Quần thể voọc cực kỳ nguy cấp đang hồi sinh ở Việt Nam

Gần 30 năm trước, voọc mông trắng, loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm của Việt Nam, có tên trong 'Sách Đỏ' bị đe dọa tuyệt chủng ở mức toàn cầu. Nạn săn trộm và mất môi trường sống đã gần như xóa sổ loài này. Nhưng, số lượng vooc mông trắng hiện đã tăng lên khoảng 250 cá thể và chúng đang có dấu hiệu hồi sinh tốt ở Ninh Bình.

Những con voọc với hoa văn đặc biệt này từng bị đe dọa nghiêm trọng theo Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (IUCN).

Chúng được đặt tên để vinh danh nhà khoa học người Mỹ gốc Pháp Jean Theodore Delacour, người phương Tây đầu tiên gặp loài vật này. Đặc điểm độc đáo khiến nó có tên địa phương là "voọc quần đùi trắng".

Vào cuối những năm 1980, các nhà khoa học đã tìm thấy khoảng 300 cá thể voọc quần đùi trắng ở Việt Nam. Dữ liệu của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Thế giới cho biết chỉ còn khoảng 250 cá thể vào năm 2015. Khi ấy, chúng bị đe dọa do những kẻ săn trộm để sử dụng cho “cái gọi là y học cổ truyền”.

Hiện, loài vật này đang cho thấy phát triển tốt ở khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, tỉnh Ninh Bình và ở vùng núi đá vôi tỉnh Hà Nam. Ông Trần Xuân Quang làm việc cho khu bảo tồn cho biết giờ có thể nhìn thấy chúng thường xuyên và nhìn màu lông để biết sức khỏe của chúng.

Ông Trần Xuân Quang – Nhân viên khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long: "Trước khi làm bảo tồn, khu bảo tồn ngập nước Vân Long chỉ có khoảng 20 - 30 cá thể. Hiện nay chúng đã tăng lên khoảng 200 cá thể. Và đôi khi chúng ta có thể phát hiện ra những con voọc con trong đoàn. Nó có nghĩa là chúng đang phát triển ổn định. Thành quả đó là kết quả của quá trình bảo tồn".

Các biện pháp nghiêm ngặt để bảo tồn đã giúp cho quần thể động vật ngày càng tăng lên. Theo ông Quang, người dân địa phương từng là mối đe dọa với voọc, nay đã giúp đỡ để bảo vệ chúng trở thành biểu tượng của khu vực.

Một tin vui đã đến vào năm ngoái khi một con voọc con khỏe mạnh được sinh ra trên đảo, làm dấy lên hy vọng về sự gia tăng số lượng các loài động vật này trong tự nhiên.

Ông Tilo Nadler - Nhà linh trưởng học, Giám đốc Trung tâm cứu hộ Linh trưởng nguy cấp Cúc Phương: "Việc giảm thiểu tác động bên trong khu vực này là thực sự cần thiết, chúng ta có thể giữ được môi trường sống quan trọng cho các loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao."

Nhà linh trưởng học Tilo cho biết thêm, để tránh sự mất đi của loài voọc mông trắng, Hội Động vật học Frankfurt đã hỗ trợ Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long. Nhờ vào sự nỗ lực của các bên, số lượng quần thể voọc mông trắng ở đây đã tăng gấp 4 lần trong suốt 20 năm qua.

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/quan-the-vooc-cuc-ky-nguy-cap-dang-hoi-sinh-o-viet-nam