Quảng Nam: Làng rau truyền thống Trà Quế thu lãi gần 9 tỷ đồng/năm

Theo một số hộ dân ở Làng trồng rau truyền thống Trà Quế, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) đến ngày 8/2 (29 tháng Chạp), hầu hết lượng rau trồng phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn của làng đã được các thương lái, đại lý, các Trung tâm thương mại, siêu thị… trong và ngoài tỉnh thu mua hết để cung ứng cho thị trường.

Người dân Làng trồng rau truyền thống Trà Quế đang chăm sóc vụ rau Tết (ảnh tư liệu).

Nhiều hộ dân có diện tích trồng lớn tại làng nghề, như hộ ông Cao Chinh, Mai Cử, Lê Xưa… cho biết, rau Trà Quế từ xưa đến nay luôn nổi tiếng là thương hiệu rau sạch, được các hộ dân ưu tiên mua về để gia đình sử dụng, nên ngay từ những ngày đầu tháng Chạp các thương lái, đại lý… đã tìm đến các gia đình trồng rau trong làng nghề để đặt mua, đảm bảo có rau sạch cung ứng cho khách hàng quen.

Ông Mai Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cẩm Hà cho biết, làng trồng rau truyền thống Trà Quế hiện có 202 hộ tham gia trồng rau, gồm 16 loại rau thơm và rau ăn: húng, quế, ngò gai, tía tô, xà lách, cải, cải cúc, mồng tơi… trên tổng diện tích 18 ha. Bình quân mỗi năm làng rau Trà Quế sản xuất, cung ứng cho thị trường trên 800 tấn rau sạch các loại, đạt doanh số khoảng 12 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí: giống, phân bón, điện, thuốc bảo vệ thực vật,… làng rau thu lãi từ 8 - 9 tỷ đồng/năm.

Theo nhiều người lớn tuổi sinh sống tại Làng trồng rau truyền thống Trà Quế: Làng trồng rau Trà quế đã có hơn 400 năm lịch sử, tất cả các hộ dân trong làng từ xưa đến nay đều xem trồng rau là nghề truyền thống của làng, xem nghề trồng rau là niềm tự hào của địa phương.

Để bảo tồn và phát triển làng nghề, từ bao đời nay, người dân của làng đã có hương ước, quy định tất cả các hộ dân tham gia sản xuất rau phải luôn đưa phương châm "Vì an toàn của người sử dụng lên hàng đầu", tuyệt đối trồng và chăm sóc rau theo hướng hữu cơ, không sử dụng hóa chất, thuốc kích thích trong trồng trọt và bảo quản, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo liều lượng quy định của ngành nông nghiệp, ưu tiên sử dụng các dung dịch phòng, chống sâu bệnh được chế biến theo các phương pháp truyền thống từ các nguyên liệu tự nhiên như: ớt cay, tỏi, gừng, bạc hà,...

Tạo điều kiện cho các hộ dân đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, hàng năm, thành phố Hội An đều có chương trình hỗ trợ cây giống giống và phân bón cho bà con, tổ chức mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật để bà con áp dụng vào sản xuất, nâng cao số lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm của làng nghề.

Bên cạnh đó, xã Cẩm Hà cũng tổ chức cho bà con đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở một số làng nghề trồng rau nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Để giải quyết đầu ra cho bà con, để người dân yên tâm sản xuất, xã Cẩm Hà đã tổ chức thành lập Hợp tác xã Thương mại và du lịch làng rau Trà Quế, để quảng bá và làm đầu mối kết nối cung cấp nguồn rau sạch của làng với các trung tâm thương mại, các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh.

Cùng với đó, xã phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể dục - Thể thao và Truyền hình của thành phố tổ chức các tour du lịch trải nghiệm tại làng nghề để quảng bá sản phẩm, trích phần trăm tiền vé của tour du lịch cho bà con... Bình quân mỗi năm Làng trồng rau truyền thống Trà Quế thu hút khoảng 24.000 lượt khách du lịch (chủ yếu là du khách nước ngoài) về tham quan, trải nghiệm, đạt doanh thu khoảng 800 triệu đồng/năm.

Ông Cao Chính và một số hộ dân trong làng nghề cho biết, nhờ trồng rau nên đời sống của người dân trong làng ngày càng ổn định và phát triển, có điều kiện để mua sắm các vật dụng và phương tiện đắt tiền về sử dụng. Đặc biệt là có điều kiện để chăm sóc con cái học hành, tỷ lệ con em trong làng thi đỗ các trường đại học, cao đẳng hàng năm ngày càng tăng so với trước đây. Nhìn chung, đời sống của các hộ gia đình trồng rau làng Trà Quế ổn định hơn so với mặt bằng chung của các hộ dân các địa phương khác.

Ông Mai Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cẩm Hà cho biết thêm, để bảo tồn và phát triển làng nghề, trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân xã cẩm Hà sẽ khoanh vùng, quy hoạch diện tích trồng rau để bảo vệ diện tích và cảnh quan làng nghề; hướng người dân sản xuất theo quy trình hữu cơ, bảo vệ thương hiệu rau Trà Quế trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Bài và ảnh: Trịnh Bang Nhiệm (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/quang-nam-lang-rau-truyen-thong-tra-que-thu-lai-gan-9-ty-dongnam-20240208175611248.htm