Quần xanh, áo nâu

Hai tuần trước, mẹ tôi đưa về nhà một đứa con gái và bảo với tôi mấy câu gọn lỏn: 'Em tên là Nga. Từ nay Nga sẽ ở cùng gia đình ta. Con phải coi Nga như em ruột của mình'.

Lúc mới đến, nó mặc bộ quần xanh, áo nâu cũ sờn, cáu bẩn. Nó kém tôi đến hai ba tuổi, gầy và đen như củ tam thất. Vậy mà không hiểu sao bố mẹ tôi lại yêu nó thế, còn tôi thì ghét nó kinh khủng. Vì từ ngày có nó đến ở cùng, hình như bố mẹ tôi ít quan tâm đến tôi hơn. Cái gì cũng chỉ cho nó. Đi làm vừa về đến nhà, mẹ đã gọi: “Nga đâu, ra mẹ cho kẹo nào”. Rồi mỗi tối, bố thường vẫy nó lại gần, lời nói êm ái hiếm thấy: “Nga đâu, ra bố kể chuyện cổ tích cho mà nghe”. Những lời bố mẹ tôi dành cho nó làm tôi điên tiết.

Không dám trái lời bố mẹ, nhưng tất nhiên tôi luôn ngầm trả đũa nó. Tới bữa ăn cơm tôi chỉ xếp ba cái bát, ba đôi đũa hoặc đũa ăn của nó, tôi chỉ đưa một chiếc thôi. Tôi làm vậy là để tỏ rõ cho nó biết rằng tôi ghét nó, không muốn thấy sự có mặt của nó ở cái nhà này. Biết bị tôi ghét nhưng nó không hề giận mà vẫn tìm cách lân la đến nói chuyện với tôi. Những lúc đó tôi luôn lảng tránh hoặc cáu gắt ầm ĩ hoặc đùng đùng bỏ đi. Nó rất buồn nhưng tôi lại lấy thế làm thích thú.

Một buổi sáng, tôi ngủ dậy rất muộn. Vừa bước chân xuống cầu thang, tôi thấy nó đang bê bộ ly đi rửa (bộ ly này là kỷ vật duy nhất của cụ nội tôi để lại). Hừ! Nó là cái thá gì mà cũng đòi rửa bộ ly này? Chả làm bẩn thêm chứ à! Nghĩ vậy, tôi liền đến đứng chặn trước cửa bếp, hất hàm:

- Mày mà cũng đòi xứng đáng rửa bộ ly này ư? Đưa đây!

Nói rồi, tôi xô mạnh đến giằng lấy bộ ly. Không hiểu vì bất ngờ hay quá sợ hãi mà người nó co rúm lại, bộ ly rơi xuống vỡ tan tành. Tôi tái mặt, bước lùi lại phía sau. Nhìn những mảnh ly vỡ, mắt tôi hoa lên. Người tôi như điên lên, giơ tay tát “bốp” vào mặt nó. Về chuyện đó, sau một hồi điều tra phân xử đúng, sai rành mạch của bố mẹ, tôi bị một trận đòn nhớ đời. Chuyện bộ ly, biết là mình sai nhưng tôi vẫn ấm ức không chịu được. Tôi bỏ vào phòng nằm bẹp ở đó. Đang thiu thiu ngủ, tôi nghe thấy tiếng động nhẹ. Mở mắt ra, tôi thấy cái Nga đứng trước mặt với tô cháo bốc hơi nghi ngút.

- Chị dậy ăn cháo đi!

Nói rồi, nó đặt tô cháo lên bàn. Tôi hét lên:

- Mày đi đi! Không thèm nhìn, tôi lấy tay gạt mạnh tô cháo.

- Ái…!

Tôi giật mình quay lại. Trời ơi! Nước cháo nóng bắn đầy trên mặt nó, tôi vô cùng hoảng sợ.

Nhìn nó run rẩy lau những vết bẩn trên sàn nhà, tôi chợt ân hận về hành động hơi quá đáng của mình. Nhưng rồi tôi lại tự nhủ: đã thấm gì so với trận đòn trưa nay đâu. Chính vì nó mà tôi phải hứng trận đòn ấy. Nghĩ vậy, tôi ngồi phắt dậy, mắt long lên giận dữ:

- Đồ con hoang! Chỉ vì mày mà tao bị đòn oan, chỉ vì mày mà tao phải khổ sở cả tuần nay. Tao căm thù mày… Cút đi… đồ con hoang… Cút đi… cút đi!

Bao nhiêu uất ức dồn nén trong lòng tôi một tuần nay bây giờ được thoát ra. Tôi nguyền rủa nó và nói thẳng cho nó biết là tôi không muốn sự có mặt của nó ở ngôi nhà này. Nó thất thểu bước ra khỏi cửa phòng. Hình như nó đưa tay quệt nước mắt. Mặc kệ! Tôi uể oải nằm lăn ra giường, ngủ tiếp. Thức dậy, tôi thấy một mảnh giấy đặt trên bàn, vội mở ra đọc. Những dòng chữ nhảy múa trước mắt tôi:

Chị Lệ!

Em là đứa trẻ sống lang thang trên hè phố, được bố mẹ chị mang về nuôi. Em rất sung sướng vì em sẽ có một gia đình - điều mà em luôn ước ao. Tiếc rằng sự có mặt của em đã làm cho chị khổ.

Em nghe nói có một cái làng SOS chuyên nhận những đứa trẻ như em. Em thấy cần phải tới đó. Ra đi, em không giận chị đâu. Vì nếu là chị, có khi em cũng xử sự như vậy thôi.

Chào chị.

Em Nga”

Tôi kinh ngạc, có phần hoảng sợ trước sự ra đi bất ngờ của nó. Thế mà trước đó tôi cứ nghĩ rằng nó sẽ tìm đủ mọi cách để bám lấy gia đình tôi. Tôi ân hận nhưng đã muộn quá rồi. SOS, tiếng kêu cứu của nhân loại xa vời tận đâu. Cái làng SOS ấy ở chân trời nào? Liệu nó có đi tới được cái làng từ thiện ấy không?

Một buổi tối, ngồi xem ti vi, tôi giật mình vì những hàng chữ hiện lên rõ mồn một trong chương trình thông tin - quảng cáo… “khoảng 12, 13 tuổi… chết đuối… quần xanh, áo nâu… Ai là thân nhân của người bị nạn…”. Tai tôi như ù đi! Trời ơi! Quần xanh, áo nâu… có lẽ nào lại là Nga? Tôi dán mắt vào màn hình: “quần xanh, áo nâu vá vai… cao khoảng 1m40…” dòng tin chỉ đưa một cách chung chung, có lẽ không phải là Nga. Người Nga thấp hơn thế. Vả lại, ở đời này có đến hàng trăm, hàng nghìn cô bé mặc quần xanh áo nâu như thế chứ. Tôi cầu mong và van xin thượng đế đừng chụp sự rủi ro xuống đầu Nga. Nghĩ vậy, tôi bình tĩnh trở lại đôi chút. Nhưng rồi lại thấy thoáng buồn, dù sao vẫn có một cô bé gặp tai họa. Cô bé ấy có bị một kẻ nào đó dồn đuổi khỏi cái tổ ấm gia đình mà lẽ ra được hưởng như tôi đã làm với Nga không?

Suốt đêm đó, tôi không sao ngủ được. Cứ nhắm mắt, tôi lại nhìn thấy hình ảnh Nga mặc quần xanh áo nâu, cúi gầm mặt bước đi trên con đường dài đầy mưa gió.

Tôi thở dài, ước ao tất cả những cô bé quần xanh áo nâu ở trên đời này không bao giờ gặp nạn.

Truyện ngắn của Hải Yến

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/van-hoa/quan-xanh-ao-nau-276503-98.html