Quan trọng là thay đổi phương thức sản xuất

Sau gần ba năm triển khai Chương trình Xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, toàn bộ 401 xã của Hà Nội hoàn thành quy hoạch và đề án xây dựng NTM. Trong đó, có 21 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn NTM. Thành phố đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu đến cuối năm nay, có thêm 27 xã hoàn thành các tiêu chí NTM.

Tuy nhiên, qua khảo sát tại các xã cơ bản hoàn thành tiêu chí về NTM, chúng tôi nhận thấy, diện mạo của vùng nông thôn được thay đổi chủ yếu là do công tác xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh trong thời gian qua. Ở một số xã, do làm tốt công tác dồn điền đổi thửa, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp phát triển, cho nên năng suất cây trồng nâng cao, thời gian nông nhàn nhiều hơn, tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển nghề phụ hoặc làm dịch vụ, nhờ vậy cải thiện thu nhập, đời sống của người dân. Khâu yếu nhất trong xây dựng NTM hiện nay là việc chuyển đổi phương thức sản xuất. Xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) là một trong những mô hình điểm xây dựng NTM của Trung ương. Đến nay, Thụy Hương đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM, thu nhập bình quân của người dân đạt 22 triệu đồng/người/năm. Tuy vậy, mức thu nhập này vẫn thấp hơn mức thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn thành phố (23,7 triệu đồng/người/năm). Nguyên nhân là do nguồn thu nhập chính của người dân chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp, trong khi những đột phá mới trong nông nghiệp lại chưa nhiều. Năm 2009, khi được chọn là xã điểm triển khai xây dựng NTM, xã xác định chiến lược phát triển kinh tế là triển khai năm đề án phát triển sản xuất gồm: hoa cây cảnh, rau an toàn, cây ăn quả, chăn nuôi xa khu dân cư và cụm tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, hai đề án chăn nuôi xa khu dân cư và cụm tiểu thủ công nghiệp vẫn chưa được triển khai. Xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) - xã điểm NTM của thành phố, cũng ở trong tình trạng tương tự. Theo đề án xây dựng NTM, xã quy hoạch hơn 31 ha trồng rau an toàn nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Quy hoạch 10 ha làng nghề để phát triển tiểu thủ công nghiệp vẫn là đề án trên giấy do thiếu những cơ chế chính sách cần thiết để thực hiện. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu ngành nghề trên địa bàn xã chưa có chuyển biến đáng kể, người dân chủ yếu vẫn làm nghề nông.

Những khó khăn trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân ở Thụy Hương hay Song Phượng cũng là thực tế diễn ra ở nhiều địa phương khác của thành phố khi triển khai chương trình này. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các xã xây dựng NTM hiện vẫn còn chậm và chưa vững chắc. Nguyên nhân gây nên tình trạng này vẫn là những khó khăn "muôn thuở" như vướng mắc về giải phóng mặt bằng, về kinh phí đầu tư. Khu vực quy hoạch làm cụm tiểu thủ công nghiệp ở Thụy Hương vốn là khu đất chia cho các xã viên làm mạ, nên tuy chỉ rộng 10 ha, nhưng liên quan đến hơn 400 hộ dân của ba thôn Trung Tiến, Phúc Cầu và Phú Bến. Một số hộ chưa đồng tình nên chưa triển khai được. Đối với dự án chăn nuôi xa khu dân cư, xã đã tiến hành họp các hộ có ruộng, cho các hộ có nhu cầu đăng ký. Kết quả đã có 40 đơn đề nghị vào khu chăn nuôi. Tuy nhiên, sau khi họp dân, một số ý kiến chưa đồng thuận về phương án cho thuê ruộng với giá 250 kg thóc/sào/năm nên dự án dừng lại. Tại xã Song Phượng, dự án 10 ha làng nghề cần khoảng 100 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng trong khi ngân sách địa phương còn eo hẹp, nên cũng chưa thể làm ngay...

Rõ ràng, việc các dự án, đề án chậm triển khai do sự vào cuộc còn thiếu quyết liệt, ngại việc khó, ngại va chạm của chính quyền các địa phương. Trước thực tế này, thành phố cần chỉ đạo các ban, ngành chức năng xem xét, giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn về tổ chức sản xuất, hỗ trợ về cơ chế, chính sách... để các dự án được triển khai nhanh chóng, thuận lợi, xây dựng phương thức sản xuất mới, hiệu quả cho nông dân, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM một cách vững chắc.

THANH HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/hanoi/de-thu-do-ta/item/21626202-quan-trong-la-thay-doi-phuong-thuc-san-xuat.html