công cầm chừng vì thiếu đất san lấp. Ảnh: Trần Tĩnh - TTXVN

Dự án thành phần 1 hoàn thiện đường ven biển Võ Chí Công, với mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Đây được coi là tuyến đường đẹp nhất trong khu vực khi hoàn thành. Sau 4 thán triển khai thi công đến nay còn nhiều “nút thắt”, nhất là về mặt bằng thi công; nguyên vật liệu san lấp…

Đại diện của Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng, đơn vị thi công cho biết: sau 4 tháng triển khai thi công đơn vị mới nhận bàn giao được 8/11 km mặt bằng sạch để triển khai thi công. Vì vậy việc tổ chức thi công còn hạn chế. Đồng thời, giá các loại vật tư, vật liệu tăng mạnh, cao hơn nhiều so với đơn giá dự thầu. Đặc biệt, nguồn đất đắp khan hiếm, mỏ đất cách công trường gần 40 km, chi phí vận tải cao nên đơn giá đất đắp về đến công trình cao hơn giá dự thầu đến 2 lần, tiềm ẩn nguy cơ lỗ lớn và gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nhà thầu cung cấp… Thực tế trên công trình còn rất nhiều đoạn chưa được giải tỏa và bàn giao mặt bằng. Các nhà thầu đang triển khai thi công một cách cầm trừng, máy móc thiết bị hạn chế hoạt động. Tiềm ẩn nguy cơ chậm tiến độ.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, hiện nay trên toàn tỉnh có 238 điểm mỏ vật liệu san lấp, với trữ lượng 113 triệu m³. Tuy nhiên, phần lớn các mở chưa đưa vào khai thác khiến nguồn cung vật liệu san lắp cho các công trình trọng điểm trở nên khan hiếm khiến nhiều hạng mục phải thi công cầm chừng. Ngoài ra, trên thực tế tại các mỏ cát, mỏ đất giá bán cao hơn với giá công bố.

Nhằm chấn chỉnh giá cả bán ra thị trường tại các mỏ, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam đề nghị cơ quan công an, cục thuế, quản lý thị trường cùng vào cuộc để siết chặt quản lý. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các địa phương trong việc phối hợp cập nhật báo cáo.

Trần Tĩnh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/quang-nam-thieu-nguyen-vat-lieu-cho-nhung-cong-trinh-trong-diem/332467.html