Quảng Nam đẩy mạnh hoạt động bám biển vươn khơi

Nhờ các chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhiều ngư dân, nhóm hộ ngư dân được vay vốn, đầu tư đóng mới tàu vỏ thép công suất lớn, thiết bị đi biển, thiết bị khai thác, thiết bị bảo quản hiện đại. Thêm vào đó, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa đã góp phần động viên, khuyến khích ngư dân Quảng Nam mạnh dạn vươn ra các vùng biển xa.

Hướng phát triển từ những cảng cá mới

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có 2.715 tàu cá, trong đó tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi là 657 chiếc, tàu cá chiều dài từ 12m đến dưới 15m hoạt động vùng lộng là 720 chiếc, tàu cá chiều dài từ 6m đến dưới 12m hoạt động vùng bờ là 1.338 chiếc. Ngành khai thác thủy sản đã giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 lao động, trong đó 13.000 người khai thác trực tiếp trên biển và khoảng 2.000 lao động trên bờ làm nghề dịch vụ, thu mua.

Tàu cá ở Quảng Nam hầu hết đều đã lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình và được sơn màu cabin tàu để đánh dấu tàu cá theo đúng quy định.

100% tàu cá trên địa bàn tỉnh đã thực hiện sơn màu cabin tàu để đánh dấu tàu cá theo đúng quy định tại Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT. Tỉnh Quảng Nam hiện có 9 nghiệp đoàn nghề cá với 720 tàu/4.879 lao động; 158 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với 1.040 tàu/8.063 lao động tham gia đã góp phần hỗ trợ sản xuất, cứu nạn, cứu hộ khi có tai nạn, thiên tai trên biển.

Từ ngày 7/10/2020, cảng cá Tam Quang chính thức đi vào hoạt động. Đến ngày 10/2/2022, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định công bố mở cảng cá Tam Quang (huyện Núi Thành) là cảng cá loại II, với cầu cảng có chiều dài 167,4m, độ sâu vùng nước đậu tàu -5m. Cảng cá mới này là nơi mà tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên có thể cập cảng. Năng lực bốc dỡ hàng hóa 16.000 tấn/năm cùng với các khu phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá tại cảng như khu chế biến hải sản; khu sửa chữa tàu cá và sản xuất, cung cấp ngư lưới cụ… đã đưa cảng Tam Quang trở thành địa điểm đậu đỗ tàu thuyền mới của các ngư dân ở Quảng Nam; đồng thời mở ra những hướng phát triển mới cho nghề cá ở Quảng Nam, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Ngư dân Trần Hò ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Ngư dân Trần Hò (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành), chủ tàu QNa 91478 kể: "Khi chưa có cảng, bà con ở đây thường lo bão chỗ nọ, chỗ kia khiến tàu bè có thể bị hư hỏng. Nhưng khi cảng cá Tam Quang đi vào hoạt động, tàu bè của bà con đã có chỗ tránh trú an toàn". Còn ngư dân Huỳnh Minh Cảnh (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành) phấn khởi khoe: “Có cảng cá, việc thu mua hải sản của bà con thuận lợi hơn, giá cả ổn định, bà con không còn bị thương lái ép giá. Tàu bè ra vào ổn định theo luồng lạch”.

Ông Ngô Văn Định, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và quản lý cảng cá Tam Quang cho biết: “Giai đoạn trước đây người dân chưa có thói quen ghi nhật ký khai thác và cũng chưa chủ động báo trước 1 giờ trước khi tàu cập cảng, gây khó khăn trong công tác điều hành cũng như việc truy xuất nguồn gốc hải sản. Tuy nhiên, qua một thời gian kiên trì vận động, thuyết phục, ngư dân đã nhận thức rõ những lợi ích thiết thực của việc làm này. Đáng nói là việc có những cảng cá như cảng cá Tam Quang tạo điều kiện cho bà con tuân thủ nghiêm hơn các quy định về đi biển và có nơi để xác định nguồn gốc khai thác thủy hải sản, thuận tiện trong hoạt động giao dịch mua bán. Thêm nữa, chính quyền xã cũng mở nhiều lớp đào tạo kỹ thuật đánh bắt trên biển, cách ướp cá, sơ chế sản phẩm để bảo đảm chất lượng… nên bà con rất phấn khởi”.

Cảng cá Tam Quang ở huyện Núi Thành là nơi mà tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên có thể cập cảng.

Nỗi lo người già đi biển

Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý là hiện nay, lực lượng lao động trên các tàu cá ở Quảng Nam đang có xu hướng bị già hóa. Ngư dân Trần Hò cho hay, nhờ các chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhiều ngư dân, nhóm hộ ngư dân được vay vốn, đầu tư đóng mới tàu vỏ thép công suất lớn, thiết bị đi biển, thiết bị khai thác, thiết bị bảo quản hiện đại. Thêm vào đó, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa đã góp phần động viên, khuyến khích ngư dân mạnh dạn vươn ra các vùng biển xa.

Nhưng, hầu hết những lao động biển ở Tam Quang, huyện Núi Thành đều có độ tuổi cao, thậm chí nhiều tàu các ngư dân ở độ tuổi từ 45 - 65 tuổi. Người trẻ không còn hứng thú đi biển vì nhiều rủi ro, vất vả mà lương không cao bằng làm công nhân. Không chỉ tàu của ông Trần Hò, ông Trần Trường (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) có 3 con tàu với khoảng 20 lao động cũng gặp tình trạng tương tự. Độ tuổi trung bình của người lao động trên tàu của ông là 45 tuổi.

“Trung bình người đi biển có thu nhập từ 6 đến 9 triệu đồng/tháng nên việc duy trì được nguồn lao động đi biển, đặc biệt là lao động lành nghề, lao động làm việc được trên tàu là một bài toán khó khiến nhiều con tàu phải neo bờ, hoạt động cầm chừng. Tôi cũng gặp rất khó khăn trong việc giữ các lao động gắn bó với nghề”, ông Trần Trường tâm sự.

Có cảng cá Tam Quang ở huyện Núi Thành, việc thu mua hải sản của bà con thuận lợi hơn, giá cả ổn định, bà con không còn bị thương lái ép giá.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phan Vĩnh Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang, huyện Núi Thành cho biết, Tam Quang là xã đông dân nhất huyện Núi Thành với trên 13.000 dân, trong đó 70% sống bằng nghề khai thác biển, thủy sản. Xã có 342 phương tiện đánh bắt khai thác trên biển; 206 phương tiện 90 CV trở lên. Để hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi bám biển, thời gian qua, xã Tam Quang đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tuyên truyền cho bà con hiểu về pháp luật trên biển, hỗ trợ về phương tiện, thông tin, trang thiết bị…

Tuy nhiên, hiện nay, do điều kiện, đời sống, trình độ học tập của con em người dân Tam Quang thay đổi nên phần đông người trẻ ở địa phương đi học, đi làm trong các khu công nghiệp. Việc này phần nào ảnh hưởng tới lao động đánh bắt, khai thác biển. Vì vậy, để thu hút lao động đánh bắt, khai thác biển, cần nâng cao khai thác đạt hiệu quả cao thì người dân mới vươn khơi bám biển.

Để hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi bám biển, thời gian qua, xã Tam Quang, huyện Núi Thành đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tuyên truyền cho bà con hiểu về pháp luật trên biển, hỗ trợ về phương tiện, thông tin, trang thiết bị…

“Thời gian qua, chính quyền địa phương đã tiếp tục cùng ngư dân kiện toàn, củng cố các tổ đoàn kết sản xuất trên biển để ngư dân nương tựa nhau làm giàu từ biển gắn với tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trên biển. Chúng tôi khuyến khích ngư dân đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu cá có công suất lớn để vững vàng vươn khơi bám biển, kỳ vọng đạt mức sản lượng hải sản khá. Các chính sách hỗ trợ được tuyên truyền, giúp ngư dân tiếp cận, tạo động lực sản xuất ở các vùng biển xa. Về phía ngành chức năng, trước mỗi chuyến biển, ngoài kiểm tra thủ tục, giấy tờ liên quan, chúng tôi còn đến từng tàu cá gặp chủ tàu, thuyền trưởng và lao động để vận động thực hiện các quy định chống IUU với hình thức và nội dung phù hợp, dễ hiểu”, ông Tiến nói.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, kinh tế biển đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Trong năm 2023, ngư dân Quảng Nam đặt mục tiêu khai thác hải sản các loại vượt mức đạt được của năm 2022. Để đạt mục tiêu này, ngoài việc đẩy mạnh chương trình cải hoán, nâng cao công suất tàu thuyền, tỉnh Quảng Nam cũng đang xúc tiến chương trình hiện đại hóa nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản với việc đầu tư xây dựng hạ tầng nghề cá; khuyến khích ngư dân phát triển dịch vụ cung cấp nhiên liệu trên biển, nâng cao khả năng bảo quản, sơ chế sản phẩm sau thu hoạch để nâng cao giá trị kinh tế sau mỗi chuyến biển. Đặc biệt, Quảng Nam còn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để ngư dân tự giác chấp hành đầy đủ các quy định của Luật Thủy sản, chấp hành đầy đủ các quy định về chống khai thác đánh bắt hải sản trái phép.

H.Chi

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/quang-nam-day-manh-hoat-dong-bam-bien-vuon-khoi-i702862/