Quảng Bình: Sông “nuốt” đất, đất lở“đuổi” dân đi

VH- Trong tháng 10, Quảng Bình liên tục gánh chịu liên tiếp những trận mưa lũ gây thiệt hại nặng nề. Mưa lũ đã đi qua, hậu quả đã từng bước được khắc phục, cuộc sống đang dần ổn định nhưng người dân ở đây đang từng ngày đối mặt với nỗi lo mới, đó là tình trạng nước sông “nuốt” đất mất làng, mất đất canh tác.

Dưới đồng bằng, sông “nuốt” mất đất

Nằm bên dòng chảy của sông Kiến Giang và Đại Giang, xã Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh) là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi nạn sạt lở bờ sông. Mỗi năm, nơi đây lại bị nước sông lấn thêm vài mét, có nơi lấn đến vườn nhà của nhiều hộ dân.

Sau trận lũ vừa qua, nước từ thượng nguồn đổ về với cường độ mạnh càng làm gia tăng mức độ sạt lở. Cả xã Hiền Ninh có 8 thôn, thì có đến 5 thôn bị sạt lở.

Cụ thể, thôn Đồng Tư có 15 ha đất sản xuất nông nghiệp, mỗi năm sạt lở mất 3 - 4 ha. Thôn Cổ Hiền có 70 ha đất sản xuất nông nghiệp thì mỗi năm quân bình dòng sông “nuốt” mất 6 ha. Tình trạng này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Không chỉ riêng xã Hiền Ninh mà từ xã Tân Ninh, xã Duy Ninh đến Hàm Ninh và từ xã Võ Ninh đến Lương Ninh của huyện Quảng Ninh ở dọc theo dòng sông cũng bị sạt lở nghiêm trọng kéo dài trên 10 km.

Sạt lở hai bên bờ sông nhiều năm nay đã và đang thu hẹp dần diện tích đất ở và đất sản xuất của người dân. Riêng trong trận lũ vừa qua, huyện Quảng Ninh có hơn 1 km bờ sông bị sạt lở sâu từ 3-4m. Để ngăn chặn tình trạng này, chính quyền và nhân dân xã Hiền Ninh đã huy động nhân dân trồng tre, dứa, bần ven sông nhằm hạn chế tác động của dòng nước gây sạt lở. Tuy nhiên, hiệu quả không cao do dòng chảy của sông quá mạnh.

Được sự hỗ trợ của Nhà nước, huyện Quảng Ninh cũng đã tiến hành xây dựng các công trình kè, đập, nhưng do điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp, mức độ sạt lở nhiều đoạn bờ sông ngày càng nghiêm trọng.

Vùng núi, đất lở đuổi dân đi

Đã hai năm nay, nước lũ dâng từ dòng suối Dương Cau đã cuốn phăng hàng ngàn mét khối đất khiến hàng chục hộ dân tại thôn Tăng Hóa, xã Hóa Sơn (huyện Minh Hóa) phải bỏ chạy. Đợt lũ trong cơn bão số 4 và số 5 vừa qua tiếp tục làm sạt lở đất, suối mở rộng thành sông, 14 hộ dân phải khẩn cấp di dời.

Thôn Tăng Hóa có 80 hộ dân. Những đợt sạt lở kinh hoàng xảy ra hai năm nay, từ đợt lũ kép năm 2010, hàng trăm mét dài chạy theo dòng suối Dương Cau bị sạt lở nghiêm trọng. Nước “ngoạm đất” vào sát nhà dân, có nơi gần 20m.

Đất lở ở thôn Tăng Hóa, xã Hóa Sơn (huyện Minh Hóa) khiến cho người dân phải... bắc thang mới xuống được suối Dương Cau

Ông Đinh Minh Đức (SN 1959) chỉ về gốc mít dưới lòng khe, nơi trước đây là vườn của mình, mỗi năm vẫn cho trĩu quả, nói: “Tui vô đây ở từ năm 1982. Nhà tui có 1,6 sào đất nhưng lũ trong hai năm nay đã làm sạt lở gần 70m chiều dài và sâu vào hơn 15m tính từ bờ khe cũ” . Đợt lũ vừa rồi, vườn của ông Đức đã bị nước làm sạt lở sâu vào hơn 2m và có khả năng tiếp tục lở thêm.

Hiện nay, ông Đức cùng vợ con đang chuẩn bị mọi thứ để di dời nhà tới vùng đất an toàn để xây dựng. Những hộ gia đình như ông đều được hỗ trợ tiền theo chương trình 30A của Chính phủ để làm nhà. Tuy nhiên, tiền để vận chuyển, tiền công cũng là một vấn đề đáng nói của những người dân ở đây. Hiện, UBND xã đã chủ động trích quỹ cho mỗi người dân thuộc diện di dời ứng mượn 2 triệu đồng. Nếu có tiền hỗ trợ từ huyện, số tiền đó sẽ được khấu vào.

Phó chủ tịch xã Hóa Sơn Đinh Thanh Tiến cho biết, năm 2010, tại Tăng Hóa đã có 11 hộ dân phải di dời. Những hộ đó nằm cạnh bờ khe cũ. Năm nay, lại có thêm 14 hộ dân thuộc diện phải di dời khẩn cấp. Do ở Tăng Hóa là thôn ở vùng sâu, điều kiện để xây bờ kè chống sạt lở là không khả thi nên cách tốt nhất là di dời. Ngoài 14 hộ thuộc diện di dời khẩn cấp này, sẽcòn nhiều hộ khác trong thôn cũng có khả năng phải di chuyển vì đất vẫn tiếp tục sạt lở.

Theo ông Tiến thì xã Hóa Sơn còn ba vùng đất gần để di dời dân Tăng Hóa là xóm Nhà Cù, xóm Bắng và xóm Ổi. Tuy nhiên, quỹ đất cũng không còn là bao nhiêu. Riêng xóm Ổi có nhiều đất nhất và an toàn thì lại nằm ở bên kia khe. Kinh phí xây cầu không có nên việc di dời dân sang đây vẫn chưa thể tính tới. Đợt lũ vừa rồi, xã đã báo cáo lên huyện tình hình thiệt hại và khả năng di dời các hộgia đình sống trong vùng sạt lở. Ông Tiến tỏ ra lo lắng: “Dân ở đây chưa có điều kiện, có nhiều hộ mới vào lập cư chưa lâu nay lại phải tính chuyện di dời, quả là một cái khó cho họ”.

Phạm Phú Thép

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/chinhtrixahoi/40402.vho