Quản TĐ, TCT: Lấp lỗ hổng pháp lý

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 99 phân định lại nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (TĐ, TCT), mới đây Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đã công bố dự thảo nghị định thay thế Nghị định 101 về hướng dẫn thành lập, tổ chức quản lý TĐ, TCT với nhiều sửa đổi đáng chú ý.

Những số liệu về nợ nần, làm ăn thua lỗ của các TĐ, TCT vừa được công bố, cho thấy đây là những bước đi cần thiết để lấp những lỗ hổng pháp lý, nâng cao hiệu quả hoạt động các “quả đấm thép” của nền kinh tế.

Giật mình khối nợ khủng

Thực tế các TĐ, TCT làm ăn thua lỗ, quản lý yếu kém, nợ nần lớn... đã được biết tới từ lâu. Những tồn tại này càng bộc lộ rõ khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn trong năm 2012. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, năm 2012, tổng doanh thu các TĐ, TCT chỉ đạt trên 1,62 triệu tỷ đồng, bằng 92% so với kế hoạch dù có tăng 2% so với năm 2011.

Muốn áp đặt hiệu quả kỷ cương nhà nước và kỷ luật thị trường đối với DNNN, gốc rễ là cần rạch ròi được phạm vi kinh doanh của các doanh nghiệp này, cụ thể hơn là làm rõ các TĐ, TCT có vai trò, chức năng gì trong nền kinh tế. Khi định rõ vị trí của họ trong mối tương quan với các lực lượng khác trong nền kinh tế, mới thiết kế được hệ thống chính sách đồng bộ và chặt chẽ, buộc khối DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, qua đó nâng cao hiệu quả.

PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN,
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Nếu so với mức tăng 16,3% của GDP theo giá thực tế, mức tăng trưởng của các TĐ, TCT kém hơn nhiều các thành phần kinh tế khác.

Trong khi đó hiệu quả đem lại còn “hụt” lớn hơn khi tổng lợi nhuận trước thuế của khối TĐ, TCT chỉ đạt 127.510 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2011.

Từ con số này, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân của khối chỉ đạt 17,4%. Hiệu quả hoạt động thấp khiến các TĐ, TCT hầu như không mở rộng về quy mô vốn. Tổng số vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp này đến cuối năm 2012 là 735.293 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2011.

Đáng lo ngại nhất là con số nợ phải trả của các TĐ, TCT tính đến hết năm 2012 lên tới trên 1,33 triệu tỷ đồng - tương đương trên 60 tỷ USD, chiếm tới 44% GDP.

Con số nợ này tăng lên đáng báo động bởi hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu bình quân tại thời điểm cuối năm 2012 của khối TĐ, TCT là 1,82 lần, cao hơn mức 1,77 lần vào cuối năm 2011.

Dù có ý kiến cho rằng mức tăng này “vẫn nằm trong giới hạn cho phép”, nhưng điều khiến nhiều chuyên gia kinh tế và dư luận lo ngại là nguyên nhân tăng nợ chưa được làm rõ: TĐ hay TCT nào nợ, phương án trả nợ ra sao...?

Bởi xét riêng một số TĐ, TCT, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt giới hạn cho phép, cá biệt có nơi rất cao. Đây quả là một thông tin gây sốc, bởi các TĐ, TCT trước nay vẫn được coi là những “quả đấm thép” của nền kinh tế.

Nhưng với thực tế lỗ lã, nợ nần lên tới mức nguy hiểm như vậy, nếu không có biện pháp tái cơ cấu toàn diện, cả nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.

Định rõ trách nhiệm

Lý giải thực trạng hiệu quả kinh doanh thấp, trong khi các khoản nợ ngày càng tăng, một số lãnh đạo TĐ, TCT, cho rằng họ bị buộc phải “nặng” về trách nhiệm can thiệp vĩ mô như than, điện, xăng dầu…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, quản trị yếu kém, hoạt động thiếu minh bạch chính là nguyên nhân chính khiến những “quả đấm thép” đang tan chảy. Cơ chế quản lý TĐ, TCT đã lộ rõ những lỗ hổng về pháp lý nhưng chậm được sửa đổi.

Trên thực tế, trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 99 vào cuối năm 2012, vấn đề nổi cộm nhất của TĐ, TCT - gốc rễ dẫn tới kinh doanh thua lỗ, yếu kém - là chưa tách bạch chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Kiểu làm “2 trong 1”, cơ quan quản lý hành chính đồng thời là cơ quan thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước đối với TĐ, TCT, đã dẫn đến tình trạng chồng chéo, thiếu minh bạch về vai trò, chức năng của cơ quan nhà nước. Trong khi đó, mô hình và phương thức hoạt động còn nhiều bất cập làm hạn chế chất lượng quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại TĐ, TCT.

Giá xăng dầu luôn lái người tiêu dùng theo hướng
có lợi cho DN kinh doanh xăng dầu.

Được ban hành ngày 15-11-2012 và vừa chính thức có hiệu lực, Nghị định 99 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp là cơ sở để thay đổi căn bản việc quản lý DNNN hiện nay.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh, thay đổi quan trọng nhất trong Nghị định 99 là việc phân công, phân nhiệm rõ giữa Thủ tướng Chính phủ với các bộ quản lý ngành, bộ tổng hợp.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ sẽ thực hiện 4 quyền quan trọng của chủ sở hữu, liên quan đến những quyết sách mang tính chiến lược phát triển dài hạn trong hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm quyết định thành lập, tổ chức lại; mức vốn điều lệ và thay đổi vốn điều lệ; bổ nhiệm chủ tịch hội đồng thành viên và phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất và đầu tư 5 năm. Số lượng doanh nghiệp Thủ tướng trực tiếp thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu cũng đã giảm từ 21 TĐ, TCT xuống còn 9 TĐ và 1 TCT. Trong khi đó, các bộ sẽ có nhiều quyền hơn, đồng thời phải chịu trách nhiệm lớn hơn đối với các TCT trực thuộc.

Tăng tính minh bạch

Mặc dù đã có hiệu lực nhưng những cơ chế, chính sách phục vụ cho việc triển khai Nghị định 99 vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng nên các TĐ, TCT gặp nhiều lúng túng trong triển khai, thực hiện. Để nghị định này sớm đi vào thực tiễn, Bộ KH-ĐT đang xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định 101/2009/NĐ-CP về thành lập, tổ chức quản lý TĐ, TCT, trình Chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất.

Mục tiêu của dự thảo này nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho các TĐ, TCT hoạt động có hiệu quả hơn. Được ban hành cuối năm 2009, Nghị định 101 là văn bản pháp lý cụ thể, trực tiếp nhất trong quản lý nhà nước về TĐ, TCT. Tuy nhiên, đến nay nghị định này đã bộc lộ nhiều bất cập.

Nghị định mới tăng khả năng giám sát bằng việc tạo cơ chế để người dân, xã hội thật sự là một chủ thể giám sát. Cơ chế công khai trước nay các TĐ, TCT có làm, nhưng đối tượng để công khai chưa đủ. Dự thảo nghị định mới yêu cầu báo cáo từ danh mục dự án, hình thức đầu tư và tiến độ thực hiện; các khoản vay ngắn và dài hạn; các giao dịch có quy mô lớn và các giao dịch bất thường khác... Có nghĩa vay nợ bao nhiêu TĐ, TCT sẽ phải công khai.

Ông BÙI VĂN DŨNG, Trưởng Ban cải cách phát triển doanh nghiệp

Đặc biệt quá trình thí điểm thành lập các TĐ kinh tế nhà nước dựa trên cơ sở các TCT 90, 91, cùng với việc chuyển các TCT sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con chưa được phân định rõ ràng giữa TĐ và TCT.

Việc thay đổi này chủ yếu mang tính hình thức, chưa có sự thay đổi căn bản về quản lý nhà nước cũng như quản trị doanh nghiệp. Vai trò chủ sở hữu công ty mẹ cũng bị giới hạn: công ty mẹ không được toàn quyền định đoạt vốn, tài sản của công ty con, kể cả công ty TNHH một thành viên.

Hiện chưa có quy định hạn chế cơ cấu đầu tư trong nội bộ TĐ, TCT dẫn đến tình trạng một số trường hợp công ty con đầu tư ngược trở lại công ty mẹ, công ty mẹ đầu tư chi phối cả “công ty cháu” làm phức tạp quan hệ đầu tư, gây tình trạng chồng chéo, lẫn lộn trong việc thực hiện quyền của chủ sở hữu vốn, gây ảnh hưởng không tốt đến chất lượng quản lý, sử dụng vốn nhà nước.

Thực tế cho thấy chúng ta chậm xây dựng hệ thống tiêu chí an toàn về mặt tài chính trong hoạt động sản xuất - kinh doanh để làm cơ sở cho giám sát, quản lý nhà nước tại các TĐ, TCT. Trong khi đó, việc quản trị theo mô hình cũ, đầu tư lớn nhưng lợi nhuận thấp, chậm đổi mới theo thị trường, đặc biệt minh bạch thông tin cũng là vấn đề nan giải ở không ít TĐ, TCT.

Để xử lý tồn tại này, dự thảo nghị định thay thế Nghị định 101 yêu cầu các công ty trong TĐ, TCT phải công khai các mục tiêu hoạt động dài hạn, các mục tiêu cụ thể hàng năm.

Bên cạnh đó, TĐ, TCT cần minh bạch báo cáo tài chính quý hợp nhất, cơ cấu, hoạt động, thay đổi vốn sở hữu tại các công ty; báo cáo định kỳ về quá trình sử dụng vốn, đất đai, tài nguyên và các nguồn lực, minh bạch hóa kết quả sau khi sử dụng lợi nhuận sau thuế, hoặc xử lý các khoản lỗ trong quá trình kinh doanh.

Các nội dung thông tin công khai, minh bạch phải được đăng trên trang thông tin điện tử doanh nghiệp của Bộ KH-ĐT ( www.business.gov.vn ) trong vòng 30 ngày kể từ ngày được phê duyệt.

Việc công khai, minh bạch thông tin là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tăng cường giám sát đối với TĐ, TCT. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của việc công ty công bố thông tin, nghị định này cần quy định cụ thể các loại thông tin cần công bố và hình thức, thời gian công bố.

Nguồn SGGP: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20130121/lap-lo-hong-phap-ly.aspx