Quan tòa dân gian

Già làng là những “cây đa đầu suối” được dân tin yêu, tôn sùng. Mỗi khi trong buôn có mâu thuẫn, kiện tụng, họ lại trở thành quan tòa dân gian để thực thi luật tục, hóa giải hiềm khích.

Ông Y Trí động viên con cháu sống chan hòa.

Chuyên gia xử kiện

Đến buôn Adrơng Ea Brơ, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, Đắk Lắk hỏi nhà Y Trí Mlô, thì từ người già tới trẻ nhỏ ai cũng vui vẻ chỉ đường, bởi ông chính là “chuyên gia xử kiện” có tiếng trong buôn. Đã qua 70 mùa rẫy, ông vẫn giữ được thân hình rắn chắc, đôi mắt sáng quắc cùng làn da nâu bóng, giọng nói sang sảng vang vọng khắp ngôi nhà dài Êđê truyền thống. Hơn 26 năm giữ quyền thực thi luật tục, già Y Trí không nhớ mình đã xét xử bao nhiêu vụ kiện lớn nhỏ, chỉ biết thời “mới vào nghề” mái tóc còn đen bóng nay đã ngả màu bạc trắng.

Lần xử đầu tiên vào năm 1980, lúc ấy trong buôn có 2 chị em nhà Amí Băy chẳng rõ lý do gì suốt ngày cãi vã nói xấu nhau đủ điều. Gia đình, họ hàng khuyên can hết lời họ vẫn quyết không nhìn mặt nhau. Hết cách, mẹ Băy sang nhờ Y Trí. Lắng nghe tâm sự của 2 nàng, ông mới vỡ lẽ. Cô em suốt ngày chê bai hai vợ chồng chị “siêng ăn nhác làm”. Người chị lại trách em “trẻ con lắm chuyện” dẫn đến bất hòa. Ông tận tình phân tích đúng sai, cuối cùng 2 chị em chịu làm lành, cam kết ai gây hiềm khích sẽ bị phạt 1 con heo 50kg.

Từ đó, bất kể chuyện lớn nhỏ trong buôn, từ trộm gà mất lợn, tranh chấp đất đai, vợ chồng cãi nhau, con cái vô lễ với cha mẹ,… người dân đều mách ông. Đôi khi họ tìm đến ông chỉ để tâm sự, hoặc nghe một lời khuyên chân tình. Có những chuyện phân xử 1 lần là xong, nhưng lắm vụ lắt léo gay go xử 5-7 lần vẫn không được, phải đưa ra Tòa án nhân dân huyện giải quyết.

Vụ khiến ông lao tâm tổn trí nhất là xử ly hôn cho vợ chồng Amí (mẹ- tiếng Ê đê) Xuân trong buôn. Hai vợ chồng sống với nhau gần nửa đời người, con cháu đề huề hiếu thảo. Ama (bố) Xuân thường ngày không vũ phu gây gổ với vợ con, chả hiểu sao vợ ông cứ nhất quyết đòi bỏ chồng mà không nói rõ nguyên nhân. Dò hỏi dòng họ hai bên không có kết quả, già làng Y Trí Mlô phải dọa Amí Xuân nếu không có lý do chính đáng sẽ khép vào tội quan hệ bất chính, Amí Xuân mới thổ lộ hết nỗi tức tối giấu kín bấy lâu nay. Người chồng tuy không nhậu nhẹt nhưng hay vay tiền nhiều người rồi bắt vợ trả hết lần này đến lần khác.

Già làng Y Trí Mlô ra sức khuyên ngăn, hàn gắn tình cảm cho vợ chồng họ, nhưng rồi Ama Xuân vẫn chứng nào tật nấy, già Y Trí mới đưa sự việc ra ban tư pháp xã, để tòa án huyện xử lý theo pháp luật. “Năm lần hòa giải không xong, chúng nó bỏ nhau, tôi buồn lắm. Từ ngày ly dị, thằng chồng quay về nhà mẹ đẻ sống, cứ vài hôm nó lại sang xin Amí Xuân cho ở nhưng bị xua đuổi nên bỏ đi lang thang. Nghĩ cũng tội, nhưng nó phải trả giá cho sai lầm đã phạm !”- Già Y Trí thở dài.

Già làng Y Trí Mlô.

Nhờ xét xử công bằng, thấu tình đạt lý, tiếng tăm già làng Y Trí vang xa. Nhiều vụ xã khác “chào thua” phải cậy đến ông, như vụ tranh chấp bò ở buôn Kdrô, xã Chư Né vào năm 2012. Nhà Y Wil và Y Duyên cùng gửi bò cho một người nuôi thuê. Đầu năm 2011 bò mẹ nhà Wil chuyển dạ sinh con to khỏe. Y Duyên nổi lòng tham tranh giành.

Hai bên cự cãi triền miên, già làng, trưởng buôn Kdrô phân xử nhiều lần nhưng bất thành. Già Y Trí vào cuộc, triệu tập chủ nhận nuôi và một số hộ chăn bò cùng. Tất cả đều khẳng định bò của nhà Wil nhưng Duyên cứng đầu chối bỏ cho rằng thiên vị. Ông chuyển sang phương án 2, quyết định cho giết bê con chia đều hai bên. Duyên lộ tẩy ký ngay vào biên bản đồng ý. Riêng Y Wil tự nguyện nhường lại vì không muốn giết chú bê bé bỏng đồng thời ngỏ ý mua lại. Trước tấm lòng cao thượng của Wil, Y Duyên nín lặng.

Để Duyên tâm phục, ông dùng kế buộc 2 con bò mẹ cách nhau 50m rồi thả chú bê con xem nó chạy về đâu. Nghe tiếng kêu chú bê chạy tót về phía mẹ quấn quýt trước sự chứng kiến của dân làng và gia đình 2 bên “nguyên - bị”. Y Duyên đành cúi đầu xin lỗi già làng, gia đình nhà Wil và chịu phạt 1 con bò. Thấy Y Duyên ăn năn hối lỗi, già làng khuyên anh bỏ tính tham lam, giữ đúng bản chất trung thực hiền lành vốn có của người Êđê. Thấy đôi bên hòa hiếu, dân làng liên tục vỗ tay khen ngợi.

Xét xử theo luật tục

Cũng nhờ đức tính siêng năng, thật thà, hiểu nhiều biết rộng và tài ăn nói “con kiến cũng phải nghe”, ông Y Bly Niê (65 tuổi ở buôn Jang lành, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) đã được dân làng tin yêu, bầu chọn là người uy tín từ năm 2013 tới nay.

Hỏi về luật tục xử kiện, ông cho hay: Mỗi buôn làng, tộc người đều có luật tục riêng. Người Ê Đê khác Ja Rai, Xê đăng, M’ nông,… Luật của người Ê Đê ở Đắk Lắk khác với người Ê Đê ở Gia Lai, Kon Tum,… Tuy nhiên dù ở đâu, luật tục đều có điểm chung là phân xử công bằng, hợp tình trọn lý, lấy giáo dục làm trọng tâm, việc xử phạt vật chất chỉ là phụ nhằm đảm bảo tính tôn nghiêm của luật tục. Luật tục quy định trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn mang tính ràng buộc giữa người đứng đầu với dân làng và ngược lại. Các luật tục được phổ biến sâu rộng trong buôn làng và được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người thực thi luật tục phải được dân tin tưởng “nói dân nghe, xử dân tin” mới xứng đáng làm “cây đa đầu suối”.

Ông Y Bly Niê bên vợ.

Tùy từng sự việc, phạm tội nặng- nhẹ, người xử đưa ra mức phạt thích đáng hợp lòng dân. Theo luật tục Ê Đê, quan hệ bất chính là tội nặng nhất. Những trường hợp tố ngoại tình có chứng cứ, nếu rơi vào người vợ thì toàn bộ lễ vật bắt chồng sẽ bị mất hết. Khi ly dị người vợ phải nuôi con từ 18 tuổi trở xuống, chồng không có nghĩa vụ phụ cấp hàng tháng như luật pháp hiện hành. Nếu chồng ngoại tình bị phạt 1 con trâu, hoặc 1 con heo, đuổi về nhà mẹ ruột với 2 bàn tay trắng.

Trường hợp không có chứng cứ xác thực, người xử kiện cho thời gian tối đa 3 tháng vẫn không đưa ra bằng chứng, người tố phải “đền duyên”. Tùy theo cam kết giữa hai vợ chồng lúc cưới, thông thường phạt 100 nghìn đồng kèm 1 con heo 50 kg. Nếu người bị phạt không có trâu, heo, gà có thể thay thế bằng số tiền tương ứng. Ngày xưa người xử dựa theo hương ước, chỉ “xử miệng” giữa 2 bên kiện. Nay phiên xử diễn ra tại nhà cộng đồng có trưởng buôn tham dự, có thư ký ghi chép nội dung lập thành văn bản giao cho trưởng buôn và hai bên làm bằng chứng.

Theo già làng Y Bly, mức phạt chiếu theo luật tục hiện nay đã giảm rất nhiều so với trước kia. Những tội như trộm gà, lợn, thanh niên gây gổ đánh nhau, già làng chỉ đến hòa giải chứ không phạt trâu, bò, heo gà rượu,… cúng thần linh xin xóa tội như xưa, nhằm giảm gánh nặng cho các hộ nghèo lỡ vướng phải tội, và để kẻ chịu phạt có khả năng thi hành.

Nhiều năm “giữ cán cân lẽ phải” già Y Bly tự hào vì số vụ mâu thuẫn trong buôn giảm hẳn cả về số lượng lẫn tính chất sự việc. Trường hợp đôi vợ chồng trẻ mới cưới nhau không tránh khỏi xung đột bất hòa, lúc đó già đến khuyên ngăn “cơm sôi nhỏ lửa” gia đình yên ắng.

Dành nhiều thời gian, tâm trí cho nhiều vụ kiện rắc rối phức tạp, các vị quan tòa dân gian nhận lại không gì ngoài mớ rau rừng, quả ngọt đầu mùa,… chừng ấy thôi cũng đủ ấm lòng cho những người góp sức gìn giữ bình yên cho buôn làng.

Ông Lê Ngọc Vinh, Trưởng phòng chính sách dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk cho biết: Năm 2016 toàn tỉnh có 1.026 người có uy tín trong 2.470 buôn, thôn đồng bào dân tộc thiểu số. Họ là những người có tiếng nói mạnh mẽ, có thể giải quyết các xung đột, khiếu kiện, tham gia đảm bảo an ninh trật tự cho buôn làng một cách thấu đáo, do cộng đồng dân cư tín nhiệm đề cử.

Lần xử đầu tiên vào năm 1980, lúc ấy trong buôn có 2 chị em nhà Amí Băy chẳng rõ lý do gì suốt ngày cãi vã nói xấu nhau đủ điều. Gia đình, họ hàng khuyên can hết lời họ vẫn quyết không nhìn mặt nhau. Hết cách, mẹ Băy sang nhờ Y Trí. Lắng nghe tâm sự của 2 nàng, ông mới vỡ lẽ. Cô em suốt ngày chê bai hai vợ chồng chị “siêng ăn nhác làm”. Người chị lại trách em “trẻ con lắm chuyện” dẫn đến bất hòa. Ông tận tình phân tích đúng sai, cuối cùng 2 chị em chịu làm lành, cam kết ai gây hiềm khích sẽ bị phạt 1 con heo 50kg.

Huỳnh Thủy

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/quan-toa-dan-gian-1057602.tpo